Tây Ninh: Minh niên khai bút
Tây Ninh: Du lịch từng bước khẳng định “thương hiệu” Tây Ninh: Núi Bà Đen xuất hiện hiện tượng cầu vồng đơn sắc siêu hiếm |
Thư pháp gia Lâm Hán Thành viết giấy khai ấn cho hội quán Thất Phủ, thị xã Trảng Bàng.
Minh niên khai bút chỉ hành động cầm cây bút viết vào đầu năm mới, còn được hiểu mọi việc liên quan đến văn phòng tứ bửu (bút, giấy, mực và nghiên mực), về sau này còn chỉ những người làm việc liên quan đến chữ nghĩa trở lại sinh hoạt như thường ngày sau những ngày nghỉ tết.
Thường vào ngày 25 đến 30 tết, xưa ở các thiết chế văn hoá - tín ngưỡng như công sở, đình, nhà vuông, chùa, miếu, hội quán, hay nhà thầy Nho, thầy đồ dạy học, thầy thuốc, thầy pháp… đều thực hiện nghi thức sắp bút, sắp ấn- tức rửa bút, nghiên, rửa ấn cất vào hộp, niêm phong với ý nghĩa tạm gác công việc trong năm.
Sáng sớm từ mùng 3 đến mùng 7 tết, các nơi thường chọn một ngày làm định lệ để hằng năm sau khi cúng ở các bàn thờ thì thực hiện nghi thức khai bút, khai ấn mở đầu cho công việc của năm mới.
Trong Phật giáo Tây Ninh xưa và nay, sau khi cúng tết chùa, các vị trụ trì ngồi trước bàn tổ thực hiện nghi thức khai bút, viết chữ Nho bằng mực tàu trên giấy hồng đơn. Bài khai bút ở chùa Phước Lưu (thị xã Trảng Bàng) có nội dung: “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đệ tử (tên vị trụ trì/người khai bút) phụng khai thần bút minh niên. Tân niên khai bút bút khai hoa - Vạn sự giai hoà vạn sự gia. Bút khai thủ tuế kệ thành ngâm, Bút điểm linh quang bá phước lâm, Bút trợ tăng già minh kiến tánh, Bút hào độ thế quần mê tâm. Tuế thứ (ghi năm theo can chi) chánh ngoạt sơ tam nhựt kiết thời”.
Bài khai bút ở các chùa trong tỉnh cũng có nội dung tương tự. Sau khi viết bài khai bút, vị trụ trì đem dán ở bàn thờ tổ sư, đến cuối năm thì tháo xuống hoá (đốt) và sang đầu năm viết lại tờ khai bút mới.
Đây là một trong những truyền thống, nét đẹp ngày tết ở chốn thiền môn nhưng dần mai một. Trước đây chư tổ, sau này có thầy Thiện Chánh (chùa Phước Lưu, thị xã Trảng Bàng), thầy Huệ Trí (chùa Linh Sơn Thanh Lâm, huyện Gò Dầu) hằng năm vẫn thực hiện, mong rằng những năm về sau ở các chùa đều làm lại nghi thức này.
“Với các thầy Nho xưa, bài khai bút có nội dung đơn giản hơn như: Tân niên (ghi năm theo can chi) khai bút. Chánh ngoạt (ngày) nhựt kiết thời”, ông Lê Thành Tánh- Phó trưởng Ban Khánh tiết đình An Hoà (thị xã Trảng Bàng) chia sẻ.
Ấn tại hội quán Thất Phủ, thị xã Trảng Bàng.
Ở Tây Ninh có 6 hội quán của cộng đồng người Hoa và hội quán Minh Nghĩa của người Minh Hương. Trong đó, hội quán Thất Phủ và hội quán Minh Nghĩa ở Trảng Bàng có nghi thức khai ấn đầu năm vào mùng 4 tết. Hiện nay chỉ còn hội quán Thất Phủ duy trì thực hiện hằng năm. Ý nghĩa của lễ khai ấn tại hội quán là cầu mong sang năm mới, Quan Thánh Đế Quân sẽ phù trợ cho cả cộng đồng, ban bình an và hạnh phúc suốt cả năm. Vào ngày này, tất cả thành viên trong ban quản trị hội quán tập trung tại chính điện, trỗi chuông trống, dâng hương lên bàn thờ Hiệp Thiên Đại Đế (tức Quan Thánh Đế Quân) cùng các bàn thờ trong hội quán xin mở hộp ấn và thực hiện nghi thức khai ấn.
Theo ông Nguyễn Hữu Lộc (Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh), trong hộp ấn có hai chiếc ấn bằng gỗ: chiếc ấn thứ nhất có hình khối vuông và là loại ấn mộc dương (chữ trên ấn khắc nổi, nền ấn lõm), mặt ấn khắc bốn chữ: (Hán Thọ Đình Hầu) bằng chữ Hán theo lối chữ triện, quanh mặt ấn có hồi văn bán công; chiếc ấn thứ hai có hình chữ nhật và cũng là ấn mộc dương, mặt ấn phía trên khắc chữ (Thất Phủ) nằm ngang với cỡ chữ nhỏ, giữa là hình bát quái và phía dưới khắc chữ (Đại Kiết) theo chiều dọc với cỡ chữ to hơn. Đây được xem là những hiện vật vô cùng quý hiếm ở Tây Ninh và chỉ có tại hội quán Thất Phủ.
Giấy để đóng ấn có màu đỏ, viết chữ Hán bằng mực nhũ vàng, bởi theo người Hoa, màu đỏ đại diện cho hạnh phúc, sắc đẹp, thành công và may mắn, qua đó cũng thể hiện được những mong cầu của cư dân. Giấy khai ấn có nội dung: “Thất Phủ hội quán. Hiệp Thiên Đại Đế. Lạc khoản viết năm theo Tây lịch và năm theo can chi, chánh ngoạt sơ tứ khai ấn đại kiết”. Hai năm 2022, 2023, giấy khai ấn của hội quán Thất Phủ do thư pháp gia Lâm Hán Thành thủ bút.
Sau đó, một vị trong ban quản trị hội quán lấy chiếc ấn “Hán Thọ Đình Hầu” chấm vào mực tàu rồi đóng hai dấu vào giấy khai ấn, ấn thứ hai cũng đóng hai dấu. Tấm giấy này sau đó sẽ được đặt ở bàn hương án phía trước khám thờ Quan Thánh để thờ trong suốt năm đó.
Thầy Thích Huệ Trí- trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Lâm, huyện Gò Dầu khai bút năm Quý Mão- 2023.
Các văn nghệ sĩ ở Tây Ninh cũng khai bút bằng câu đối, bài thơ, văn hay truyện ngắn… Nhà thơ Lê Nguyên (thị xã Trảng Bàng)- hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đầu năm khai bút với câu đối: “Nhâm Dần năng nỗ lực/ Quý Mão đạt thành công”, tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa được sự phấn đấu của năm cũ và mong muốn đạt được những thành tựu ở năm mới. Nhà văn, nhà thơ Trần Nhã My (huyện Gò Dầu), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng khai bút đầu năm vào mùng 2 tết với truyện ngắn “Mang mùa xuân về” đăng trên vanvn.vn.
Đọc báo xuân hay tặng báo xuân cho nhau, với người Tây Ninh trở thành một phong vị ngày tết. Từ những số báo giấy giáp tết, số tất niên và đặc biệt là báo xuân như những cánh én đưa mùa xuân sang với các tin bài về những mỹ tục ngày tết ở Tây Ninh, nhìn lại quá khứ với những bài lịch sử, ghi nhận nhiều thành tựu mà tỉnh nhà đạt được trong năm qua và hướng đến sự phát triển trong năm mới với “những gam màu sáng”. Số tân niên cũng được xem là dịp báo chí tỉnh nhà khai bút, in số báo giấy đầu tiên của năm mới Quý Mão.
Minh niên khai bút là một truyền thống, nét đẹp trong những ngày đầu năm mới, đặc biệt với những người yêu và làm việc về chữ nghĩa, cũng là sự khởi đầu công việc của năm mới tính theo nông lịch. Những bài khai bút, khai ấn đại kiết mang lời chúc tụng, những mong cầu cho một năm mới sung túc, thịnh vượng, hạnh phúc và nhiều thắng lợi như lời chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách nay 60 năm gửi đồng bào nhân dịp Xuân Quý Mão (1963): “Mừng năm mới, cố gắng mới, tiến bộ mới, chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi!”.