Tây Ninh: Gương sáng phụ nữ khởi nghiệp
Tây Ninh: Tâm huyết của một doanh nghiệp Tây Ninh: Bất cập khi dân cư phát triển dọc bờ kênh |
Chị Thuý hướng dẫn hội viên đan lát các sản phẩm từ nhựa giả mây. |
Chị Lê Kim Thuý (SN 1972) được biết đến là người đảm đang, năng động, dám nghĩ, dám làm và một trong những phụ nữ trong tỉnh khởi nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng. Tháng 8.2023 vừa qua, chị Thuý vinh dự là một trong những cá nhân của tỉnh Tây Ninh tham dự Hội thảo “Chia sẻ kết quả đánh giá và tham vấn giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình sinh kế hiệu quả khu vực dân tộc thiểu số, biên giới” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Xã Thành Long, huyện Châu Thành có hơn 2.300 hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 8 chi hội và 50 tổ hội chủ yếu gắn với nghề nông, nếu gia đình không có đất sản xuất, các chị phải đi làm thuê kiếm sống; có người vì bận con nhỏ, lớn tuổi, sức khoẻ giảm sút... không thể xin việc làm, họ rất cần có nghề làm thêm tại nhà để cải thiện thu nhập.
Qua nắm bắt nhu cầu của hội viên phụ nữ với mong muốn có việc làm ổn định để gia đình đỡ khó khăn. Năm 2019, Hội LHPN xã Thành Long kết nối với một công ty tại TP. Hồ Chí Minh chuyên sản xuất các mặt hàng đan lát sản phẩm thủ công từ nhựa giả mây. Nhanh nhẹn, khéo tay, chị Thuý được Hội LHPN xã cử đi học nghề để về hướng dẫn cho chị em hội viên.
Cần cù, nhẫn nại lại có năng khiếu nên sau một, hai buổi học, chị Thuý làm được một số sản phẩm và bắt đầu hướng dẫn lại cho chị em trong ấp. Ban đầu có 4-5 chị đến học, sau tăng dần lên 10-15 người. Do mọi người chưa thạo công việc, các mặt hàng phải sửa đi, sửa lại nhiều lần nên thu nhập chưa cao. Nhưng với tinh thần đoàn kết, vừa làm vừa hỗ trợ, hướng dẫn nhau để cùng hoàn thành sản phẩm nhanh nhất nên sau vài tuần, tay nghề của chị em đã khá thành thạo.
Tay nghề nâng cao, thu nhập tăng, chị em phấn khởi và giới thiệu việc cho nhau. Không chỉ chị em ở địa phương đến với cơ sở đan lát của chị Thuý mà còn thêm nhiều chị em ở các xã lân cận cũng đến tham gia. Tính đến nay, cơ sở của chị Thuý giải quyết được việc làm cho hơn 60 lao động nữ nông thôn.
Chị Thuý với sản phẩm rổ đựng trái cây. |
Từ những mặt hàng đơn giản, đến nay cơ sở của chị nhận gia công thêm một số mặt hàng mới như giỏ mỹ phẩm, xe đẩy em bé, giỏ đựng trái cây… Chị Thuý là người phụ trách tiếp nhận, giao nguyên liệu cho các thành viên và là đầu mối thu gom sản phẩm hoàn chỉnh giao cho công ty. Mỗi khi công ty đưa mẫu mã mới, chị trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và đánh giá chất lượng sản phẩm.
Chị Thuý chia sẻ, làm nghề này khá đơn giản, tuy nhiên, cần chịu khó tỉ mỉ và kỹ càng, sau 2 đến 3 ngày học nghề là có thể làm được. Mức thù lao dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày.
Chị Trần Thị Trúc Linh, ngụ ấp Thành Đông, xã Thành Long cho biết: “Trước đây, không có việc làm, tôi chỉ ở nhà trông con, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều phụ thuộc vào công việc của chồng. Từ khi bắt đầu công việc đan lát sản phẩm thủ công từ nhựa giả mây, mỗi tháng tôi kiếm được hơn 3 triệu đồng. Cuộc sống gia đình đỡ vất vả, tôi tự tin hơn trong cuộc sống, tinh thần vui vẻ, gia đình ngày càng hạnh phúc”.
Cùng qua điểm, bà Trần Mỹ Dung, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long bày tỏ: “Lớn tuổi, nhận vật liệu, mẫu mã về làm tại nhà rất thuận tiện. Tranh thủ thời gian rảnh, mỗi ngày tôi kiếm thêm được khoảng 100.000 đồng, có tiền đi chợ hằng ngày, cuộc sống thoải mái hơn”.
Chị Trịnh Thị Thoa- Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Long đánh giá: “Có công việc ổn định, thu nhập khá, chị Thuý còn giới thiệu, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các chị em phụ nữ trong xã có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, chị còn là một Chi hội trưởng mẫu mực, tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động”.
Nguồn: Gương sáng phụ nữ khởi nghiệp