Thuận lợi và thách thức khi đầu tư ESG tại Việt Nam
Thách thức nào khiến doanh nghiệp khó tiếp cận ESG? Doanh nghiệp được gì từ đầu tư cho phát triển bền vững? |
“Chính phủ đã và đang thực hiện các bước tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư vào các lĩnh vực, dự án đảm bảo tiêu chí ESG” là lời nhận định mới đây của Công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira&Associates khi nói về tiềm năng đầu tư tại Việt Nam trong năm 2023 cũng như giai đoạn trung và dài hạn.
Những động thái đó được thể hiện qua những quyết sách mang tính bước ngoặt, có thể kể đến như ký kết Khung chiến lược chung về hợp tác phát triển bền vững với Liên hợp quốc, ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021 – 2030, Luật Bảo vệ môi trường 2020 hay cam kết đầy tham vọng tại COP26.
Quyết sách của Nhà nước về phát triển bền vững như điều tất yếu để thuận theo dòng vận động chung của thế giới. Tuy nhiên, không thể không kể nỗ lực thực hành phát triển bền vững theo tiêu chí ESG của cộng đồng doanh nghiệp.
Đó là những bước đi đơn giản từ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xây dựng quỹ hoạt động xã hội và áp dụng quy tắc quản trị công ty của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) từ thời đất nước mới bắt đầu hội nhập, hay mô hình du lịch tích hợp bảo tổn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa bản địa được Tập đoàn Thiên Minh triển khai khi khái niệm “du lịch bền vững” vẫn còn xa lạ.
Năm 2016, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ban hành bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), bài bản hóa những thực hành bền vững theo chuẩn ESG của doanh nghiệp dựa trên quy định pháp luật và điều khoản trong hiệp định tự do thương mại.
Tiếp đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ban hành bộ chỉ số phát triển bền vững VNSI làm cơ sở cho nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu lành mạnh. ESG cũng dần được tích hợp trong yêu cầu của các quỹ đầu tư hàng đầu như Dragon Capital, VinaCapital…, mở ra nhiều cơ hội cũng như động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình theo hướng bền vững.
Tiến trình phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nhận được sự đồng hành từ nhiều tổ chức phát triển quốc tế, chẳng hặn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)… với nhiều gói tín dụng xanh hay tài trợ cho các dự án đem lại lợi ích môi trường và xã hội.
Từ những yếu tố nói trên, Dezan Shira & Associates nhận định, môi trường đầu tư ESG tại Việt Nam đang có bối cảnh chung trên đà tích cực. Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn đang hiện hữu và cần được giải quyết trên con đường đầu tư kinh doanh theo hướng bền vững.
Cụ thể, nhìn chung doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn còn thiếu nhận thức và kiến thức về các tiêu chí ESG. Theo khảo sát của PwC, có khoảng 80% doanh nghiệp đã hoặc đang có kế hoạch cam kết thực hành ESG, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, tuy nhiên chỉ có chưa đến 30% doanh nghiệp tự tin về năng lực thực hành phát triển bền vững.
Cũng theo khảo sát này, hơn 70% doanh nghiệp chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về xây dựng, thiết lập báo cáo ESG.
Bên cạnh đó, thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, thiếu hụt nguồn lực đầu tư và cơ sở hạ tầng chưa phù hợp cũng sẽ là những yếu tố cản trở doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hành ESG tại Việt Nam.
Mặt khác, theo Dezan Shira&Associates, nền kinh tế Việt Nam, so sánh tương quan với các quốc gia trong khu vực ASEAN, chứng kiến nhiều thách thức trên tiến trình thực hành ESG, đặc biệt là trong một số ngành có mức độ rủi ro cao khi chuyển đổi bền vững, ví dụ như ngành công nghiệp luyện kim. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và chưa ổn định cũng đang tạo ra lực cản, đặc biệt trên khía cạnh chuyển dịch năng lượng.
Nguồn:Thuận lợi và thách thức khi đầu tư ESG tại Việt Nam