Tây Ninh: Thật sự có thiếu nghiêm trọng vật liệu xây dựng san lấp?
Một mỏ đất san lấp tại huyện Tân Biên, địa phương có nhiều mỏ đất san lấp cung cấp cho một số dự án ở tỉnh ( ảnh minh họa) |
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), dự kiến vật liệu san lấp giai đoạn 2022-2025 cho 4 dự án trọng điểm của tỉnh gồm: đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, cảng ICD Hưng Thuận và hệ thống các cảng thuỷ nội địa sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn khoảng 2,7 triệu mét khối, chưa kể các dự án khác của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện các dự án phát triển hạ tầng cơ sở. Như vậy khối lượng vật liệu xây dựng san lấp cần cho các dự án trong toàn tỉnh trong thời gian tới không nhỏ.
LIỆU CÓ TÌNH TRẠNG “GĂM HÀNG” ĐẤT SAN LẤP
Thời gian qua, qua tìm hiểu tại các dự án đang thi công, nhất là các dự án thi công hạ tầng giao thông, dự án cần khối lượng san lấp mặt bằng nhiều, các nhà thầu được lựa chọn thi công công trình gần như đều than khó về việc tìm kiếm vật liệu xây dựng san lấp, nhất là đất phún khi triển khai dự án.
Nhà thầu thi công dự án hệ thống thu gom xử lý nước thải cho biết, để có đủ khối lượng đất san lấp mặt bằng cho dự án, nhà thầu này phải chạy đôn chạy đáo để tìm nguồn cung cấp đất san lấp. Khó khăn trong tìm kiếm nhưng cuối cùng nhà thầu này vẫn tìm được mỏ cung cấp tận huyện Tân Biên. Dù giá cả có hơi cao so với dự toán dự thầu nhưng nhà thầu không có sự lựa chọn nào khác.
Nhà thầu thi công dự án đường 787B cho rằng, nguồn đất san lấp để thi công nền hạ phải vận chuyển từ huyện Tân Biên và xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng với cự ly gần 80km. Có nhiều nhà thầu phải tìm mua nguồn đất san lấp ở một số tỉnh lân cận để triển khai dự án do khó khăn trong việc tìm nguồn khoáng sản đất san lấp để triển khai dự án đang thực hiện.
Điều mà các nhà thầu chia sẻ khiến dư luận thắc mắc, không lẽ các mỏ khai thác đất phún, đất san lấp trong tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu khối lượng vật liệu san lấp khi nhiểu dự án cùng triển khai? Hơn nữa có hay không các mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản đất san lấp “găm hàng” tạo nên khan hiếm đất san lấp?
Theo Sở TN&MT, hiện tại tỉnh có 50 giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh. Các mỏ khai thác đất san lấp trong tỉnh hiện có trữ lượng 7.159.068m3. Trữ lượng còn lại theo đánh giá thống kê, kiểm tra các mỏ khai thác đất san lấp vừa qua, còn 3.874.932m3.
Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, đối với đất san lấp hiện tại do số lượng và diện tích quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở tỉnh, hạ tầng giao thông ngày càng tăng mạnh. Trong khi đó, khả năng đáp của các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh khoảng 54,12% so với nhu cầu.
UBND huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn huyện có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản đất san lấp có thời hạn còn dài nhưng lại không muốn bán ra thị trường gây nên tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng san lấp, tạo hiện tượng “đầu cơ theo quy hoạch khoáng sản”.
Mỏ đất san lấp của công ty T.Đ tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành mà cơ quan chức năng cho rằng có hiện tượng “ găm hàng”. |
CHỦ MỎ KHOÁNG SẢN NÓI KHÔNG CÓ “GĂM HÀNG” !?
3 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác đất san lấp nằm trên địa bàn huyện Châu Thành mà UBND huyện Châu Thành cho rằng có dấu hiệu “găm hàng” đất san lấp, tao hiện tượng “đầu cơ theo quy hoạch khoáng sản” đều cho rằng họ không “găm hàng”!
Ông Lê Hải Lâm, quản lý mỏ khai thác khoáng sản đất san lấp của Công ty T.Đ nằm trên địa bàn xã Ninh Điền, huyện Châu Thành cho biết, do công ty có chức năng thực hiện thi công các dự án hạ tầng giao thông nên phần nhiều công ty sử dụng đất san lấp để phục vụ cho các dự án hạ tầng mà công ty được lựa chọn thầu mà hiện đang triển khai thực hiện.
Song song đó, Công ty T.Đ vẫn khai thác mỏ theo đúng sản lượng khai thác hằng năm được cấp theo giấy phép. Ngoài việc đất san lấp được khai thác phục vụ cho các dự án công ty đang triển khai, công ty vẫn bán ra thị trường đất san lấp với khối lượng phù hợp cho một số doanh nghiệp, cá nhân để san lấp mặt bằng, thi công dự án đường giao thông. Ông Lê Hải Lâm khẳng định, mỏ san lấp của Công ty T.Đ thực hiện khai thác đúng quy định và cam kết hoàn toàn không có hiện tượng “găm hàng” đất san lấp tạo nên khan hiếm đất san lấp.
2 doanh nghiệp còn lại là Công ty T.T.P và Công ty Đ.T.H được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành thì cả 2 doanh nghiệp đều có chức năng thi công dự án hạ tầng giao thông.
Đại diện Công ty T.T.P cho biết, năm nay công ty được lựa chọn thầu nhiều dự án hạ tầng giao thông trong huyện Châu Thành và một số địa phương. Mỏ khai thác đất san lấp của công ty cũng khai thác phục vụ ưu tiên cho các dự án mà công ty đang triển khai cũng như chia sẻ một phần khối lượng đất san lấp đã khai thác cho một vài doanh nghiệp thi công hạ tầng giao thông. Đại diện Công ty T.T.P cũng khẳng định, mỏ khai thác đất san lấp của công ty không có hiện tượng “găm hàng” để tạo khan hiếm đất san lấp.
Để có đất san lấp thi công dự án đường 787B, nhà thầu thi công phải vận chuyển từ các mỏ đất san lấp ở huyện Tân Biên về đến xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng với cự ly khá xa. |
Các doanh nghiệp có mỏ khai thác đất san lấp cho rằng họ không “găm hàng” hay “đầu cơ theo quy hoạch”. Trong khi đó, thực tế vấn đề đất san lấp gây đau đầu cho các nhà thầu thi công các dự án hạ tầng trong tỉnh, nhất là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh và một số địa phương.
Một nhà thầu thi công dự án giao thông cho rằng, nếu tỉnh có các mỏ khai thác đất san lấp phục vụ đủ nhu cầu các dự án đang triển khai thực hiện trải đều ở các địa phương có dự án triển khai. Nhà thầu thi công không phải đi tìm mua nguồn đất san lấp từ các huyện xa như Tân Biên vận chuyển đến huyện Trảng Bàng để thi công, thậm chí là phải mua ở một số tỉnh lân cận khiến chi phí đất san lấp bị đẩy lên cao so với giá dự thầu. Đây là tình trạng mà các nhà thầu thi công công trình giao thông đang vướng phải thời gian qua.
Nguồn: Thật sự có thiếu nghiêm trọng vật liệu xây dựng san lấp ?