Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh từ khí sinh học
Hướng tới mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông đường bộ Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon |
Khí sinh học (KSH) đã được biết đến ở Việt Nam từ những năm 1960, trải qua hơn 60 năm phát triển, KSH ngày càng được phát triển rộng rãi từ quy mô sản xuất nhỏ sang quy mô sản xuất lớn, từ lĩnh vực chăn nuôi sang lĩnh vực công nghiệp, từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc quy mô nông hộ, KSH phát triển đến hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở rất nhiều vùng nông thôn.
Những năm gần đây, KSH là nguồn cung cấp năng lượng chính nhằm giải quyết chất đốt sinh hoạt cho vùng nông thôn, thay thế các loại nhiên liệu khác như củi, trấu, than... Hệ thống KSH phát điện còn mang lại nhiều lợi ích về xã hội và môi trường như chất thải được quản lý tốt đã giảm thiểu nhiều tác động xấu về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất. Vì thế, khi áp dụng các biện pháp sử dụng triệt để nguồn KSH sinh ra sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm thứ cấp, tăng hiệu quả đầu tư cho người chăn nuôi; giảm phát thải khí nhà kính: do quản lý tốt nguồn phân chuồng ở hệ thống KSH, do lượng KSH sinh ra ở những công trình KSH phát điện thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch vẫn đang sử dụng để phát điện như nhiệt điện than, dầu…
Hầm khí sinh học từ chất thải trong chăn nuôi. |
Theo giới chuyên gia, nếu dùng khí sinh học để phát điện, Việt Nam sẽ giảm phát thải khí metan và CO2, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho lưới điện. Chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định của pháp luật; chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất.
Về xu hướng phát triển chăn nuôi, giới chuyên gia nhận định, chăn nuôi tuần hoàn là một quá trình sản xuất mà ở đó chất thải, phụ phẩm được xử lý bằng các cách khác nhau thành những nguyên liệu đầu vào cho một quá trình sản xuất khác tạo ra sản phẩm hữu ích, theo vòng tuần hoàn kín hoặc bán tuần hoàn để gia tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chi phí xử lý chất thải chăn nuôi phải là một chi phí sản xuất bắt buộc của các cơ sở chăn nuôi, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi giá trị để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được cam kết giảm phát thải khí metan, Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích phát triển khí sinh học, và cần sự đầu tư đáng kể từ cả Nhà nước và khối tư nhân vào các nhà máy khí sinh học để xử lý chất thải hữu cơ từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và rác thải của các đô thị.
Khí sinh học hay còn gọi là Biogas là một hỗn hợp các chất khí gồm khí mêtan, dioxit cacbon và một phần nhỏ các khí khác như hydro, monoxit cacbon, nitơ… Khí sinh học tự nhiên có hàm lượng mêtan cao hơn 70%. Khí sinh học còn được gọi là khí đầm lầy, khí bãi rác…, khi được tinh lọc để có hàm lượng mê tan cao hơn 95% và nén trong bình (gọi là khí sinh học nén tinh lọc). Khí sinh học đem lại những lợi ích thiết thực như: Tạo nguồn khí đốt sử dụng để đun nấu tiện lợi và sạch sẽ; Sử dụng khí sinh học để chạy máy phát điện thắp sáng; Dùng nước xả và phân từ hầm khí sinh học làm phân hữu cơ cho cây trồng.
Nguồn: Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh từ khí sinh học