Thương mại Việt Nam 2023: Kỳ vọng vượt thách thức
Triển vọng bật tăng mạnh mẽ của ngành bán lẻ năm 2023 Sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại Việt Nam |
Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN), giới chuyên gia và các nhà quản lý cùng xác định mục tiêu cần phát huy nội lực, cải thiện chất lượng hoạt động thương mại để vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức, thúc đẩy thương mại phát triển mạnh mẽ.
Vững vàng trước thách thức
Bất chấp những lo ngại về kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát, sự sụt giá đồng tiền và những thách thức khác, kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn tăng trưởng 8,02%. Đây là mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua và cao hơn mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 6-6,5%. Như vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Đặc biệt, năm 2022 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song hoạt động thương mại của Việt Nam đã thu được những thành quả nổi bật. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm đạt mức kỉ lục trên 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021, trong đó riêng xuất khẩu đạt 371 tỉ USD, tăng 10,5% so với năm 2021.
Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu năm 2022 đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, giảm xuất khẩu thô và tăng xuất khẩu những sản phẩm được chế biến sẵn. Nhập khẩu được kiểm soát, những nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước chiếm gần 90% trong cơ cấu nhập khẩu. Sản phẩm công nghiệp và các hàng hóa khác của Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam vẫn tăng mạnh, ước đạt gần 22,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Di chuyển bình thường trở lại đã thúc đẩy du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt khách trong năm 2022, cao hơn so với giai đoạn trước Covid-19. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng xâp xỉ 20% so với năm 2021.
Mặc dù sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là vững chắc. Và thực tế, nhiều quốc gia khác trong khu vực không chống chọi được tốt như Việt Nam trước những thách thức và cú sốc kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, “những cơn gió ngược” đang mạnh lên kể từ quý IV/2022.
Vẫn biết rằng hoạt động thương mại tiếp tục mở rộng, nhưng các chỉ số kinh tế chính cho thấy, nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang suy yếu. Số lượng đơn đặt hàng mới có thể giảm vào đầu năm 2023. Trong khi đó, lạm phát cao ở Hoa Kỳ, tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc, biến động xấu ở Nga và Ukraine có thể làm tăng mạnh giá cả hàng hóa, tiếp tục gây ra lạm phát toàn cầu và thắt chặt tiền tệ hơn nữa.
Do đó, theo đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á, các phản ứng chính sách đối với Việt Nam cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường trước mọi biến động.
Phát huy nội lực, cải thiện chất lượng hoạt động thương mại
Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN), giới chuyên gia và các nhà quản lý cùng xác định mục tiêu cần phát huy nội lực cũng như những gì đã đạt được, tiếp tục phấn đấu bền bỉ, sử dụng hiệu quả các tiềm năng lợi thế của đất nước để phát triển thương mại, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, thách thức lớn trong năm 2023 của da giày vẫn là vấn đề nguyên liệu. Để có sản phẩm đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu, mỗi năm ngành da giày vẫn phải nhập khẩu tới hơn 1 tỷ USD da thuộc. Do đó, cần thiết nhất vẫn phải thu hút thêm đầu tư sản xuất loại nguyên phụ liệu da thuộc tại Việt Nam để nâng tỷ trọng sản xuất giày, đặc biệt giày da để xuất khẩu.
Theo bà Xuân, “muốn phát triển những dòng giày có hàm lượng giá trị gia tăng cao, cần phải tập trung thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu về da thuộc tại các địa phương. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các DN nâng cao năng lực về thiết kế, tăng thu hút đầu tư để các DN hấp thụ được những công nghệ mới từ nhiều thị trường. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tiếp tục trang bị những kiến thức, nâng cao năng lực cho DN trong công tác tiếp cận, xúc tiến thương mại hướng tới xuất khẩu tại nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính”.
Năm 2023 nhiều ngành hàng và DN đang tận dụng và phát huy tốt lợi thế từ các FTA, cùng với sự dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài từ các thị trường khác vào Việt Nam sẽ tạo thuận lợi và giúp cho các DN giữ được đà tăng trưởng xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ông Trần Thanh Hải lưu ý rằng: “Trong bối cảnh hiện nay dù sẽ có một số nhóm DN bị ảnh hưởng nhưng cũng chính là thời cơ để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DN. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường, ngoài việc phát triển về lượng, các DN cũng cần chú trọng đổi mới nâng cao năng lực sáng tạo, tăng cường tạo lập uy tín làm cơ sở để hướng tới đa dạng hóa thị trường”.
Nhận thấy rõ việc sử dụng hiệu quả và khai thác những tiềm năng lợi thế để thương mại Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, cần quy hoạch lại một cách khoa học các vùng sản xuất hàng hóa công nghiệp, nông sản thực phẩm để cung cấp ổn định kịp thời với chất lượng tốt và giá cả hợp lý cho hệ thống phân phối nội địa và cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhà nước cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho thương mại và sản xuất bao gồm logistics, hệ thống phân phối quốc gia gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó bao gồm là hệ thống chợ đầu mối và các sàn giao dịch hàng hoá nông sản thực phẩm. Sớm xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, lợi ích hài hòa, giảm bớt các trung gian trong khâu bán lẻ, thiết lập các chuỗi cung ứng ngắn nhằm giảm chi phí lưu thông và hạ giá bán về mức hợp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt ngay tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Ông Phú cho rằng: “Các DN cần xây dựng thương hiệu và có đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất lao động, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu để chủ động sản xuất giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu ở nước ngoài. Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát thị trường công bằng, góp phần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước cần có chính sách xây dựng các tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn có thương hiệu để đủ sức sản xuất hàng hóa và dẫn dắt thị trường trong nước phát triển. Đưa kinh tế số vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ, khuyến khích phát triển sản xuất thương mại theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”.
Cũng theo ông Phú, hơn lúc nào hết cần đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các DN trong nước với hệ thống thương vụ nước ngoài, từ đó tìm kiếm thêm những thị trường mới góp phần thực hiện đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, trong mối quan hệ đối ngoại của thương mại Việt Nam.
Trong chỉ đạo mới đây với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý Cục này cần triển khai mạnh mẽ và giám sát kỹ đối với các hoạt động trong Chương trình xuất khẩu chính ngạch mà Chính phủ đã thông qua đối với các địa phương.
Đặc biệt, gần đây Trung Quốc đã mở cửa biên giới nên Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan thuộc Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ NN&PTNT, chính quyền các địa phương nhanh chóng triển khai đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch, để quy hoạch lại các vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường, đặc biệt thị trường đông dân như Trung Quốc.
Nguồn:Thương mại Việt Nam 2023: Kỳ vọng vượt thách thức