Tây Ninh: Núi Bà Đen - ngọn núi “cầu được ước thấy"
Tây Ninh: Yên ả miền quê Tây Ninh: Hai anh em cùng xung phong lên đường nhập ngũ |
Ăn chay, ngủ núi để tìm sự thanh tịnh, an yên
Đi dọc các cung đường lớn nhỏ tại thành phố Tây Ninh, không ít nhà hàng và các quán ăn chay người ra vào tấp nập.
Ở đây, ăn chay là một trong những nếp sinh hoạt truyền thống, và nghệ thuật chế biến món chay của Tây Ninh đã trở thành Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Những người theo đạo Cao Đài, ít nhất một tháng có đến 10 ngày ăn chay.
Còn những người theo đạo Phật, ngày mùng 1, ngày Rằm hàng tháng sẽ thực hành chay tịnh. Cũng có không ít các Phật tử chọn ăn chay trường như một cách hướng đến lòng từ bi và tìm đến sự thanh tịnh trong tâm hồn.
Người dân hành hương đến núi Bà Đen dịp đầu năm.
Ăn chay chỉ là một trong rất nhiều nghi thức mà người dân Tây Ninh lựa chọn để thể hiện tín ngưỡng trong đời sống văn hoá tâm linh đặc trưng của vùng Nam bộ.
Đặc trưng tín ngưỡng của người dân Đông Nam bộ nói chung và người Tây Ninh nói riêng là sự giao thoa văn hoá của nhiều tộc người cùng sinh sống như người Việt, Khmer, Hoa, Chăm… Nên tại đây, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều đền, chùa, miếu, mạo để thờ Thần, thờ Thánh, thờ Mẫu, thờ nhân vật lịch sử, thờ các nhân vật trong dân gian…
Một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất trong tín ngưỡng của người Nam bộ là Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ tại núi Bà Đen – đại diện cho tín ngưỡng thờ Mẫu của vùng miền Nam. Có thể nói Núi Bà Đen là nơi phát tích của tục thờ Thánh Mẫu trong cộng đồng cư dân Nam Bộ.
Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ tại chùa Bà.
Bởi lẽ đó, người đến lễ tại quần thể Chùa Bà thực hành rất nhiều nghi lễ, cách thức, mong có được sự linh thiêng màu nhiệm từ đỉnh thiêng Nam Bộ như ăn chạy, ngủ dưới chân núi, lấy nước ở khe suối…
Sự linh thiêng theo truyền thuyết của đỉnh núi Bà Đen cho họ một niềm tin rằng, chỉ cần đặt chân đến mảnh đất này, khí thiêng đã được lan tỏa, thẩm thấu, và theo họ trong suốt một năm an lành, may mắn.
Theo chị Phạm Thị Ánh (TP Tây Ninh): “Núi Bà Đen là một ngọn núi thiêng, gia đình chúng tôi năm nào cũng ngủ lại đây ít nhất một tối để hấp thụ khí thiêng đất trời, mong Bà chứng giám lòng thành và phù hộ độ trì cho một năm mới mưa thuận gió hoà, phát tài phát lộc”.
Ngọn núi “cầu được ước thấy”
Nhiều người tin rằng chùa Bà là nơi có thể “cầu được ước thấy”, con đường đến với núi Bà Đen là con đường đến với hạnh phúc, an lạc. Và hành trình đến bái Linh Sơn Thánh Mẫu chính là hành trình đến với niềm hi vọng, sự tin tưởng vào điều tốt đẹp, và vào cả những điều huyền bí khó lý giải.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (TPHCM) kể lại: “Linh Sơn Thánh Mẫu thực sự rất linh thiêng. Cách đây 17 năm tôi đã đến đây cầu tự, sau 3 năm kiên nhẫn miệt mài bái Bà thì vợ chồng tôi đã sinh được một cháu gái. Tôi rất tôn kính Bà, và hầu như năm nào cũng về đây dịp đầu xuân để bái Bà và cầu mong sức khoẻ, tài lộc cho năm mới”.
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ẩn hiện trong mây.
Không chỉ tỏ lòng tôn kính với Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ ở Chùa Bà, rất nhiều người chọn lên đỉnh núi để khấn cầu trước Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Anh Nguyễn Văn Nam (Bình Dương) chia sẻ: “Bước lên đỉnh núi Bà Đen tôi cảm giác như đã đi đến miền đất Phật vậy. Cảm giác rất linh thiêng và uy nghiêm”.
Trên đỉnh núi Bà Đen ngày nay, không chỉ có tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất Châu Á, mà còn là cả một quần thể tâm linh đậm sắc màu Phật giáo. Hành trình đến với nóc nhà Nam Bộ ngày nay bởi thế còn là hành trình hướng tới sự thông tuệ và tìm đến an nhiên.
Nếu khu triển lãm Phật giáo với những phiên bản mô phỏng nhiều tác phẩm Phật giáo kinh điển và trình chiếu phim về sự hình thành vũ trụ giúp các Phật tử mở mang trí tuệ và khám phá thế giới kỳ diệu của Phật pháp, thì Cột kinh khắc Bát nhã tâm kinh bằng đá granite đen kim sa vươn lên trời cao sẽ giúp con người định tâm và tìm thấy sự bình an.
Tượng Phật nhập niết bàn tự tại trên núi Bà Đen.
Toàn bộ không gian thiền định uy nghiêm giữa mây trời với Miếu Sơn Thần, chùa Hang, động Ba Cô, hay Tượng Phật nhập niết bàn tự tại giữa vách núi hướng ra hồ Dầu Tiếng mênh mông… giúp cho núi Bà Đen từ một vùng đất biểu tượng cho tục thờ Mẫu điển hình của người dân Nam Bộ, với sự đan xen giữa đạo Phật với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trung tâm quần thể tâm linh trên đỉnh núi Bà Đen lung linh dưới hệ thống chiếu sáng nghệ thuật.
Ngày nay, người dân thập phương đến với núi Bà Đen không chỉ bởi những câu chuyện linh nghiệm cầu duyên, cầu tự, cầu tài tộc, mà còn để tìm kiếm sự bình an, thư thái và hạnh phúc thực sự trong tâm hồn.
Đó là lý do vì sao mỗi năm núi Bà Đen đón hàng triệu các Phật tử thập phương về hành hương. Tính chung, từ Mùng 1 đến 15 tháng Giêng năm nay, tổng số khách đến quần thể Sun World Ba Den Mountain tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Và không dừng lại ở những ngày đầu xuân, núi Bà Đen vẫn luôn là điểm đến linh thiêng đối với người dân quanh năm mỗi khi họ cần tìm sức mạnh tinh thần hay một điểm tựa tâm linh vững chắc.
Nguồn: Núi Bà Đen - ngọn núi “cầu được ước thấy"