Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ “bay hơi” lợi nhuận đến 94,2%
Cổ phiếu HSG lao dốc, lãnh đạo liên tiếp “bán tháo” Tập đoàn Hoa Sen: Trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng |
Cụ thể, trong năm tài chính 2021-2022, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen giảm mạnh từ 18,2% về chỉ còn 9,9%. Trong đó, lợi nhuận gộp giảm 44,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 3.934,7 tỷ đồng về 4.938,7 tỷ đồng.
Còn đối với doanh thu tài chính giảm 27,2%, tương ứng giảm 99,5 tỷ đồng về 266,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm 5,6%, tương ứng giảm 31,1 tỷ đồng về 520,9 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 15,5%, tương ứng tăng thêm 584,5 tỷ đồng lên 4.354,8 tỷ đồng…
Tập đoàn Hoà Sen cho rằng, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm là vì tác động từ việc giá thép giảm liên tục trong thời gian qua. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ chậm dẫn đến sự tụt giảm trong kết quả sản xuất, kinh doanh.
Tại niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoa Sen không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận niên độ tài chính 2021-2022 được đưa ra trước đó. |
Như vậy, kết thúc năm tài chính, Hoa Sen mới hoàn thành được 10,1% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 2.500 tỷ đồng) và hoàn thành 16,8% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 1.500 tỷ đồng). Qua đó có thể thấy, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen) dù kịch bản cao nhất hay kịch bản thấp nhất, thì vẫn không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận niên độ tài chính 2021-2022 được đưa ra trước đó.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 36% so với đầu niên độ tài chính 2021-2022, tương ứng giảm 9.592,6 tỷ đồng về 17.025,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 7.395,3 tỷ đồng, chiếm 43,4% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 5.958,8 tỷ đồng, chiếm 35% tổng tài sản.
Trước đó, do những yếu tố bất ổn trên thị trường, Hoa Sen đã ra thông báo về việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (niên độ tài chính 2022-2023) chậm nhất đến 31/3/2023.
Theo Tập đoàn Hoa Sen, trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình thị trường thép nói riêng đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Vì vậy, doanh nghiệp cần đánh giá, dự liệu cẩn trọng đối với các kịch bản có thể xảy ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo nhằm nhằm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của niên độ tài chính 2022-2023 và định hướng, chiến lược cho các niên độ tài chính sau đó một cách phù hợp và sát với tình hình thực tế.
Nguồn:Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ “bay hơi” lợi nhuận đến 94,2%