Tăng cường quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo
Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam cho biết, Quảng Nam được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn 40 nghìn km2, hình thành nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản phong phú là tiềm năng to lớn để phát triển nghề khai thác thuỷ sản. Quảng Nam còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, với các hệ sinh thái đặc thù bao gồm nhiều quần thể như san hô, các loài hải sản đa dạng, phong phú quý hiếm có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, Quảng Nam được biết đến với 2 di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, với nhiều danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc cổ lâu đời có giá trị, đây cũng là một trong những lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch, văn hoá, lịch sử, biển đảo và sinh thái; các di sản văn hóa gắn kết với tài nguyên du lịch biển trong tổng thể Trung tâm du lịch miền Trung. Năm 2003, Quảng Nam trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ TN&MT chọn thí điểm áp dụng mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ bằng nguồn ngân sách nhà nước, triển khai tập trung tại TP.Hội An và Núi Thành.
Lợi thế về tài nguyên biển, hải đảo cho phép địa phương này phát triển tổng thể các ngành kinh tế biển. Ảnh: QT. |
Hiện tại, cùng với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang hoạt động hiệu quả, các khu vực rạn san hô Tam Hải, rừng dừa nước Tịch Tây (Tam Nghĩa), rạn Bà Đậu Tam Tiến (cùng thuộc Núi Thành); rạn Kỳ Trân Bình Hải (Thăng Bình); cồn rong Duy Hải, bãi giống thủy sản Hồng Triều Duy Nghĩa, rừng dừa nước Trà Nhiêu Duy Vinh (cùng thuộc Duy Xuyên); khu rừng dừa nước Cẩm Thanh, bãi giống thủy sản Cẩm Kim (Hội An) đang được chính quyền địa phương quan tâm. Diện tích bảo tồn biển trên địa bàn Quảng Nam đã lên hơn 550 km2.
Xác định tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển như: lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển mạng lưới giao thông ven biển, đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển; nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản, đào tạo ngành nghề cho người dân các khu vực ven biển…
Tuy nhiên, hiện nay tài nguyên biển Quảng Nam đang ngày càng bị thu hẹp do hiện tượng sóng biển xâm thực nghiêm trọng. Hàng năm Quảng Nam là khu vực phải hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Nguồn tài nguyên du lịch bị sóng biển bào mòn mỗi ngày gây sạt lở bờ biển, biến dạng bãi tắm, nguy hiểm hơn là nhiều bãi biển đẹp đã và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, ví dụ ở biển Hội An và Cù Lao Chàm, có thể dẫn đến giảm sút sự hấp dẫn đối với khách du lịch. Đây là một trong những thách thức lớn đối với ngành du lịch Quảng Nam nói chung và phát triển du lịch biển đảo ở Quảng Nam nói riêng.
Ngoài ra, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, các dự án, khu du lịch dọc theo tuyến ven biển; việc khai thác nguồn lợi thủy sản quá mức, sử dụng các công cụ đánh bắt hủy diệt có nguy cơ làm cạn kiệt các loài thuỷ sinh hay tình trạng khai thác, chặt phá rừng phòng hộ lấy đất sản xuất của người dân tác động đến việc phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng tác động đến hệ sinh thái biển…
Tỉnh Quảng Nam tiến tới phân vùng sử dụng không gian biển; ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường... |
Trước thực tế trên, địa phương này đang nỗ lực triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu từ nay đến năm 2030, xử lý toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị, khu du lịch biển tài nguyên biển và hải đảo của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: Công nghiệp ven biển; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Kinh tế hàng hải; Du lịch và dịch vụ biển; Khai thác, chế biến dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.
Cùng đó, ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm môi trường biển, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030: 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị, rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển và 85% tổng lượng chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo theo quy định; 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn vùng biển, đảo được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Đặc biệt, 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển; 100% các khu bảo tồn biển, khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được xác định và có biện pháp quản lý hiệu quả…
Để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, giai đoạn tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiến tới phân vùng sử dụng không gian biển; ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển, tài nguyên vùng bờ thông qua áp dụng các công cụ quy hoạch, kế hoạch, chương trình quản lý tổng hợp, đến năm 2030 cơ bản khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định quốc tế về phát triển bền vững của các ngành kinh tế biển, thực thi có hiệu quả các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngăn chặn hiệu quả khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. Thúc đẩy hoạt động đồng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chia sẻ trách nhiệm và quyền hưởng lợi trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng là một giải pháp của tỉnh hướng đến khai thác bền vững tài nguyên biển.
Tỉnh triển khai các chương trình, kế hoạch bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý, bền vững các hệ sinh thái của tỉnh, như: Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, hệ sinh thái rạn san hô xã Tam Hải, Tam Tiến. Hình thành các khu bảo tồn mới: Khu bảo tồn biển Tam Hải; Khu bảo tồn đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn.
Cùng với đó, Quảng Nam sẽ hoàn thành việc cắm mốc giới và quản lý chặt chẽ bờ biển và hành lang bảo vệ bờ biển theo đúng Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo và các Luật khác có liên quan. Ngoài ra, Quảng Nam tiếp tục chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng Điều tra cơ bản biển và hải đảo; Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển.../.
Nguồn: Tăng cường quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo