Thế giới trải qua 10 tháng liên tiếp nhiệt độ cao kỷ lục
Trong bản tin hàng tháng được công bố bởi Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của EU, nhiệt độ trung bình của thế giới đạt 14,14 độ C trong tháng 3/2024, vượt kỷ lục trước đó từ năm 2016 khoảng 0,1 độ C và đồng thời ấm hơn 1,68 độ C so với mức ghi nhận được cuối những năm 1800. Thời điểm này thường được sử dụng làm mốc để đo nhiệt độ trước khi việc đốt nhiên liệu hóa thạch bắt đầu trở nên phổ biến.
Tính cả số liệu của tháng 3/2024, mỗi tháng trong số 10 tháng vừa qua liên tiếp phá kỷ lục là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. C3S cho biết 12 tháng vừa qua cũng được xếp hạng là nóng nhất từng được ghi nhận trên hành tinh. Cụ thể, từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,58 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Hiện tại, năm 2023 là năm nóng nhất kể từ năm 1850.
El Nino đạt đỉnh điểm vào tháng 12/2023 cùng tháng 1/2024 và hiện đang suy yếu, do đó có thể giúp chấm dứt chuỗi nắng nóng cuối năm nay. Tuy nhiên bất chấp việc El Nino suy yếu trong tháng 3/2024, C3S cho biết nhiệt độ mặt nước biển cũng như nhiệt độ không khí trung bình trên thế giới vẫn đạt mức cao kỷ lục trong nhiều tháng qua.
Tháng 3/2024 tiếp tục phá kỷ lục nhiệt độ cao của thế giới. Ảnh: FMT |
Nhận định về những kỷ lục nhiệt độ liên tục bị phá, Reuters dẫn lời Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess cho biết: “Xu hướng dài hạn với những kỷ lục khiến chúng tôi rất lo ngại”. Theo bà, “việc xem những kỷ lục này – tháng này qua tháng khác – thực sự cho chúng ta thấy rằng khí hậu đang thay đổi nhanh chóng”.
Nhận định về tình trạng nhiệt độ cao và nắng nóng gia tăng, C3S cho biết nguyên nhân chính tới từ phát thải khí nhà kính do con người gây ra. Trong khi đó, các yếu tố khác cũng làm tăng nhiệt độ bao gồm El Nino – hiện tượng thời tiết làm ấm vùng nước bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương.
Theo ông Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Nguyên nhân chính của sự nóng lên là phát thải nhiên liệu hóa thạch”. Ông khẳng định lượng khí thải không được cắt giảm này sẽ tiếp tục thúc đẩy hành tinh nóng lên, dẫn đến hạn hán, hỏa hoạn, nắng nóng và mưa lớn dữ dội hơn ở nhiều khu vực trên toàn cầu.
Trên thực tế, thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ cao đã tàn phá nhiều nơi trong năm nay. Cụ thể, hạn hán do biến đổi khí hậu ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon đã gây ra một số vụ cháy rừng kỷ lục ở Venezuela từ tháng 1 đến tháng 3, trong khi hạn hán ở Nam Phi đã tàn phá mùa màng và khiến hàng triệu người phải đối mặt với nguy cơ nạn đói.
Các nhà khoa học biển cũng cảnh báo vào tháng trước rằng một sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt có thể đang diễn ra ở Nam bán cầu do nước ấm lên và có khả năng cao sẽ trở thành sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử hành tinh.
Nguồn: Thế giới trải qua 10 tháng liên tiếp nhiệt độ cao kỷ lục