Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững
Hậu Giang: Hướng đi cho nền nông nghiệp bền vững Đắk Lắk: Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp bền vững |
Ngành Nông nghiệp đang hướng tới mục tiêu: Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có’ càng đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia và thể hiện vai trò của các doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định 57/2018/NĐ- CP ngày 17/4/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững,…
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời các doanh nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn và để nông nghiệp Việt Nam bứt phá phát triển mạnh hơn nữa Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước. Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Long An luôn xác định nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế tỉnh. Theo đó, Long An đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cho chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết quả, đã có nhiều sản phẩm chủ lực như: chuối, chanh, thanh long, lúa gạo,... đã xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc... Đối với việc thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của Long An đã có sự phát triển; tuy nhiên, sự tăng trưởng còn thiếu bền vững, mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ tạo ra được khối lượng nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa cao.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Long An đã tăng cường triển khai các chính sách về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp tục thực hiện, lan toả là cơ hội lớn để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, gắn với tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long và chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh tiếp tục nghiên cứu và xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tích hợp trong quy hoạch tỉnh; đồng thời, xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của địa phương này thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có tiến triển, song vẫn còn thiếu yếu tố bền vững, chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa cao. Ngoài ra, nông nghiệp luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro khi luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu.
Ảnh minh họa. |
Tại tỉnh Bến Tre, địa phương này xem kinh tế nông nghiệp là nền tảng và tổng lực để phát triển mặc dù nhiều người cho rằng làm nông nghiệp dù không nghèo nhưng cũng khó giàu nhanh như công nghiệp. Bến Tre có lợi thế chính là kinh tế thủy sản và kinh tế dừa. Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, với hơn 70.000ha. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm dừa, kim ngạch xuất khẩu đạt 60 triệu đô. Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, hạ tầng tại vùng ĐBSCL đang được Chính phủ đầu tư mạnh và nhiều chưa từng có như: cảng biển, hàng không, thủy lợi, v.v.. Đây là điều kiện thuận lợi và cần quy hoạch để quỹ đất thu hút được các nhà đầu tư.
Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ KH&ĐT) đánh giá, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vì không chỉ là nơi tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, kể từ khi ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 được ban hành, sự phát triển các doanh nghiệp trong nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. nguyên nhân là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa sáng tạo, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp.
Việt Nam là nguồn cung ứng chủ chốt trong lĩnh vực nông sản toàn cầu, không chỉ với các loại cây trồng chính như lúa, cà phê, chè, mà còn với các loại trái cây nhiệt đới (vải thiều, thanh long…). Nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững cần có chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ chế biến và có năng lực phát triển thị trường; Đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế nông thôn; các vùng nguyên liệu tập trung. Chính sách phải nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp định hướng phát triển bền vững tránh xung đột về môi trường và nguồn lực. Nhất quán trong chủ trương sử dụng đất ổn định và lâu đài và có chính sách môi trường phù hợp.
Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ theo hướng giảm thiểu phát thải. Quy hoạch xây dựng vùng luân canh/chuyên canh tập trung. Đồng thời, có cơ chế về tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững; hỗ trợ tài chính cho các nông dân tiên phong tham gia vào các chương trình nông nghiệp xanh. Nhà nước hỗ trợ kết nối nông dân đồng hành cùng doanh nghiệp cam kết các chương trình nông nghiệp xanh. Đẩy mạnh các chương trình phát triển nông nghiệp xanh thông qua việc áp dụng công nghệ trồng trọt và chế biến theo hướng tối ưu hóa năng suất và chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.
Nguồn:Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững