Tây Ninh: Định hướng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030
Du lịch được xác định là một trong những hướng mũi nhọn để phát triển kinh tế giai đoạn 2023-2030 của tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Du khách tham quan, tìm hiểu về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” vừa qua |
Trong đó, ngành Giáo dục tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng trường học, tăng cường cơ sở vật chất ở các cấp học, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, mạng lưới trường lớp toàn tỉnh dự kiến có 479 trường học, trong đó có 143 trường mầm non, 190 trường tiểu học, 104 trường trung học cơ sở và 30 trường trung học phổ thông, 10 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường dân tộc nội trú và 1 trường đại học/cao đẳng. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, ưu tiên bổ sung, xây mới loại hình trường tư thục, đặc biệt cho bậc mầm non để cải thiện tỷ lệ trẻ ra lớp.
Cùng với đó, hạ tầng giáo dục nghề nghiệp và bảo trợ xã hội cũng được quan tâm, chú trọng. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 4 trường cao đẳng, trung cấp, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại các huyện, thị xã, thành phố sau khi thực hiện sáp nhập, 3 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề, tập huấn và chuyển giao công nghệ. Tích cực khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư nhân.
Nghiên cứu thu hút, thành lập phân hiệu, cơ sở đào tạo từ xa của các trường đại học trong khu vực. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong khu vực để đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển sản phẩm, thu hút sinh viên và nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao trong khu vực.
Duy trì 2 cơ sở công lập là Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện huy động xã hội hoá cung cấp các dịch vụ bảo trợ xã hội trên địa bàn theo quy định. Triển khai giai đoạn 2 và 3 của Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Tây Ninh. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Tây Ninh.
Hạ tầng y tế và chăm sóc sức khoẻ được tỉnh Tây Ninh xác định tầm quan trọng để chú trọng đầu tư, nâng cấp nhằm chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho người dân. Giai đoạn năm 2030, hệ thống công lập có 5 bệnh viện cấp tỉnh, 9 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, 94 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Thu hút đầu tư xây dựng trung tâm tiêm chủng, bệnh viện tư nhân, khu dịch vụ chất lượng cao tại các trung tâm y tế, xây dựng phòng khám đa khoa khu vực tại một số khu công nghiệp; đề xuất nâng cấp Bệnh xá Công an tỉnh.
Hạ tầng nhà ở sẽ phát triển đa dạng các loại hình, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả cho người có thu nhập thấp và lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, tại các vị trí lân cận hoặc có kết cấu giao thông thuận tiện với các khu công nghiệp. Chú trọng phát triển nhà ở đô thị dựa trên cơ sở chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị hiện hữu được lồng ghép vào các chương trình trọng điểm của tỉnh, từ đó góp phần vào quá trình phát triển bền vững của tỉnh Tây Ninh. Phát triển nhà ở nông thôn bảo đảm phù hợp quy hoạch nông thôn mới.
Một lĩnh vực được xác định mũi nhọn, “đầu tàu” trong phát triển thời gian tới là hạ tầng du lịch. Ở lĩnh vực này, Tây Ninh sẽ chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở lưu trú chất lượng cao; khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển đa đạng hoá loại hình du lịch, thương mại - dịch vụ, tăng cường trải nghiệm cho du khách và tăng thời gian lưu trú tại địa phương.
Nghiên cứu phát triển hành lang dọc sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn gắn phát triển du lịch ven sông. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế cảng thuỷ nội địa chuyên dùng, những địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường sông kết nối với vùng du lịch gắn với di tích lịch sử, hệ sinh thái phía Bắc; phát triển một số sân golf ở những nơi có điều kiện.
Nguồn: Tây Ninh định hướng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030