Tây Ninh: Khởi động du lịch vườn
Tây Ninh: Đam mê trồng rau thuỷ canh Tây Ninh: “Nàng ốc tiêu” xinh đẹp, tài năng, nhiều hoài bão |
Đông đảo du khách đến tham quan vườn dâu của ông Hải. |
Nhiều vườn cây ăn trái trĩu quả
Ở khu phố Chánh, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng có một số nhà vườn đầu tư mô hình du lịch sinh thái, trong đó có Hoả Thiên Quán. Khu vườn có diện tích 0,35 ha, trồng các loại cây măng cụt, sầu riêng, chôm chôm Thái…
Hiện tại, hầu hết những loại cây này đều đang trĩu quả, trong đó có một số loại trái có thể thu hoạch. Trong vườn có nhiều khóm hoa màu sắc sặc sỡ như hướng dương, cúc, bằng lăng. Giữa vườn có ao nuôi cá khá rộng, trong ao có nhiều hoa sen trắng, sen hồng và những chiếc xuồng ba lá nho nhỏ. Xung quanh ao còn có các công trình khác như sa quạt nước, giếng nước tự chảy, cầu tre, tiểu cảnh hình trái tim v.v…
Đây là những điểm check-in phù hợp với nhiều lứa tuổi. Xen kẽ giữa các hàng cây ăn trái là nhiều căn chòi lá với kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Những căn chòi này phù hợp với việc phục vụ ăn uống của gia đình, nhóm bạn hoặc đoàn du khách số lượng lớn.
Khi đến tham quan khu vườn, chúng tôi thấy chị Phượng và người bạn đang hái những trái măng cụt đầu mùa. Nữ du khách này cho biết: “Tôi đã đến Hoả Thiên Quán nhiều lần. Thích nhất là được tự tay hái những trái măng cụt trên cành. Trái cây tươi ngon, không sử dụng thuốc trừ sâu, nên yên tâm sử dụng”.
Du khách hái măng cụt ở Hoả Thiên Quán.
Đại diện Hoả Thiên Quán- chị Phan Thị Mỹ Châu chia sẻ, ban đầu gia đình chỉ lập vườn thu hoạch trái bán cho thương lái. Trong gia đình có người em trai làm nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế, cậu em nhận thấy vườn cây ăn trái này có tiềm năng phát triển du lịch, trong khi đó ở vùng nông thôn người dân chưa có nơi vui chơi giải trí.
Năm 2019, gia đình quyết định đầu tư chi phí xây dựng khu vườn thành địa điểm du lịch sinh thái. Đến khu vườn, du khách được tham quan, trải nghiệm cách làm vườn, được tự tay hái các loại trái cây mà mình ưa thích và mua để thưởng thức tại chỗ hoặc đem về làm quà.
Hiện nay, trong khu du lịch vườn này có phục vụ các món ăn như gà nướng, gà bóp gỏi, lẩu mắm, lẩu Thái v.v… với giá cả phải chăng. “Ngoài những món ăn kể trên, sắp tới Hoả Thiên Quán còn phục vụ các món ăn với tính chuyên nghiệp cao hơn và theo nhu cầu của thực khách”- chị Châu cho biết thêm.
Cách Hoả Thiên Quán vài trăm mét là vườn dâu của ông Nguyễn Văn Hải, 70 tuổi. Trước đây, ông Hải là giáo viên ở Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Trảng Bàng). Năm 2014, ông nghỉ hưu, lập vườn trồng dâu và sầu riêng với tổng diện tích 5,3 công (5.300m2).
Sau 5 năm chăm sóc, vườn cây của ông bắt đầu cho trái. Đặc biệt, ông Hải nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình xử lý cây dâu sai trái và trái khá ngọt. Vì thế, những năm gần đây, nhiều người dân địa phương háo hức chờ mùa dâu chín, tìm đến vườn của ông để thưởng thức.
Tiếng lành đồn xa, năm nay, vườn dâu nhà ông Hải không chỉ có nhiều khách địa phương mà còn đón du khách đến từ các tỉnh, thành lân cận. Hiện tại, ông Hải bán vé vào cổng với giá 30 ngàn đồng/lượt. Du khách vào vườn được tự do hái trái và ăn “bao bụng”. Nếu du khách mua dâu đem về, ông bán tại vườn với giá 30.000 đồng/kg.
Những ngày nghỉ lễ 30.4, 1.5 vừa qua, chị Bùi Thị Kim Tiên, ở thị xã Trảng Bàng cùng bạn bè đến vườn dâu này một lần. Hôm nay, chị lại cùng người thân quay lại vườn dâu. “Tôi thích nhất là được tự tay hái những trái dâu chín và thưởng thức tại chỗ. Dâu ở đây ngon, ngọt. Lần nào đến đây, tôi cũng mua thêm vài ký về tặng bà con cô bác trong xóm”- nữ du khách nói.
Du khách Phạm Nhật Bình, ngụ tỉnh Bình Dương nhận xét: “Những vườn cây ăn trái ở đây hấp dẫn, không khí mát mẻ mà ở thành thị không có được. Tuy nhiên, các chủ vườn đều mới làm du lịch theo kiểu lẻ tẻ, tự phát.
Hiện nay, hầu hết các khu vườn cây ăn trái ở đây chưa có giao thông thuận lợi, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Để thu hút khách du lịch bền vững, chính quyền địa phương cần có quy hoạch tổng thể. Từ đó, người dân mới mạnh dạn đầu tư về du lịch.
Đến Tây Ninh, ngoài đi núi, tham quan Toà thánh, thưởng thức bánh canh Trảng Bàng, không còn sản phẩm du lịch nào khác. Trong khi ở đây còn có nhiều lợi thế về vườn cây ăn trái, nhưng chưa phát huy hết”.
Sầu riêng trong vườn của ông Đề.
Tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ
Ở ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng đang “hot” với những vườn sầu riêng sai quả. Ông Đỗ Văn Đề, 71 tuổi, ngụ tại địa phương cho hay, vườn sầu riêng của ông có diện tích 2 ha, đã cho thu hoạch trái 5 năm, hiện tại, sầu riêng trong vườn sắp tới kỳ thu hoạch.
Lão nông này ước tính năm nay sản lượng khoảng 20 tấn trái và ông đã bán cho thương lái với giá “bổ đồng” 55 ngàn đồng/kg. Vào tham quan vườn cây của gia đình ông Đề thời điểm này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những cây sầu riêng có dáng đẹp như cây thông Noel. Lủng lẳng trên mỗi cây là khoảng 50 trái sầu riêng to.
Có nhiều trái thòng sát mặt đất, chủ vườn phải dùng dây ni-lông cột đỡ lên cho khỏi bị rơi rụng. Giữa những hàng sầu riêng là các lối đi rộng rãi, có thể dễ dàng di chuyển bằng xe gắn máy nên rất an toàn, không lo sợ sầu riêng rụng trúng khách tham quan.
Bên cạnh vườn sầu riêng, ông Đề còn có vườn chôm chôm Thái, trái chi chít, hứa hẹn mùa bội thu vào dịp Tết Đoan Ngọ sắp tới. Ông Đề mong muốn đầu tư phát triển vườn cây ăn trái của gia đình thành khu du lịch sinh thái, nhưng ông chưa đủ điều kiện kinh tế và cũng chưa biết bắt đầu công việc từ đâu.
Ông Hải thu hoạch dâu.
Không chỉ riêng thị xã Trảng Bàng, hiện nay, nhiều nơi khác như khu vực xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), các xã Trường Đông, Trường Hoà (thị xã Hoà Thành), khu vực ven hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu), các xã Tân Phong, Hoà Hiệp (huyện Tân Biên) v.v… cũng có nhiều vườn cam, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt với quy mô lớn, đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch vườn.
Thực tế, những năm gần đây, một số nông dân đã đầu tư dịch vụ du lịch tại khu vườn của mình. Tuy nhiên, những khu du lịch này còn mang tính lẻ tẻ, tự phát, thậm chí còn trở thành đối thủ cạnh tranh lẫn nhau. Từ đó khiến loại hình du lịch vườn chưa thật sự phát triển. Để tiềm năng này trở thành lợi thế, cần có “nhạc trưởng” đứng ra liên kết các nhà vườn với nhau, kết nối vào các tour du lịch, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.
Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, có thêm nhiều sản phẩm du lịch khác như đờn ca tài tử, chế biến trái cây sau thu hoạch, sản xuất nhiều mặt hàng mỹ nghệ v.v… góp phần thúc đẩy ngành du lịch không khói của tỉnh cất cánh.
Nói về vườn dâu của ông Hải, chị Trần Thị Yến Chi- ngụ thị xã Trảng Bàng cho biết: “Ở ngoài chợ cũng có bán những loại trái cây như thế này, nhưng mua ở chợ thì không biết được nhà vườn trồng dâu như thế nào, cây ra trái ra sao. Khi vào vườn được tự hái, ăn dâu tôi có cảm giác ngon hơn”.