Tìm lời giải "bài toán" ngập lụt đô thị TP Huế
Tại TP. Huế hiện nay, các khu đô thị (KĐT) như An Cựu City, An Vân Dương... là những đô thị kiểu mẫu, khu vực tiện nghi hiện đại; tuy nhiên đến mùa lũ, cứ mưa lớn, nước các sông dâng cao đã làm ngập hầu như toàn bộ các tuyến đường, mưa kéo dài là ngập dài ngày, trong khi đó nước rút cũng rất chậm.
Những năm gần đây, cứ đến mùa mưa lũ, khu vực đô thị ở Huế lại ngập lụt, người dân phải đưa xe lên chỗ cao |
Bà Trần Thị H - một người dân sống ở KĐT An Vân Dương cho hay, ở nơi đây rất thấp, cứ mưa là đường ngập, nước tràn vào nhà. Những năm qua, ngập đã trở thành một thứ "đặc sản" khiến người dân than phiền.
"Vào mùa này, bắt đầu thấy mưa to là sợ. Ngập dài ngày gây khó khăn trong sinh hoạt, đời sống của người dân. Nhiều quán sá bị nước vào gây thiệt hại lớn, các hộ dân phải vất vả di chuyển xe máy, ô tô đi tránh ngập...", bà H chia sẻ.
Qua theo dõi và tổng hợp của cơ quan chức năng, các khu vực thường bị ngập lụt ở TP. Huế khi có mưa lớn kéo dài là khu vực Bắc và Nam sông Hương. Trong đó tại Nam sông Hương, ngoài các KĐT đã kể trên thì ở phường Vỹ Dạ thường bị ngập nước khi có mưa và mực nước sông Hương lên cao. Khu vực phường Phú Hội ở đoạn đầu của đường Bến Nghé - Hùng Vương, các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Trần Quang Khải vẫn hay bị ngập lụt khoảng 0,5m. Khu vực các phường Xuân Phú, An Đông là nơi bị ngập lụt nặng nhất khi có mưa lớn, do địa hình tự nhiên thấp. Ở khu vực phường Phường Đúc thường bị ngập lụt cục bộ trên tuyến đường Bùi Thị Xuân. Vào tháng 11/2023, toàn TP. Huế có trên 80 % tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập lụt do mưa lớn.
Ngập lụt kéo dài làm cho giao thông ở TP. Huế bị chia cắt tạo ra sự bất tiện, nhất là Quốc lộ 1A tại cửa ngõ Bắc - Nam TP. Huế, các Tỉnh lộ 28A, 10A... kết nối với thị xã Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang... là những tuyến đường có lượng người, phương tiện qua lại rất lớn.
Về nguyên nhân gây ngập lụt cục bộ, lãnh đạo UBND TP. Huế cho rằng, chủ yếu do hệ thống thoát nước mưa hiện trạng thiếu, chưa đảm bảo đồng bộ; các hồ, kênh, mương hiện trạng bị lấn chiếm, san lấp, xây dựng bị thu hẹp làm cho nước mưa thoát chậm; không có khả năng lưu chứa khi mưa với cường độ lớn; một số khu vực do các công trình đang thi công nhưng thiếu giải pháp thoát nước mưa tạm thời; hệ thống các kênh, mương thoát nước chính theo quy hoạch được duyệt chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng với tình hình thực tế và quá trình đô thị hóa diến ra nhanh chóng, dẫn đến tình trạng hệ thống thoát nước mưa chỉ đủ chuyển tải lưu lượng nước mưa cục bộ, thiếu kết nối liên tục từ vị trí thu đến vị trí xả nước. Ngoài ra, một số khu vực ngập cục bộ do địa hình chia cắt, cống băng đường nhỏ, dòng chảy bị thu hẹp, chưa khơi thông các cống kết nối với sông hiện có, không đảm bảo chuyển tải lưu lượng nước từ các lưu vực ở phía thượng lưu chuyển qua; khu vực quy hoạch kênh, mương hở hiện nay vẫn là ruộng, chưa hạ đáy và bị ngắt quãng (chặn) bởi các trục đường (cống nối băng đường nhỏ) nên việc tiêu thoát nước thiếu liên tục dẫn đến tình trạng ứ đọng, gây ngập cục bộ, nước dâng nhanh khi có mưa.
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Trương Đình Hạnh - Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho hay, trong những năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực để đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu, tình hình thực tế và quá trình đô thị hóa, cải thiện khả năng tiêu thoát nước mưa, thoát nước và xử lý nước thải, hạn chế tình trạng ngập úng, ngập lụt khi có mưa cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải. Trong đó có Dự án cải thiện môi trường nước đã xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước thải hỗn hợp (cống bao, công chung, giếng tách) cùng với nhiều trạm bơm để thu gom nước mưa, nước thải và đưa về nhà máy xử lý nước thải; sau khi hoàn thành đã giảm thiểu những thiệt hại do tình trạng ngập úng gây nên.
Người dân Huế vất vả di chuyển trong nước lũ |
"Để chống ngập lụt đô thị, TP. Huế sẽ yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra các khu vực có tình trạng nước mưa ứ đọng, ngập cục bộ khi có mưa; tổ chức nạo vét, khơi thông các rảnh, cống, mương và cửa xả hiện trạng (đặc biệt tại các vị trí cửa xả nước ra sông, biển; nguồn tiếp nhận) để dòng chảy không bị nghẽn, tắt và thu hẹp... Ngoài ra, trong định hướng, quy hoạch phát triển không gian đô thị cần quan tâm dành nhiều không gian cho hồ chứa nước, khơi thông, nạo vét, mở rộng hệ thống sông ngòi, kênh rạch, hồ hiện hữu. Khi quy hoạch phát triển đô thị, san nền cần phải đánh giá kỹ tác động đến ngập úng để quy hoạch mới các hồ tiêu năng, hệ thống sông và kênh thay thế; đấu nối với hệ thống sông ngòi hiện trạng nhằm đảm bảo thoát nước cho vực đô thị mới cũng như đô thị hiện trạng", ông Hạnh nói.
Nguồn: Tìm lời giải "bài toán" ngập lụt đô thị TP Huế