Thủ tướng yêu cầu sớm trình sửa nghị định về quản lý thị trường vàng
Giá vàng hôm nay 4/3: Giá vàng thế giới có xu hướng giảm Người dân không còn mặn mà với vàng? |
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua, từ đó tạo động lực mới, khí thế mới, cảm hứng mới để tiếp tục thúc đẩy công việc trong tháng 3 và những tháng tiếp theo.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay và sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
Nghị định 24/2012 về quản lý, kinh doanh vàng được ban hành năm 2012 với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế. Từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, SJC được coi là thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Thủ tướng thúc Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa nghị định về quản lý thị trường vàng. |
Tại Chỉ thị 06 ngày 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan quản lý tổng kết Nghị định 24 và có giải pháp quản lý thị trường này trong quý 1 để "phù hợp tình hình mới".
Ngày 17/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao về quản lý thị trường vàng. Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu cơ quan này có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá vàng miếng chênh quá cao so thế giới.
Ngoài việc yêu cầu không chậm trễ trong việc tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Phó thủ tướng đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương thanh tra, giám sát chặt chẽ thị trường này, hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng... Việc này nhằm đảm bảo ổn định, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Kết quả thanh tra được Phó thủ tướng giao báo cáo cho Thủ tướng ngay trong tháng 2 năm nay.
Giá vàng miếng có nhiều biến động vào cuối năm 2023. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang ổn định trong khoảng 63-64 triệu đồng mỗi lượng, giá vàng miếng SJC có lúc vọt lên mức kỷ lục hơn 80 triệu đồng mỗi lượng. Những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục nhảy múa, có thời điểm chênh lệch so với thế giới vọt lên 20 triệu đồng. Chênh lệch giá mua - giá bán vàng miếng SJC cũng bị đẩy lên trên 3 triệu đồng/lượng.
Lúc 11h ngày 2/3, giá vàng SJC ở mức cao nhất lịch sử. Kỷ lục gần 81 triệu đồng một lượng, xô đổ mức đỉnh cũ 80 triệu đồng được ghi nhận vào ngày 26/12/2023.
Cụ thể, giá vàng SJC được niêm yết chiều mua vào - bán ra là 78,45 - 80,95 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 chiều mua vào và tăng đến 1,2 triệu đồng chiều bán ra so với hôm qua. Giá bán ra tăng mạnh hơn đẩy chênh lệch giữa chiều mua và bán lên 2,5 triệu đồng.
Chốt phiên 2/3, giá vàng miếng 9999 tại SJC Tp.HCM là 77,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 80,3 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 77,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 80,32 triệu đồng/lượng (bán ra).
DOJI Hà Nội niêm yết ở mức 77,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 80,25 triệu đồng/lượng (bán ra). DOJI Tp.HCM mua vàng SJC ở mức 77,6 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 80,3 triệu đồng/lượng.
Nguồn:Thủ tướng yêu cầu sớm trình sửa nghị định về quản lý thị trường vàng