Tiền Giang: Huyện Chợ Gạo kinh tế tập thể góp phần xây dựng nông thôn mới
Tiền Giang: Giáo viên Hồ Thị Ngọc Trong: Năng động, hăng say trong công tác Đắk Lắk: hưởng ứng chiến dịch nhặt rác toàn quốc “Clean Up Việt Nam” lần thứ 4 |
Theo UBND huyện Chợ Gạo, hiện trên địa bàn huyện có 30 HTX, 1 chi nhánh HTX; trong đó, có 28 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về phát triển KTTT, ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện đã giao Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT của các xã và các HTX trên địa bàn.
Theo đó, huyện đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện với hơn 100 người tham dự.
Huyện Chợ Gạo đang đẩy mạnh hỗ trợ phát triển KTTT. |
Theo đánh giá của UBND huyện Chợ Gạo, nhìn chung, các HTX trên địa bàn huyện từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả mang lại lợi nhuận cho các thành viên. Một số HTX đã chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như HTX Mỹ Tịnh An thực hiện liên kết với nông dân trong việc bao tiêu giá thanh long ruột trắng cho nông dân với mức giá sàn là 10.000 đồng/kg.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Hay HTX Phát Đạt Tiền Giang, HTX Đăng Hưng Phước Chợ Gạo, HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát đã cùng các thành viên và nông dân trong khu vực xây dựng vùng trồng thanh long đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP với diện tích 664 ha/1.283 hộ.
Ngoài việc chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, các HTX của địa phương còn tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 HTX có sản phẩm được công nhận OCOP là trà mãng cầu Phụng Tiên của HTX Bình Phan đạt 3 sao, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Mỹ Tịnh An đạt 4 sao, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát đạt 4 sao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng cho biết, KTTT đóng vai trò quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, thể hiện ở việc đánh giá tiêu chí 13 - Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Điều này giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn sạch đã từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường khó tính, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển KTTT trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn. Do thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT từ huyện đến xã thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên thời gian đầu tư cho công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phát triển KTTT không nhiều, ảnh hưởng đến công tác quản lý. Chưa kể, năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều; trình độ lao động còn thấp; khả năng quản lý của Hội đồng quản trị HTX còn hạn chế, không làm việc lâu dài.
Nhiều nơi, thành viên tham gia mang tính hình thức, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm. Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, hoạt động đơn thuần chỉ phục vụ nhu cầu cho các thành viên. Vốn lưu động thấp, chưa đủ điều kiện vay vốn ngân hàng nên gặp khó khăn về vốn. Trong khi đó, vốn góp của thành viên ít, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh…
Theo đồng chí Cao Tấn Hưởng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực KTTT, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KTTT, nhất là Luật HTX năm 2012 cho cán bộ và nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân về KTTT. Điều này nhằm giúp người dân nhận thấy lợi ích khi tham gia HTX để họ tự nguyện góp vốn, tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp đối với phát triển KTTT. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị KTTT trên địa bàn. Địa phương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX được củng cố và phát triển.
Huyện sẽ tiếp tục đổi mới việc tổ chức quản lý và phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy quyền làm chủ của thành viên, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh theo đúng Luật HTX năm 2012. Trong đó, chú trọng tăng cường hợp tác, liên kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, huyện sẽ đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT. Cụ thể, địa phương sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới HTX; chính sách hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và thành viên làm công tác chuyên môn của HTX theo Chương trình Hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Nguồn: Huyện Chợ Gạo: Kinh tế tập thể góp phần xây dựng nông thôn mới