Tin bất động sản ngày 18/11: Đà Nẵng chuyển đổi hơn 43 ha rừng làm khu công nghiệp
Tin bất động sản ngày 17/11: Hà Nội lấy ý kiến đồ án quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc gần 8.000ha Tin bất động sản ngày 16/11: Đề xuất cho người nước ngoài mua BĐS nghỉ dưỡng |
Đà Nẵng chuyển đổi hơn 43 ha rừng làm khu công nghiệp
Mới đây, HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua Nghị quyết chuyển hơn 43 ha đất rừng sản xuất sang mục đích khác tại dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh do Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, tổng diện tích hơn 400 ha, trong đó hơn 43 ha đất rừng sản xuất cần chuyển đổi mục đích.
Việc đầu tư Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án này đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 218 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng, doanh thu hằng năm 26.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.384 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 47.700 lao động.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, Khu công nghiệp Hòa Ninh là dự án trọng điểm của Đà Nẵng. Trong quá trình triển khai chuyển đổi mục đích từ đất rừng sản xuất sang mục đích khác, UBND thành phố phải chịu trách nhiệm tính chính xác phân loại rừng.
“Đây là dự án rất quan trọng, cần thiết sớm có thủ tục hoàn chỉnh để đấu thầu, đầu tư xây dựng KCN Hòa Ninh. Tờ trình của UBND thành phố chuyển đổi hơn 43 héc ta diện tích rừng là thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Còn những nội dung khác phát sinh, trong Nghị quyết HĐND thành phố giao cho UBND thành phố cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu về diện tích và hiện trạng rừng đã trình” - ông Lương Nguyễn Minh Triết nói.
TP HCM không cấp phép xây dựng đối với “chung cư mini”
Mới đây, Sở Xây dựng TP HCM báo cáo UBND Thành phố về công tác quản lý đối với nhà trọ xây dựng cho công nhân, người lao động thuê trên địa bàn.
Theo đó, trên địa bàn TP HCM hiện có gần 2.200 “hộp ngủ” cho thuê, hầu hết không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, pháp luật hiện hành về nhà ở không có khái niệm “chung cư mini”. Từ trước đến nay, cơ quan này không phê duyệt, không chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc cấp phép xây dựng đối với loại hình chung cư mini.
Về các công trình nhà ở ngăn thành nhiều phòng, giường cho thuê, còn được gọi là “hộp ngủ”, Sở Xây dựng TP HCM cho biết, qua kiểm tra, trên địa bàn Thành phố hiện có 67 công trình, với tổng số 2.165 chỗ ngủ cho thuê. Có 9 công trình không kiểm tra được do chủ nhà đóng cửa.
Những địa phương chưa phát hiện có loại hình “hộp ngủ” cho thuê gồm Q.4, Q.6, Q.7, Q.11, Q.12, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ và TP Thủ Đức.
Theo Sở Xây dựng, những công trình nhà ở có loại hình “hộp ngủ” cho thuê này thường tập trung đông người trong một không gian hẹp, không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro về tính mạng con người khi xảy ra sự cố về cháy, thoát hiểm.
Phần lớn các công trình có “hộp ngủ” được chủ thuê lại từ một nhà ở riêng lẻ cao tầng rồi phân chia, ngăn thành các phòng, giường nhỏ. Đa số các công trình này đã hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng.
Trước đó, tháng 9/2023, UBND TP HCM giao Sở Xây dựng kiểm tra công tác quản lý hoạt động xây dựng, cải tạo nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), nhà ở tập thể, chung cư cũ. Đồng thời, kiểm tra sự phù hợp trong việc đăng ký kinh doanh hoạt động nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini, nhà ở tập thể theo quy định hiện hành.
Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng khoảng 19.600 nhà ở xã hội
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Xây dựng tập trung làm việc với các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội để yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện việc phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Tỉnh Quảng Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp đáp ứng cơ bản nhu cầu ở. Trong đó, các căn hộ có giá bán, cho thuê, cho thuê mua phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hộ nghèo khu vực nông thôn và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Quảng Nam đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, tập trung bố trí hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện các Đề án của Chính phủ để phát triển nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách, bao gồm đối tượng chính sách về nhà ở xã hội.
Huy động nguồn vốn xã hội hóa khác để phát triển NƠXH; triển khai Chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê NƠXH, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về NƠXH theo quy định của Chính phủ và gói hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua, thuê NƠXH, nhà ở công nhân tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Hải Phòng thu hồi loạt dự án chậm tiến độ
Mới đây, TP Hải Phòng đã ra quyết định thu hồi đối với 13 dự án với diện tích hơn 245ha, trong đó có 12 dự án đã hoàn thành việc thu hồi đất. Đồng thời rà soát xử lý đối với hàng trăm dự án khác do có dấu hiệu vi phạm về quản lý sử dụng đất.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Điển hình là Khu đất hơn 9000m2 nằm tại vị trí góc đường Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi được UBND TP Hải Phòng cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng thuê từ năm 2008 để triển khai dự án Trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp, thời hạn 50 năm.
Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng không đầu tư, hoàn thiện dự án để đưa vào sử dụng.
Trước đó, vào tháng 9/2018, dự án trên cũng đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng ra quyết định chấm dứt hoạt động.
Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng đã gia hạn sử dụng đất đối với 6 dự án khác với diện tích 10,89ha, trong đó có 1 dự án đang trong thời hạn gia hạn sử dụng đất 24 tháng. Có 5 dự án đã hết thời hạn gia hạn sử dụng đất thì 4 dự án đã cơ bản hoàn thành xây dựng công trình, còn 1 dự án của Công ty cổ phần xây dựng thương mại Hoà Bình tại xã Đông Sơn (huyện Thuỷ Nguyên) tiếp tục chậm tiến độ hiện đang lập hồ sơ thu hồi đất.
UBND TP Hải Phòng dự kiến đề nghị HĐND thành phố đưa ra khỏi danh sách các dự án phải thu hồi theo Nghị quyết 06 đối với 17 dự án diện tích hơn 12ha, trong đó, 10 dự án sau khi kiểm tra, xử phạt, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục vi phạm, 3 dự án được phép thực hiện vì phù hợp với quy hoạch đô thị hiện nay, 4 dự án nằm trong phạm vi thu hồi đất thực hiện các dự án tái định cư kết hợp bãi đỗ xe, cải tạo chung cư cũ.
Đối với 3 dự án còn lại, 2 dự án tiếp tục nợ tiền thuê đất, 1 dự án nợ tiền phạm chậm nộp cần tiếp tục xử lý vi phạm về thuế với diện tích.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 18/11: Đà Nẵng chuyển đổi hơn 43 ha rừng làm khu công nghiệp