Thanh mai Trung Quốc dội chợ, giá 260.000 đồng/kg vẫn ‘cháy hàng’
Giá phân bón hôm nay 4/4: Ure giảm Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá |
Cùng thời điểm này năm 2015, thanh mai từng gây sốt tại thị trường Việt Nam với giá bán từ 130.000-150.000 đồng/kg, bởi là loại quả quá lạ. Thế nhưng, tại chợ đầu mối ở Hà Nội, thanh mai khi đó được bỏ sỉ với giá chỉ 25.000 đồng/kg.
Đáng nói, thanh mai là loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, không phải đặc sản Lào Cai hay Quảng Ninh. Sau cú lừa về xuất xứ, thanh mai gần như mất tích ở các chợ cũng như trên các tuyến phố Hà Nội.
Khoảng 2-3 năm trở lại đây, thanh mai Trung Quốc quay trở lại, với giá bán dao động từ 60.000-130.000 đồng/kg tuỳ thời điểm. Song, phần lớn loại trái cây có tính giải nhiệt này chỉ xuất hiện trên “chợ mạng”, ít bán tại các xe hàng rong trên phố.
Thanh mai Trung Quốc đang đổ về chợ Việt (Ảnh: NVCC) |
Những ngày đầu tháng 4 này, thanh mai lại đang bán đầy tại chợ. Trên khắp các hội nhóm trái cây, từ bán sỉ cho tới bán lẻ, quả thanh mai dần “phủ sóng”. Không chỉ có hàng đóng thùng, dịp này nhiều đầu mối còn rao bán loại thanh mai đóng thành hộp nhỏ trọng lượng 500gram.
Loại đóng hộp này được quảng cáo là “hàng cao cấp” hay "hàng Vip", bao thối hỏng kèm mức giá từ 200.000-260.000 đồng/kg. Đây là mức giá vô cùng đắt đỏ so với mặt bằng trái cây Trung Quốc (dao động từ 15.000-40.000 đồng/kg tuỳ loại quả) đang có bán tại thị trường Việt. So với những năm trước, giá thanh mai năm nay cao gấp 2-3 lần.
“Dù vậy, thanh mai vẫn liên tục cháy hàng”, chị Ngọc Mai, đầu mối bán trái cây ở Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói. Chị cho biết, thanh mai bắt đầu vào mùa, lô đầu tiên chị nhập về bán với giá 320.000 đồng/kg. Mấy ngày trở lại đây, hàng nhiều hơn, giá hạ nhiệt còn 260.000 đồng/kg.
Năm nay, trên thị trường xuất hiện loại thanh mai được quảng cáo hàng Vip (Ảnh: NVCC) |
Thanh mai chị Mai nhập về bán là hàng loại 1, được đóng thành hộp theo trọng lượng 500gram, có nhãn nhà sản xuất nên chất lượng quả đảm bảo hơn, không bị dập hỏng như hàng đóng thùng.
Thanh mai đầu mùa có vị chua ngọt, là món khoái khẩu của chị em. Mọi người thường mua về chấm muối ăn. Thế nên, mỗi ngày chị nhập về và bán hết khoảng 60-80 hộp. Còn dùng thanh mai ngâm đường làm siro giải nhiệt, mọi người thường chờ vào chính vụ, lúc đó giá sẽ rẻ hơn.
Trong khi đó, tại cửa hàng trái cây của chị Hoàng Thị Thuỷ ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội), quả thanh mai liên tục hết hàng.
Chị Thủy mỗi ngày nhập khoảng 50-60kg thanh mai về bán. Đa phần lượng hàng đều được khách đặt từ hôm trước, chị nhập về trả đơn vào hôm sau. Số lượng dư ra mỗi ngày chỉ 10-15kg, chị chỉ bán đến đầu giờ chiều là hết dù giá thanh mai vẫn rất đắt đỏ.
Loại thanh mai đóng hộp này được bán với giá từ 200.000-260.000 đồng/kg (Ảnh: NVCC) |
Bán loại quả này đã được vài năm, song, chị Thủy nhận xét những mùa thanh mai trước, giá cao nhất chỉ 130.000 đồng/kg với hàng tuyển chọn. Năm nay cũng hàng tuyển nhưng giá đắt gấp đôi. “Đây là năm giá thanh mai đắt đỏ nhất kể từ khi xuất hiện tại chợ Việt. Loại quả này phải đến giữa mùa giá sẽ giảm do nguồn cung dồi dào”, chị Thuỷ cho hay.
Không chỉ bán với mức giá cao chót vót, một số cửa hàng chỉ nhận đơn khách đặt trước, 2-3 ngày sau mới trả hàng.
Tại các chợ đầu mối online, thanh mai hàng đóng theo thùng trọng lượng 9-10kg được bỏ sỉ với giá 55.000 đồng/kg. Với hàng đóng thành hộp nhỏ giá sỉ ở mức 100.000-120.000 đồng/kg.
Anh Lê Minh Quang, đầu mối bỏ sỉ trái cây ở Lào Cai, cho biết, mức giá sỉ trên chưa bao gồm cước vận chuyển. Khi khách mua phải chịu thêm phần cước này, từ 30.000-40.000 đồng/thùng.
Mùa thanh mai bắt đầu từ giữa tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Giá tuỳ thuộc vào nguồn cung. Khi rộ, giá có thể xuốn 15.000-25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, giá thanh mai tăng hơn những năm trước bởi cước phí vận chuyển tăng, anh Quang chia sẻ.
"Dù đơn đặt nhiều, nhưng do thanh mai khó bảo quản nên ở kho Lào Cai không có sẵn như các loại trái cây Trung Quốc khác. Tôi chỉ nhập về theo lượng khách sỉ đặt, dao động từ 1-1,5 tấn/ngày", anh nói.
Nguồn: Thanh mai Trung Quốc lại dội chợ, giá 260.000 đồng/kg vẫn ‘cháy hàng’