Thị trường chứng khoán thế giới ngày 7/2: Chỉ số của Mỹ tiếp tục giảm trước nỗi lo về lãi suất
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 6/2: Chứng khoán Mỹ mở đầu tuần mới trong nghi ngờ Thị trường chứng khoán thế giới ngày 4/2: Dow Jones trượt dốc khi số việc làm mới tăng |
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Chứng khoán Mỹ
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 34,99 điểm, tương đương 0,1%, xuống 33.891,02 điểm. Nasdaq Composite giảm 119,5 điểm, tương đương 1%, xuống 11.887,45 điểm còn S&P 500 giảm 25,4 điểm, tương đương 0,61%, xuống 4.111,08 điểm.
Trái phiếu kho bạc cũng bị bán tháo vào thứ Hai, đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm lên 3,632% từ 3,531% vào thứ Sáu (3/2). Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm, vốn nhạy cảm hơn với các động thái lãi suất của Fed, đã tăng lên 4,454% từ 4,299%, mức cao nhất trong hơn hai tháng.
Lợi suất tăng có xu hướng ảnh hưởng tới các cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu đầu cơ khác bằng cách khiến việc nắm giữ trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn.
Cổ phiếu đang trên đà tăng từ đầu năm 2023, được thúc đẩy bởi niềm tin rằng lạm phát chậm lại sẽ khiến Fed chuyển từ tăng lãi suất sang cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Nhưng báo cáo việc làm mạnh mẽ đáng ngạc nhiên vào thứ Sáu cho thấy Fed có thể cảm thấy cần phải tiếp tục tăng lãi suất để hạn chế tăng trưởng tiền lương, và sau đó giữ lãi suất ổn định trong một thời gian dài, các nhà đầu tư cho biết.
“Điều dường như đã thúc đẩy thị trường trong năm nay là kỳ vọng về việc tăng lãi suất ít hơn hoặc, sau khi lãi suất đạt đỉnh là một số đợt cắt giảm lãi suất khá đáng kể, cũng như có lẽ là sự lạc quan hơn đối với tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu và Trung Quốc”, theo Edward Smith, đồng giám đốc đầu tư tại Rathbones.
Việc bán tháo trong vài ngày qua có thể là do các nhà đầu tư đã nhận thức được, đặc biệt là về mặt tỷ giá, rằng thị trường đã quá phấn khích. Với tốc độ tăng giá nhanh trong quá khứ, Fed khó có thể thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất sớm, ông nói thêm.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ trả lời phỏng vấn vào thứ Ba (7/2) và các nhà đầu tư sẽ theo dõi các nhận xét đó để tìm manh mối về phản ứng của ngân hàng trung ương đối với báo cáo việc làm vừa rồi.
Jim Reid, chiến lược gia tại Deutsche Bank, cho biết trọng tâm sẽ là liệu ông Powell có nhấn mạnh quan điểm của ngân hàng trung ương rằng lãi suất ngắn hạn sẽ đạt đỉnh hơn 5% hay không, so với mức hiện tại là 4,5% đến 4,75%.
Theo CME Group, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai lãi suất nhìn thấy khoảng 75% khả năng mục tiêu của Fed sẽ vẫn ở mức 5% hoặc cao hơn vào cuối tháng 9, tăng từ mức dưới 50% một tuần trước.
Sắp tới là một tuần bận rộn khác đối với báo cáo thu nhập của các công ty Mỹ. Các tập đoàn tư nhân KKR, Carlyle Group và Apollo Global Management dự kiến sẽ công bố kết quả trong những ngày tới, cũng như các nhóm khác như Disney, DuPont, PepsiCo và Uber Technologies.
Chứng khoán châu Á
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm nhẹ 0,03% xuống 27.685,47 điểm sau khi chính phủ báo cáo tiền lương tháng 12 tăng 4,8% so với năm trước. Con số này gần bằng mức cao nhất trong ba thập kỷ khi người lao động đòi tăng lương để theo kịp lạm phát.
Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,29% lên 3.248,09 điểm và Hang Seng tại Hồng Kông tăng 0,36% lên 21.298,7 điểm.