Tây Ninh: Ước mơ nhỏ nhoi của cậu học trò ở trọ
Cậu học trò nhỏ Nguyễn Minh Tiến không ngủ trưa mà miệt mài đạp xe vòng vèo trong sân phơi gạch. |
Ông Nguyễn Văn Vốn, 65 tuổi- nội của em Nguyễn Minh Tiến cho biết, gia đình ông quê ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, 20 năm trước, gia đình ông rời quê, dắt díu về Tây Ninh làm thuê kiếm sống. Không có nghề nghiệp, gia đình ông Vốn xin vào làm công nhân ở một cơ sở sản xuất gạch ở phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng.
Ông Vốn phụ trách việc chụm lửa cho lò gạch. Cha em Tiến- tên Nguyễn Văn Tâm làm nghề tài xế, hằng ngày, lái xe tải chở gạch đi giao cho các đại lý, cửa hàng vật liệu xây dựng ở khắp nơi trong tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh, cha mẹ em Tiến ly hôn từ khi em còn nhỏ.
Từ đó đến nay, Tiến sống chung với chị, cha và ông nội trong khu tập thể của lò gạch. Tiến đang học lớp 3D, điểm phụ của Trường tiểu học Thanh Hòa (phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng).
Buổi sáng, các thành viên trong gia đình đều bận việc sản xuất gạch, Tiến tự đạp xe vượt quãng đường dài hơn 1 km, từ khu nhà trọ đến trường. Buổi trưa cũng vậy, khi tan học, cậu học trò nhỏ tự đạp xe từ trường trở về nhà. Buổi chiều, ở nhà Tiến học bài, tập đọc, tập viết. Những lúc rảnh rỗi, cậu bé phụ ông nội nhặt những thanh củi cao su chất lên xe rùa (xe kút kít) để ông đẩy vào lò.
Khi hỏi mơ ước về tương lai, Tiến nói: “Con chỉ mong khi lớn lên được làm việc ở cơ sở sản xuất gạch này như cha với ông”. Có thể vì những năm qua, học lực của Tiến không cao, vì tuổi còn quá nhỏ, chưa ý thức được nghề nghiệp của mình hoặc vì hoàn cảnh của gia đình còn nhiều khó khăn nên cậu bé quê Hậu Giang chỉ dám ước mơ nhỏ nhoi như vậy.
Ông Vốn cho biết, trung bình mỗi tháng ông được trả tiền công 7- 8 triệu đồng. Cha của Tiến thu nhập nhiều hay ít tùy theo số lượng chuyến xe: “Những tháng nắng, cao điểm của ngành xây dựng, cha của nó lái xe liên tục thì mỗi tháng cũng được khoảng 10 triệu đồng. Những tháng mùa mưa, các công trình ít thi công, thu nhập rất thấp. Phải gói gém lắm cả nhà mới đủ cái ăn cái mặc”, ông Vốn chia sẻ.
Nguồn: Ước mơ nhỏ nhoi của cậu học trò ở trọ