Thị trường cuối năm 2022: Chồng chất khó khăn
Bất động sản khốn đốn, Vinaconex “khốn khổ” Hơn 132.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng |
Gần như... “đóng băng”
Như thường lệ, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, thị trường mua bán BĐS tại TP.HCM nói riêng và khu vực phía Nam nói chung khởi sắc và sôi động trở lại. Song, đã đến quý cuối cùng của năm 2022, sự ảm đạm, trầm lắng vẫn đang bao trùm ngành địa ốc. Hiện tại, một số doanh nghiệp BĐS đã có các chính sách ưu đãi cho khách hàng, trong đó, giảm giá cho khách hàng lên đến 40% giá trị sản phẩm nếu khách hàng thanh toán một lần mua, nhưng nhìn chung, thị trường cũng không mấy khả quan.
Để “hồi sinh”, thị trường BĐS hiện đang chờ đợi một dòng vốn mới |
Thị trường BĐS “đắp chiếu” thời điểm cuối năm - vốn được xem là “mùa” thu hoạch của chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư; Việc thanh khoản, giao dịch giảm, nguồn cung mới hạn chế, trong khi sản phẩm tồn kho ngày càng nhiều khiến thị trường BĐS ngày càng khó khăn. Giám đốc một sàn môi giới BĐS (khu vực TP.HCM) cho biết, trước thực trạng thị trường BĐS gần như “đóng băng” trong khi các chủ đầu tư dự án BĐS tìm cách tái cơ cấu kinh doanh, các nhà đầu tư lớn có xu hướng rút vốn ở các tỉnh và giữ các sản phẩm ở các vị trí đắc địa để đợi thị trường “ấm” trở lại.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Hoàng, đầu năm 2022 đến quý III/2022, thị trường BĐS khởi sắc được đôi phần thì đến quý cuối cùng của năm 2022, sự ảm đạm, trầm lắng lại bao trùm thị trường khiến giá bán sản phẩm nhà, căn hộ, đất nền không tăng, thanh khoản chịu sức ép lớn. Nhà đầu tư có xu hướng dùng “vốn tự có” nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy tài chính. Thị trường BĐS ngày càng khó khăn, hiện tượng sốt đất cũng không còn, hoạt động đầu cơ giai đoạn này cũng đã giảm hẳn.
Theo dữ liệu mới đây của Batdongsan.com.vn, trong quý III/2022, mức độ quan tâm BĐS bán trên cả nước tiếp tục giảm mạnh. Nhu cầu tìm mua các loại hình BĐS đều giảm mạnh trong tháng 9/2022, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25%, biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022. Tình trạng khát vốn của chủ đầu tư đã diễn ra từ đầu năm tới nay, người mua cũng gặp khó khăn khi muốn tiếp cận dòng vốn vay mua BĐS từ phía ngân hàng.
Vẫn còn... cơ hội
Nói về thị trường những tháng cuối năm 2022, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, trước thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng, các chủ đầu tư lo lắng, bởi một số dự án định rao bán sẽ phải dừng lại; còn khách hàng có tâm lý dè chừng, bởi lo lãi suất ngân hàng sẽ tăng cao. Vì vậy, cần có chính sách, tín dụng rõ ràng, minh bạch hơn để giúp thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững và tạo ra nguồn vốn trong trung và dài hạn.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Hoàng cũng cho rằng, những tác động từ chính sách, tín dụng BĐS đã ảnh hưởng phần nào đến thị trường BĐS trong năm 2022. Dự báo, từ nay đến đầu năm 2023, thị trường BĐS giao dịch chậm lại, giá BBS không tăng nhưng cũng không giảm. Do đó, nếu các chủ đầu tư dự án BĐS ưu tiên đưa ra thị trường các sản phẩm ở vị trí tốt nhất vẫn thu hút được khách hàng, phần nào góp gam màu sáng để đưa thị trường BĐS ấm trở lại thời gian tới.
Ông Trần Khánh Quang - Chuyên gia BĐS nhận định, hiện nay, đối với nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp có vốn ổn định trong 6 tháng trở đi, không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, thời điểm này lại là cơ hội để nhà đầu tư có thể mua được những BĐS giá tốt, vị trí tốt. Còn với nhà đầu tư không chuyên, ít vốn, phải dùng đòn bẩy, giai đoạn này không nên đầu tư BĐS. Dự đoán từ nay cho đến đầu năm 2023, tình trạng cung - cầu khó gặp nhau, thị trường phát triển lệch pha vẫn sẽ tiếp diễn.
Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm 2022, thị trường BĐS sẽ không có nhiều biến động, nguồn cung mới cũng không nhiều. Những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ phải tìm cách đẩy hàng ra, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền hoặc sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ thấp. Còn đối với những khách hàng trẻ, nguồn lực chưa đủ lớn, có thể tìm đến các thị trường vùng ven TP.HCM, như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai…
Nguồn: Thị trường cuối năm 2022: Chồng chất khó khăn