Tây Ninh: Nữ giáo viên nhiệt huyết, sáng tạo, tận tâm với nghề
Cô Phan Thị Minh Tâm cùng học sinh tham gia Hành trình về địa chỉ đỏ. |
Ba mẹ qua đời, gia đình chỉ có bốn chị em sống nương tựa vào nhau, dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng không thể ngăn cản ước mơ trở thành cô giáo của Minh Tâm. Sự nỗ lực đã được đền đáp khi cô thi đỗ vào khoa tiểu học, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.
Năm 2003, tốt nghiệp, cô Phan Thị Minh Tâm về dạy tại Trường tiểu học Gò Nổi (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành). Đến năm 2005, cô được điều chuyển công tác về Trường tiểu học An Thạnh B, huyện Bến Cầu (năm 2019, trường sáp nhập, đổi tên thành Trường tiểu học An Thạnh) cho đến nay. Trong quá trình công tác, cô luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”.
Là giáo viên dạy âm nhạc, cô Phan Thị Minh Tâm nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; xây dựng không gian học âm nhạc vui vẻ, thú vị cho học sinh. Năm học 2007-2008, bên cạnh việc dạy âm nhạc, cô được nhà trường giao nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội.
Quá trình làm việc, cô Tâm luôn trăn trở, tìm kiếm giải pháp để học sinh thấy được hoạt động Đội là sân chơi lành mạnh, bổ ích, khơi dậy tính sáng tạo, giúp các em hoà nhập với tập thể và tiếp thu kiến thức một cách thoải mái.
Đứng trước những thử thách tại một ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về cơ sở vật chất, học sinh chủ yếu là con em nhà nông, kinh tế gia đình khó khăn… cô suy nghĩ thực hiện nhiều sáng kiến thiết thực và hiệu quả.
Năm học 2018-2019, nhận thấy việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh rất cần thiết trong trường tiểu học, là nội dung được phụ huynh và dư luận quan tâm, cô Tâm thực hiện sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giáo dục kỹ năng sống cho các em đội viên ở Liên đội Trường tiểu học An Thạnh B”.
Cô Tâm nói: “Tôi lựa chọn các chuyên đề kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi học sinh và những vấn đề các em thường gặp trong cuộc sống như kỹ năng phòng, chống đuối nước, quyền trẻ em - phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực học đường.
Quá trình thực hiện, tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc trong việc giáo dục kỹ năng sống như thời gian, tiến trình, môi trường giáo dục cho học sinh. Sau khi hoàn tất, tôi triển khai thực hiện các chuyên đề giáo dục trên máy chiếu để phổ biến cho các em học sinh hiểu và nắm chắc kiến thức”.
Các em đội viên trong Liên đội rất hứng thú với các chuyên đề, biết vận dụng kỹ năng được giáo dục vào thực tế cuộc sống. Cô Tâm tổ chức khảo sát 89 đội viên của liên đội, trước khi thực hiện, tỷ lệ các em có kiến thức và kỹ năng sống chỉ chiếm 50,56%, sau khi áp dụng sáng kiến, tỷ lệ này tăng lên 94,38%. Với sự nhiệt tình của cô Tâm, các em học sinh luôn hăng hái tham gia các hoạt động và phong trào thiếu nhi của trường.
Trong năm học 2021-2022, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc cho học sinh học trực tuyến ở các trường vùng nông thôn vô cùng khó khăn; tổ chức sinh hoạt Đội trực tuyến lại càng khó khăn hơn.
Một số đơn vị hầu như không thực hiện được việc sinh hoạt Đội trong thời gian học sinh học trực tuyến. Với mong muốn dù ở bất cứ nơi đâu, không gian nào, các em đội viên của Liên đội luôn được giáo dục, định hướng thực hiện tốt theo 5 điều Bác Hồ dạy, cô Tâm mạnh dạn đề xuất sáng kiến “Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội trong tình hình dịch bệnh Covid-19, theo chương trình rèn luyện đội viên giai đoạn 2018-2022, do Hội đồng đội Trung ương ban hành cho các em đội viên ở Liên đội Trường tiểu học An Thạnh”.
Để sáng kiến này đạt hiệu quả, cô đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như chuẩn bị nội dung, chương trình sinh hoạt; lựa chọn các ứng dụng hỗ trợ tốt trong sinh hoạt online; lựa chọn các video clip có nội dung phù hợp với chương trình rèn luyện đội viên để triển khai trong buổi sinh hoạt online; tạo phông nền cho các buổi sinh hoạt; xây dựng hệ thống câu hỏi kiểm tra trên ứng dụng đã chọn; tổ chức sinh hoạt và đánh giá kết quả.
Cô Tâm cho biết: “Trước khi thực hiện sáng kiến, tỷ lệ các em nắm nội dung sinh hoạt dành cho đội viên chỉ chiếm 43,46%, còn lại là không nắm hoặc nắm chưa đầy đủ. Sau một thời gian thực hiện sáng kiến, tỷ lệ đội viên nắm chắc các nội dung sinh hoạt theo chương trình rèn luyện đội viên mới giai đoạn 2018-2022 đạt 90,78%. Sáng kiến áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở và được công nhận theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu”.
Với tinh thần trách nhiệm và hết lòng trong công việc, từ năm học 2020-2021, cô Phan Thị Minh Tâm được mọi người tin tưởng giao kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học An Thạnh. Nữ giáo viên cố gắng sắp xếp công việc hợp lý, tích cực vận động công đoàn viên đóng góp và tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức, phát động.
19 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Phan Thị Minh Tâm vinh dự nhận bằng khen Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương năm 2018; bằng khen của BCH Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019; bằng khen của BCH Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi cụm miền Đông Nam bộ năm 2020.
Nguồn: Nữ giáo viên nhiệt huyết, sáng tạo, tận tâm với nghề