Thông tin tiếp về tình trạng cá chết ở Hải Dương: Đã xác định được nguyên nhân
Trước đó, Báo Tài nguyên và môi trường điện tử ngày 2/4 đã phản ánh về tình trạng cá chết hàng loạt tại xã Tiền Tiến, TP Hải Dương. Sau đó, nạn cá chết tiếp tục lan rộng ra các huyện, xã khác chủ yếu trên các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Luộc…
Trao đổi với phóng viên, Bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết: Thiệt hại do cá chết từ trước đến nay nếu cộng dồn lại đã lên tới cả nghìn tấn cá thịt. Đây là thiệt hại rất lớn đối với bà con nông dân. Cũng theo bà Phạm Thị Đào, Sở Nông nghiệp & PTNN cũng đã có nhiều giải pháp, biện pháp hướng dẫn nông dân tuân thủ các quy định để giảm thiểu thiệt hại và rủi ro. Bà con vận dụng đúng và cũng chủ động trong chăn nuôi thủy sản nên đến nay, tình trạng cá chết cũng giảm dần.
Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Hải Dương cũng tiến hành 4 đợt lấy mẫu nước tại nhiều vị trí sông Thái Bình chảy qua địa phận tỉnh Hải Dương để xét nghiệm. Các vị trí được lấy mẫu nước trên sông Thái Bình chảy qua TP Hải Dương, Chí Linh, huyện Tứ Kỳ, huyện Cẩm Giàng. Đơn vị này cũng lấy mẫu nước trên sông Kinh Thầy đoạn chảy qua huyện Nam Sách để xét nghiệm, kiểm tra các thông số: nhiệt độ, độ PH, hàm lượng oxy hòa tan trong nước.
Trong đó, ngày 1/4 lấy mẫu nước 6 vị trí trên sông Thái Bình cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn quy chuẩn, các thông số khác đều đạt quy chuẩn môi trường cho phép.
Kết quả lấy mẫu nước ngày 7/4 cũng tại 6 vị trí này trên sông Thái Bình, kết quả nồng độ oxy hòa tan trong nước vẫn thấp hơn quy chuẩn.
Ngày 8/4, trung tâm lấy mẫu nước tại 5 vị trí gồm: sông Thái Bình (xã Nhân Huệ, TP Chí Linh); cuối sông Đuống trước khi chảy vào sông Thái Bình (xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh); cầu Phả Lại (TP Chí Linh), sông Bắc Hưng Hải trước khi chảy vào sông Thái Bình (xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ) và tại sông Thái Bình (xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).
Kết quả đo nhanh cho thấy hàm lượng oxy hòa tan trong nước tại các vị trí này thấp hơn so với quy chuẩn. Riêng mẫu tại sông Bắc Hưng Hải (xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ) trước khi chảy vào sông Thái Bình các chỉ số hàm lượng oxy hòa tan trong nước, pH và nhiệt độ đều đạt quy chuẩn môi trường cho phép.
Ngày 9/4, đơn vị lấy mẫu nước tại 4 vị trí gồm: sông Thái Bình khu vực bè cá phường Nam Đồng (TP Hải Dương); sông Kinh Thầy gần bè cá xã Nam Tân (Nam Sách); sông Thái Bình gần bè cá xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) và sông Luộc gần khu vực bè cá xã Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ). Kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng oxy hòa tan trong nước tại 3/4 vị trí dao động thấp hơn so với quy chuẩn. Riêng mẫu nước tại sông Luộc, gần bè cá xã Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ) có hàm lượng oxy hòa tan trong nước và các thông số nhiệt độ, độ PH đều đạt quy chuẩn môi trường cho phép.
Để giảm thiểu rủ ro cho người nông dân, trong công văn số 1269/UBND-VP, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị nghiêm túc làm việc. Giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất, hỗ trợ kinh phí tiêu hủy…
Đặc biệt là UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn nhằm sớm ngăn chặn ô nhiễm và đảm bảo môi trường tốt…
Qua tìm hiểu, PV được biết: Để giúp người dân khắc phục hậu quả, nhiều tổ chức đã vào cuộc, hỗ trợ người dân. Điển hình nhất là Thành đoàn TP Hải Dương, đã huy động hàng trăm đoàn viên thanh niên ở các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn TP Hải Dương để xuống các xã như Nam Đồng, Tiền Tiến… để vớt cá, chở cá, đóng bao tải cá… đưa đi xử lý…
Nguồn: Thông tin tiếp về tình trạng cá chết ở Hải Dương: Đã xác định được nguyên nhân