Tây Ninh: Định hướng ưu tiên đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và kỹ thuật - Báo Tây Ninh Online
Tây Ninh: Đón nhận Bằng xếp hạng địa điểm Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam là Di tích lịch sử quốc gia Tây Ninh: Đường vành đai núi Bà Đen xuống cấp trầm trọng |
Ứng dụng công nghệ canh tác số thông qua nền tảng quản trị hoạt động nông nghiệp FRM (Farmer Relationship Management) (Ảnh minh hoạ)
UBND tỉnh vừa có thông báo định hướng ưu tiên đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2023-2025, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các đề tài đề xuất nêu rõ căn cứ về tính cấp thiết, sự phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ KH&CN mang tính mới, khả năng ứng dụng cao và dựa trên nhu cầu đặt hàng của các sở, ban, ngành trong tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh. |
Các đề tài đề xuất đáp ứng các tiêu chí của nhiệm vụ KH&CN theo quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh. Có địa chỉ ứng dụng các kết quả và được cơ quan, tổ chức trong tỉnh cam kết sử dụng kết quả khi nhiệm vụ KH&CN hoàn thành. Tổ chức, cơ quan ứng dụng kết quả dự kiến phải có năng lực để tiếp nhận và triển khai một cách hiệu quả kết quả tạo ra. Bảo đảm thời gian phù hợp (tính từ thời điểm đặt hàng đến thời điểm có kết quả) và tính khả thi cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Lĩnh vực khoa học nông nghiệp
UBND tỉnh định hướng nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin để số hoá và lưu trữ các thông tin từ đất đai thổ nhưỡng, hạ tầng nông nghiệp, nông sản; nhận diện và giải pháp phòng trừ bệnh cây trồng, vật nuôi trên nền công nghệ thông tin... phát triển, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong bảo quản, chế biến nông, lâm sản sau thu hoạch.
Nghiên cứu các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; phát triển các hình thức sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ).
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tập trung vào công nghệ sinh học để tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, biến đổi khí hậu ở Tây Ninh; công nghệ sinh học giúp kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, các chế phẩm sinh học phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, thuốc sinh học phòng trừ sâu, bệnh, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất phân bón chức năng, phân bón hữu cơ vi sinh; nghiên cứu chế tạo các chế phẩm sinh học phục vụ chế biến thực phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hoá.
Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá sản phẩm cao su, mía, mì, nhân hạt điều... Tập trung chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm rau củ, trái cây, sản phẩm chăn nuôi và lâm sản. Ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm chế biến rau củ, trái cây, thực phẩm theo hướng đặc sản, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu.
Phục tráng, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm, đặc sản có giá trị của địa phương; tiếp cận công nghệ gen thế hệ mới trong nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mang tính trạng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có năng suất và chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ
UBND tỉnh định hướng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, như máy nông nghiệp (dựa trên lợi thế về nông nghiệp có khả năng cơ giới hoá cao), cơ khí chế tạo, thiết bị điện - y tế.
Nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, tập trung vào các công nghệ điện toán đám mây, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo, cùng với xây dựng và hình thành các cơ sở dữ liệu lớn để làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo ra những sản phẩm, thiết bị và các tiện ích thông minh ứng dụng trong sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, quản lý xã hội và đời sống; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 trong xây dựng cơ sở dữ liệu (số hoá) trong công tác quản lý hạ tầng giao thông vận tải, quản lý xây dựng.
Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao đạt chuẩn làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng, công trình giao thông, đánh giá khả năng ứng dụng...
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ kỹ thuật xây dựng theo hướng bền vững, công trình xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng tiên tiến, hiện đại; xây dựng cơ sở dữ liệu (số hoá) trong công tác quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn; tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Lĩnh vực khoa học tự nhiên
Các đề tài đề xuất nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ trong dự báo tác động của biến đổi khí hậu lên hệ thống tự nhiên và xã hội, công nghệ về giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ trong nhận dạng, dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai, đặc biệt những loại hình thiên tai nguy hiểm ở những vùng có nguy cơ cao.
Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu… Đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, công nghệ tái chế chất thải với tính năng, giá thành phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại tái chế chất thải, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường. Nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ kỹ thuật và các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi, đô thị thông minh.
Lĩnh vực khoa học y, dược
Các đề tài đề xuất nghiên cứu việc chuyển giao công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ trong chăm sóc sức khoẻ, chẩn đoán và điều trị bệnh; nghiên cứu, phát triển nguồn thảo dược, sản xuất các loại thuốc, thực phẩm chức năng từ nguồn thảo dược tại địa phương; nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, công nghệ sinh học trong phát triển sản xuất, chế biến các loại cây dược liệu và các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
Các đề tài đề xuất nghiên cứu xác định điều kiện, giải pháp, lộ trình đổi mới, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của nền kinh tế. Nghiên cứu giải pháp phát triển các loại hình kinh tế: kinh tế tập thể; kinh tế hợp tác; kinh tế nông nghiệp; kinh tế cửa khẩu; kinh tế biên mậu - tiềm năng, lợi thế của Tây Ninh gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, năng lực xuất khẩu, nhất là xuất khẩu của tỉnh sang các thị trường mà Việt Nam là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do. Nghiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển ngành công nghiệp để đến năm 2030 tỉnh Tây Ninh trở thành tỉnh công nghiệp. Nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý xã hội trong điều kiện chuyển đổi số; xác định điều kiện, biện pháp, lộ trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghiên cứu đặc điểm hình thành, vận động và phát triển văn hoá, dân tộc, tôn giáo và tác động của xu thế mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế; xây dựng văn hoá đổi mới sáng tạo, văn hoá số, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn tộc. Trong đó chú trọng các cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để bảo đảm phát triển bao trùm, hài hoà giữa các cộng đồng dân cư.
Nghiên cứu xây dựng bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh Tây Ninh phục vụ công tác thông tin đối ngoại gắn với hoạt động tiếp thị, quảng bá địa phương, tăng tính linh hoạt của các sản phẩm du lịch, các chương trình phát triển du lịch để nâng cao năng lực ứng phó trước tình hình mới như đại dịch, biến đổi khí hậu; giải pháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh; khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá, các di sản văn hoá trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm nét văn hoá địa phương.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân; các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, sáng kiến trong hệ thống trường học, trường chuyên nghiệp và dạy nghề. Nghiên cứu về chính sách đổi mới xanh, tập trung về các khía cạnh môi trường kết hợp với sinh thái, xã hội phù hợp với bối cảnh toàn cầu hoá.
Nguồn: Định hướng ưu tiên đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và kỹ thuật