Tin bất động sản ngày 13/4: Giao dịch nhà đất tại Khánh Hòa có dấu hiệu phục hồi
Tin bất động sản ngày 12/4: Hà Nội yêu cầu tháo gỡ định giá đất cho các dự án Tin bất động sản ngày 11/4: Điều tra dấu hiệu lừa đảo tại dự án khu dân cư Phú An |
Giao dịch nhà đất tại Khánh Hòa đang có dấu hiệu phục hồi
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa phát đi Công văn số 978/SXD-QLN gửi Bộ Xây dựng để báo cáo phục vụ công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I năm 2023 về nhà ở và thị trường bất động sản.
Giao dịch nhà đất tại Khánh Hòa đang có dấu hiệu phục hồi |
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, qua tham khảo các nguồn dữ liệu có liên quan, trong quý I/2023, trên địa bàn tỉnh phát sinh 3.878 giao dịch với tổng giá trị giao dịch khoảng gần 1.613 tỷ đồng.
Trong đó, có 2.935 giao dịch đất nền, 875 giao dịch nhà ở riêng lẻ và 68 giao dịch căn hộ chung cư.
Như vậy nếu so sánh với dữ liệu được công bố trước đó, số lượng giao dịch đất nền tại tỉnh Khánh Hòa trong quý 1/2023 đã bật tăng so với quý 4/2022 (từ 2.735 giao dịch trong quý 4/2022 lên 2.935 giao dịch trong quý 1/2023 - PV).
Cụ thể, tại Công văn số 4363/SXD-QLN ngày 29/12/2022 Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong quý 1/2022, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 2.122 giao dịch đất nền. Sang đến quý II lượng giao dịch đất nền là 7.742 giao dịch. Bước sang quý III và quý IV/2022, lượng giao dịch đất nền lần lượt giảm còn 5.541 và 2.735 giao dịch.
Về giao dịch nhà ở riêng lẻ, số lượng giao dịch tại tỉnh Khánh Hòa trong quý I/2023 cũng đã bật tăng so với quý IV/2022 (từ 175 giao dịch trong quý IV/2022 lên 875 giao dịch trong quý 1/2023).
Nhận định về những khó khăn của thị trường bất động sản trong quý I/2023, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng do việc siết chặt tín dụng mặc dù các cơ quan có liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Hưng Yên duyệt quy hoạch khu nhà ở liền kề, biệt thự gần 23ha
UBND tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Tiến Hưng trên địa bàn xã Dân Tiến và xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu.
Theo đồ án, ranh giới khu đất lập quy hoạch gồm: Phía Bắc, Đông và Tây giáp với đất canh tác; phía Nam giáp đường ĐT.384.
Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết gần 23 ha, diện tích lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Tiến Hưng khoảng 21 ha.
Trong đó, phần đất ở (đất ở liền kề, đất ở biệt thự song lập và biệt thự đơn lập) chiếm 8,6 ha (gần 41%); đất hỗn hợp (ở kết hợp thương mại dịch vụ) có chiều cao tối đa 7 tầng - chiếm 4 ha (1,9%); đất giao thông chiếm 8,8 ha (42%)... Quy mô dân số dự báo khoảng 3.500 người.
UBND thị xã Mỹ Hào của Hưng Yên cũng vừa công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, Khu hành chính và Khu dân cư mới phường Phùng Chí Kiên.
Đồ án quy hoạch nhằm từng bước cụ thể hóa quy hoạch chung thị xã đến năm 2040, định hướng đến năm 2050; tạo ra diện mạo đô thị thống nhất, phù hợp tổng thể; giải quyết vấn đề nhà ở, cây xanh và không gian cộng đồng, đáp ứng nhu cầu làm việc, học tập, sinh hoạt của Nhân dân, cán bộ, chuyên gia và công nhân của các khu, cụm công nghiệp tại khu vực.
Liên quan đến thị trường bất động sản Hưng Yên, ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh One Housing đánh giá, cùng với phía Đông Hà Nội, vùng Văn Giang của tỉnh này là khu vực tăng trưởng giá chung cư cao nhất trong 5 năm qua.
Còn Savills nhận định, sự phát triển công nghiệp đã gia tăng nhu cầu nhà ở từ các chuyên gia, công nhân và các nhà đầu tư tại Hưng Yên. Đối với phân khúc biệt thự liền kề, nguồn cung đến từ 23 dự án , chủ yếu tại huyện Văn Giang. Nhà liền kề chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43%.
Quý I/2023, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình cao hơn giá thứ cấp tới 48%
Theo báo cáo quý I về thị trường nhà ở tại Hà Nội của Savills, nguồn cung sơ cấp gồm 19.483 căn hộ giảm 4% theo quý và theo năm. Trong đó, nguồn cung mới gồm 2.040 căn hộ đến từ hai dự án mới và giai đoạn tiếp theo của hai dự án, giảm 30% theo quý và giảm 27% theo năm. Các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn, trong khi lạm phát và lãi suất cao ảnh hưởng tới tình hình hoạt động. Về giá bán sơ cấp trong quý I đạt trung bình 52 triệu đồng/m2, ổn định theo quý và tăng 22% theo năm.
Các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy chiếm 46% nguồn cung sơ cấp và 51% số căn bán được trong quý. Trong đó, 92% nguồn cung khu vực phía Tây là hạng B. Khu vực này, sẽ có 19.000 căn hộ từ 27 dự án tương đương 20% nguồn cung tương lai vị trí gần trung tâm mới và cơ sở vật chất hiện đại thúc đẩy nguồn cầu.
Trong khi nguồn cung mới hạn chế cùng giá bán sơ cấp tăng và số lượng căn hộ bàn giao giảm đã tạo điều kiện cho giá bán thứ cấp tăng. Cụ thể, từ năm 2018 - 2022, giá sơ cấp trung bình tăng 13%/năm, trong khi nguồn cung sơ cấp giảm 14%/năm. Savills cho biết, trong quý đầu năm, giá bán sơ cấp trung bình cao hơn giá thứ cấp tới 48%. Savills cho biết, trong năm 2023 sẽ có khoảng 9.400 căn hộ được bàn giao. Từ 2020 - 2024, số lượng căn hộ bàn giao giảm 36%/năm. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường thứ cấp.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, Gia Lâm và Đông Anh sẽ trở thành quận trong năm nay. Mặc dù giá nhà ở tại hai khu vực này đã tăng cao trong suốt thời gian qua, song đến khi trở thành quận giá sẽ tiếp tục tăng nhưng không đáng kể.
Cùng đó, Hà Nội sẽ phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô, bao gồm thành phố tại phía Bắc sông Hồng (Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn) và thành phố nằm ở phía Tây (Hòa Lạc - Xuân Mai). Tỷ lệ đô thị hóa tại Hà Nội dự kiến đạt 62% vào năm 2025 và tăng lên 75% vào năm 2030 từ mức 49% hiện nay. Quá trình đô thị hóa đồng nghĩa với nguồn cầu 426.700 căn từ nay đến năm 2025.
Tuy nhiên, Chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội đặt mục tiêu tổng diện tích nhà ở mới là 33,2 triệu m2 sàn từ nay đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người 29,5m2 /người. Các số liệu này cho thấy Hà Nội thiếu hụt về nguồn cung là 95.800 căn.
Bắc Giang: Xử phạt chủ đầu tư Khu công nghiệp Yên Lư 130 triệu đồng
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Bất động sản Capella là chủ đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (trụ sở tại: Tầng 6, tòa nhà Samsora Premier, số 105, đường Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội).
Bắc Giang xử phạt chủ đầu tư Khu công nghiệp Yên Lư 130 triệu đồng |
Theo Quyết định, bất động sản Capella tổ chức thi công xây dựng công trình không có Giấy phép xây dựng. Tại thời điểm kiểm tra, bất động sản Capella đang thi công xây dựng công trình thuộc dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nằm trong phạm vi ranh giới đất được UBND tỉnh Bắc Giang giao tại các Quyết định: số 1296/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 (đợt 1); số 263/QĐ-UBND ngày 21/3/2023 (đợt 2) mà không có giấy phép xây dựng được cấp.
Vi phạm của bất động sản Capella được quy định tại điểm c khoản 7 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Với hành vi vi phạm trên, UBND tỉnh Bắc Giang phạt bất động sản Capella 130 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công ty Cổ phần Bất động sản Capella dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bất động sản Capella phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng và có giấy phép xây dựng. Áp dụng quy định tại khoản 16 Điều 16 và khoản 1 Điều 81 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Hết thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định mà bất động sản Capella không xuất trình được giấy phép xây dựng thì sẽ bị buộc tự phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm, trường hợp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.
Mọi chi phí thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do Công ty Cổ phần Bất động sản Capella chi trả.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 13/4: Giao dịch nhà đất tại Khánh Hòa có dấu hiệu phục hồi