Tây Ninh: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao-nhiều tiềm năng
Tây Ninh: Tỉnh đoàn ra quân chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023 Về Tây Ninh…trốn nóng |
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn của Hoàng Xuân farm tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng
Tây Ninh là địa phương có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Nguồn lực đất đai rộng lớn cùng với hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng và các tuyến kênh, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông sẽ bảo đảm nguồn nước tưới ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt...Ðó là tiềm năng cho đầu tư vào nông nghiệp tại Tây Ninh.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp- nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thông qua việc tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023, Tây Ninh mong muốn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu thông tin và định hướng đầu tư, phát triển nông nghiệp tại Tây Ninh.
Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 25.5 về công bố kế hoạch tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh, năm 2023”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược là đầu mối giao thương kết nối Việt Nam với các nước ASEAN trong vùng Mekong mở rộng và cũng là cửa ngõ để hàng hoá từ Tây Ninh đến với các tỉnh bạn và thế giới.
Bên cạnh đó, Tây Ninh là địa phương có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp, với địa hình bằng phẳng, thời tiết khí hậu ôn hoà, hệ thống thuỷ lợi được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, luôn bảo đảm nguồn nước tưới ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, nông nghiệp chiếm khoảng 20,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp 342.144 ha chiếm 84,65% diện tích tự nhiên. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị và hiệu quả cao, hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng như: cao su, mía, mì, mãng cầu, lúa, rau màu... Chăn nuôi phát triển mạnh, công tác quản lý vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp tại Tây Ninh rất lớn, tuy nhiên, việc thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: chi phí đầu tư cao trong khi sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và biến động thị trường.
Việc liên kết sản xuất - tiêu thụ chưa chặt chẽ, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước có nhiều biến động, giá cả nông sản thiếu ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, nhất là giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất.
Những năm qua, Tây Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.
Trên cơ sở lợi thế, tiềm năng hiện có, tại Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI đã xem phát triển nông nghiệp- nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỉnh quy hoạch 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2022-2030 với diện tích quy hoạch trên 11.650 ha.
Nhiều dự án chăn nuôi đang chờ triển khai
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.
Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi trong những năm qua được tỉnh rất quan tâm. Hiện ngành chăn nuôi đang từng bước phát triển và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo đó, tổng đàn gia súc tỉnh Tây Ninh hiện có 344.917 con, 628 trang trại, tăng 5,7% so với năm 2021. Gia cầm có 9.000.000 con, 107 trang trại, tăng 20,88% so với năm 2021.
Trên địa bàn tỉnh có các mô hình chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho chợ truyền thống; chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho điểm cung cấp thịt heo an toàn của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Tây Ninh với hơn 20 cửa hàng; chuỗi 8 cửa hàng trong hệ thống siêu thị Co.opMart và 70 cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Bách Hoá Xanh.
Chuỗi chăn nuôi, giết mổ, pha lóc, chế biến sản phẩm thịt bò của Công ty TNHH Pacow international theo công nghệ thịt mát và chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các nông hộ chăn nuôi bò thịt của HTX Hiệp Phát tại xã Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng. 92% sản phẩm sữa trên địa bàn tỉnh được gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ với Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk và Friesland Campina thông qua các trạm trung chuyển sữa tại thị xã Trảng Bàng.
Hệ thống thuỷ lợi của Tây Ninh được đầu tư bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nổi bật là Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel Gà đã xây dựng tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng), với công suất thiết kế trên 19 triệu gà con/năm.
Một dự án giết mổ gia cầm công suất 52 triệu con/năm, chế biến thực phẩm 132.000 tấn/năm tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khu chăn nuôi công nghệ cao DHN Tây Ninh tại huyện Tân Châu, diện tích 39,5 ha từ giữa năm 2022.
Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh còn có nhà máy sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources tại huyện Tân Biên, sản lượng bình quân 700.000 trứng/ngày/trại. Ðây là một trong những doanh nghiệp có hệ thống chăn nuôi gà hiện đại, có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài.
Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam đang đầu tư 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, công suất 250.000 tấn/năm; 9 dự án nuôi 27.400 heo nái, 134.000 heo thịt và đang tìm vị trí đất phù hợp để xây dựng cơ sở giết mổ - chế biến trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vài năm trở lại đây, Tây Ninh đã thu hút rất nhiều dự án chăn nuôi đăng ký và triển khai, với khoảng 140 dự án các loại. Trong đó có 70% là các dự án chăn nuôi heo, còn lại là gà và bò, thịt bò, bò sữa. Phần lớn các dự án đăng ký trong thời gian vừa qua đều là những trại nuôi quy mô lớn, hoặc trại lạnh và bảo đảm an toàn sinh học.
Trong số đó, có một số dự án chậm triển khai. Nguyên nhân do yếu tố khách quan khi giá heo, gà thời gian qua biến động giảm. Lãi suất ngân hàng tăng và hạn chế cho vay cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Xuân, chỉ cần 50% dự án đăng ký đi vào hoạt động thì trong thời gian tới, số lượng heo của Tây Ninh sẽ tăng gấp 3 con số đang có (hiện khoảng 231.000 con); và số gà có thể tăng gấp rưỡi, kể cả gà trứng và gà thịt.
Tây Ninh bước đầu đã thu hút được một số dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.
Tây Ninh tiếp tục mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, đây là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá của ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.
Trong thời gian tới Tây Ninh phấn đấu tiếp tục đưa tỷ trọng chăn nuôi tăng lên 25%-30% vào năm 2030; góp phần tạo ra việc làm, thu nhập, và đóng góp đáng kể hơn vào GDP của tỉnh...
Ông Trần Văn Chiến hy vọng thông qua việc tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)- với thế mạnh về công nghệ, tài chính và thị trường, có thể hỗ trợ Tây Ninh phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, là động lực để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về cả số lượng lẫn quy mô trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo ông Trần Văn Chiến, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp hiện đại để phát triển các chuỗi khép kín, từ thức ăn, con giống cho đến giết mổ và chế biến sâu.
Nguồn: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao-nhiều tiềm năng