Thái Bình: Trạm bê tông Thái Hà bị tố xả thải xuống dòng sông Luộc
Được biết, trạm trộn bê tông thương phẩm Thái Hà (viết tắt là bê tông Thái Hà - PV, địa chỉ tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) thuộc Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng PSC (địa chỉ: Số nhà 419, phố Trần Thái Tông, Thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình), người đại diện pháp luật là ông Trần Đức Vương.
Theo phản ánh của người dân địa phương, trạm trộn bê tông này hoạt động không phép, thường xuyên xả thải gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Lo lắng hơn là nguồn nước phục vụ nuôi trồng, tưới tiêu và sinh hoạt của người dân từ dòng sông này cũng bị xâm phạm.
Không chỉ vậy, ông T.V.T – người dân xã Điệp Nông bức xúc, trong quá trình di chuyển, các xe bồn chở bê tông, xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu quá tải đã “uy hiếp” đến sự an toàn tuyến đê, bề mặt đê bị xuống cấp nghiêm trọng. Đáng lo ngại là đoàn xe này hoạt động rầm rộ từ sáng sớm đến tối muộn nhưng không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát.
Có mặt ghi nhận thực tế tại trạm bê tông Thái Hà ở xã Điệp Nông, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận thấy những nội dung phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, trạm trộn này “mọc” trên diện tích hàng nghìn m2, trong khuôn viên với hàng loạt đống vật liệu như cát, đá được tập kết cao như núi, nhưng không hề có biện pháp nào che chắn để hạn chế bụi bẩn phát tán ra môi trường, khiến những hôm trời hanh khô, gió lớn đã cuốn đầy bụi cát vào khu dân cư, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Nước thải từ hoạt động sản xuất, rửa xe bồn chảy lênh láng trên bề mặt phía trong trạm trộn, rồi chảy thẳng ra sông Luộc khiến nước sông đục ngầu, gây ô nhiễm môi trường nước nặng nề. |
Tại thời điểm ghi nhận, trong khu vực trạm trộn, lái xe đang vệ sinh rửa xe bồn, và lượng lớn nước thải chảy lênh láng trên mặt rồi chảy thẳng xuống dòng sông Luộc, khiến cả một khu vực nước sông đổi màu đục ngầu, ô nhiễm nặng nề.
Cũng ở phía trong trạm trộn xuất hiện những vũng bùn, đất, bê tông đang hằn theo vết xe khiến bề mặt bị trơn trượt, những bánh xe bồn, xe tải dính đầy bùn đất kéo từ trạm trộn ra đường dân sinh mỗi khi di chuyển ra ngoài, nhưng không được xịt rửa khiến cho mặt đường giao thông quanh khu vực luôn trong tình trạng nhầy nhụa vào ngày mưa, ngày nắng thì bụi bay mù mịt.
Mặc dù quãng đường đê đã được đặt biển hạn chế tải trọng không vượt quá 10 tấn, nhưng những xe bồn chở bê tông, xe tải có tải trọng lên đến mấy chục tấn này vẫn ngang nhiên tung hoành tuyến đê nhưng không bị bất kỳ lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, xử lý. |
Điều đáng nói, mặc dù quãng đường đê thuộc địa bàn xã Điệp Nông mà các xe bồn, xe tải có dấu hiệu hoạt động vận chuyển quá tải để phục vụ trạm bê tông Thái Hà đã đặt biển báo hạn chế tải trọng không vượt quá 10 tấn, nhưng không hiểu tại sao các loại xe này ngang nhiên hoạt động rầm rộ từ sáng sớm đến tối muộn, nhưng không bị bất kỳ lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, xử lý.
Để tìm hiểu hồ sơ pháp lý về công tác bảo vệ môi trường, giấy phép xây dựng, đất đai và các “vấn đề” tại trạm bê tông Thái Hà như đã nêu trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Trần Đức Vương – Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng PSC và được vị này cho biết, trạm trộn được xây dựng trên khu đất bãi bồi sông Luộc thuộc xã Điệp Nông. Trạm trộn dựng lên để phục vụ các dự án đường, cầu La Tiến và dự án đường dây điện 500 KV.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị có buổi làm việc trực tiếp để tiếp cận hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động của trạm trộn, thì ông Vương không phản hồi.
Về thông tin trạm bê tông hoạt động xả thải “bức tử” dòng sông Luộc, gây ô nhiễm môi trường, ông Trần Đức Vương phủ nhận việc xả thải theo như ghi nhận thực tế của PV và người dân phản ánh.
Nhiều đống vật liệu như cát, đá chất cao như núi, nhưng không được che phủ khiến bụi bẩn phát tán ra môi trường, bay thẳng vào khu dân cư. |
Để có thông tin chính xác, khách quan sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thụ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hưng Hà. Thông tin với PV về hồ sơ cấp phép xây dựng trạm bê tông Thái Hà, ông Thụ khẳng định, trạm trộn này được dựng lên tại bãi bồi sông Luộc thuộc địa phận xã Điệp Nông, và một trạm tại bãi bồi sông Hồng thuộc địa phận xã Hồng An, huyện Hưng Hà. Cả hai trạm trộn này đều không được cấp phép, cũng như không có hồ sơ thủ tục cấp phép trình qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện.
Liên quan đến hồ sơ đất đai, môi trường, ông Thụ cho hay, nội dung này thuộc thẩm quyền quản lý của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, và khu bãi bồi ven sông Luộc thuộc sự quản lý của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hưng Hà.
Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê, đảm bảo chất lượng nguồn nước sông Luộc phục vụ nuôi trồng, tưới tiêu và sinh hoạt của người dân địa phương, chúng tôi kính đề nghị UBND huyện Hưng Hà cùng các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn dấu hiệu xả thải “bức tử” môi trường của trạm bê tông Thái Hà. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể buông lỏng quản lý để trạm trộn này ngang nhiên hoạt động trái phép trên địa bàn (nếu có).
Nguồn: Thái Bình: Trạm bê tông Thái Hà bị tố xả thải xuống dòng sông Luộc