Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên
Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đang trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt, khai thác hủy diệt và buôn bán trái phép, không bền vững các loài động vật hoang dã. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý, ứng dụng công nghệ số, công nghệ hiện đại để bảo tồn đa dạng sinh học là việc quan trọng cần thực hiện.
Theo nhận định của Lãnh đạo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) (Bộ TN&MT), những năm qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã có nhiều bước tiến quan trọng nhờ khung pháp luật cùng hệ thống tổ chức về quản lý tài nguyên, đa dạng sinh học ngày càng hoàn thiện.
Các văn bản như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cùng các nghị định liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng (Nghị định 56/2018/NĐ-CP) và hệ sinh thái tự nhiên (Nghị định 08/2022/NĐ-CP), đã thiết lập nền tảng pháp lý rõ ràng cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên.Bên cạnh đó, việc phân cấp trách nhiệm quản lý khu bảo tồn tới cấp tỉnh và huyện đã tạo điều kiện để địa phương tham gia sâu hơn vào công tác bảo tồn.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trung ương như Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN&MT), Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), với chính quyền địa phương. Dù vậy, tình trạng suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam vẫn đang diễn ra nghiêm trọng. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) cảnh báo, dù diện tích rừng tăng, nhưng phần lớn là rừng trồng hoặc cây công nghiệp, không có giá trị cao về đa dạng sinh học.
Việt Nam có khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật. (Ảnh minh hoạ). |
Các hệ sinh thái đất ngập nước và biển đang bị suy giảm cả về diện tích lẫn chất lượng. Nhiều loài quan trọng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Các mối đe dọa chính vẫn còn chưa được quản lý và giảm thiểu, chẳng hạn như săn bắt trái phép, mất sinh cảnh hoặc suy giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất và áp lực phát triển, đô thị hóa.
Ngoài ra, các mối đe dọa cộng hưởng có thể kể đến quá trình khai thác không bền vững, khai thác lâm sản ngoài gỗ, vấn nạn ô nhiễm, sự gia tăng các loài ngoại lai, xâm hại…Để giải quyết các thách thức nêu trên, Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, tăng cường năng lực quản lý và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Cụ thể, việc sửa đổi và bổ sung các quy định trong luật, nghị định và thông tư là cần thiết nhằm đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và tăng hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan. Trong đó, pháp luật cần xác định rõ vị trí pháp lý và cơ cấu của các ban quản lý, cũng như vị trí pháp lý của các bộ phận trực thuộc, bao gồm quyền hạn và chế độ đãi ngộ cho cán bộ. Việc ban hành các hướng dẫn kỹ thuật và quy chuẩn cụ thể cũng là một bước quan trọng để đảm bảo hiệu quả thực thi. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) nhấn mạnh việc chú trọng cải thiện năng lực, đào tạo và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý.
Một giải pháp đáng chú ý là áp dụng rộng rãi các công cụ quản lý hiện đại như SMART trong giám sát, quản lý dữ liệu và đánh giá tác động. Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như công an, kiểm lâm và chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng, song song với sự hỗ trợ từ các cơ quan tư pháp trong việc xử lý vi phạm hình sự liên quan đến bảo tồn.
Ngoài ra, Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) cũng nhấn mạnh vai trò của khối tư nhân và các tổ chức ngoài công lập trong việc thúc đẩy tài chính bền vững cho bảo tồn. Điển hình là các mô hình như du lịch bền vững, quỹ ủy thác và cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES) đang được đẩy mạnh.
Việc nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái và rừng cũng cần được triển khai sâu rộng, nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó cụ thể cho từng địa phương. Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) cho biết, chuyển đổi số trong quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học tạo cơ hội cho phát triển các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả về tài nguyên, năng lượng. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực đa dạng sinh học.
Diện tích rừng lớn là một trong những điều kiện thuận lợi để bảo tồn tính đa dạng sinh học ở Việt Nam. (Ảnh minh hoạ). |
Đồng thời, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ cần ứng dụng có hiệu quả các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại (công nghệ thông tin, viễn thám, sinh học,...) trong quản lý, điều tra, quan trắc, theo dõi, kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học.
Ngoài ra, Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) cũng đề xuất, các mô hình kinh tế bền vững như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế sinh thái cần được tích hợp vào chiến lược bảo tồn. Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương là những hành động cụ thể, góp phần vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế.
Trong giai đoạn tiếp theo, công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học cần tiếp tục được đẩy mạnh, cần có những giải pháp đồng bộ về bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia như việc tăng cường công tác thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh chuyển đổi số, phấn đấu hoàn thiện kết nối liên thông hệ thống thông tin, trong đó có cơ sở dữ liệu về quy hoạch. Quản lý, cập nhật biến động các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường áp dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, giám sát các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng thời khuyến khích, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tri thức truyền thống vào việc bảo tồn, phát triển bền vững các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa sinh học; tập trung các nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên.
Tăng cường quản lý, bảo tồn các loài đặc hữu, nguy cấp, ngăn chặn sự suy thoái của các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên; các mô hình du lịch sinh thái hiệu quả; phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đặc biệt cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm cho mọi tổ chức, cá nhân, nhất là các cán bộ quản lý, cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu vực có tính đa dạng sinh học cao để bảo tồn, bảo vệ các loài động/thực vật hoang dã an toàn trong tự nhiên…/.
Nguồn: Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên