Tin bất động sản ngày 20/4: Yêu cầu kiểm tra các dự án lớn tại Đồng Nai
Tin bất động sản ngày 19/4: TP HCM tăng phí làm hồ sơ nhà, đất từ 1/6 Tin bất động sản ngày 18/4: Địa ốc Hoàng Quân muốn tăng vốn 600 tỉ đồng cho dự án tại Tây Ninh |
Yêu cầu kiểm tra các dự án bất động sản lớn tại Đồng Nai
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Ảnh minh họa |
Trong thông báo nêu trên, Phó thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra các dự án tại tỉnh Đồng Nai trước 20/4.
Đây là địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án như: Dự án Aqua City, Khu đô thị sinh thái Đại Phước, Khu đô thị du lịch Long Tân….
Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp các vướng mắc qua báo cáo của các địa phương, kiểm tra tại các dự án, từ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp gửi trực tiếp về Tổ công tác.
Trước đó, cuối năm 2022, Chính phủ đã có yêu cầu thanh tra, kiểm tra các dự án bất động sản ở Đồng Nai. Đoàn thanh tra của Bộ TN&MT sẽ thực hiện thanh tra đối với 10 doanh nghiệp có dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, dự án của Công ty Cổ phần Long Thành Riverside có dự án tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành), Công ty TNHH thương mại dịch vụ Quang Vinh có dự án tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), Công ty Cổ phần đầu tư LDG có dự án tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) và Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An có dự án tại xã Long Đức (huyện Long Thành).
Tại TP Biên Hòa có sáu dự án bất động sản gồm: Công ty TNHH đầu tư kinh doanh bất động sản Long Hưng Phát có dự án tại xã Long Hưng, Công ty Cổ phần Southern Golden Land có dự án tại xã Long Hưng, Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Phước Thái, Công ty TNHH đầu tư địa ốc Thành Nhơn, Công ty TNHH bất động sản Gia Đức và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Đại Phát có dự án tại phường Tam Phước.
Năm 2023, Hà Nội dự kiến hoàn thành 21.100 căn nhà ở
Năm 2023, TP Hà Nội dự kiến hoàn thành 21.100 căn nhà ở, tổng diện tích hơn 4,1 triệu m2; hoàn thành 400 căn nhà ở xã hội với 28.000 m2.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, căn cứ vào các chương trình, kế hoạch, Sở đã đề ra chỉ tiêu phát triển nhà ở năm 2023, gồm: tổng số nhà ở hoàn thành theo dự án trong năm là 21.100 căn; tổng diện tích nhà ở hoàn thành theo dự án trong năm là 4.110.000 m2; tổng số nhà ở và tổng diện tích nhà ở xã hội hoàn thành là 400 căn, 28.000 m2; diện tích nhà ở đạt 28 m2 sàn/người.
Theo đơn vị này, giai đoạn 2010 - 2020, toàn thành phố hoàn thành xấp xỉ 50 triệu m2 sàn nhà ở. Giai đoạn 2021 - 2030, dự báo nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn Thủ đô là 89 triệu m2 sàn. Trong đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 44 triệu m2; giai đoạn 2021 - 2030 là 45 triệu m2. Với mục tiêu đề ra, dự báo nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn này cần khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.
Đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ phát triển mới 22,5 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ, khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 0,565 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, 19,69 triệu m2 sàn nhà ở thương mại. Diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5 m2/người.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; tập trung đa dạng loại hình nhà ở, chú trọng nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau.
Đồng thời, khu vực nội đô lịch sử sẽ hạn chế tối đa phát triển nhà chung cư để hạn chế tối đa việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng. Các khu vực còn lại hạn chế phát triển nhà ở liền kề, thấp tầng, tăng tối đa nhà chung cư nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất; khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Theo Sở Xây dựng, năm 2022, trên địa bàn Thủ đô có thêm 1.340.000 m2 sàn nhà ở, đạt 109% kế hoạch, trong đó gồm: 985.000 m2 sàn nhà ở thương mại (16 dự án) và 257.000 m2 sàn nhà ở xã hội (3 dự án).
Hậu Giang ra "tối hậu thư" cho dự án khu đô thị Cát Tường Western Pearl
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng kể từ ngày UBND tỉnh ban hành Quyết định cho gia hạn sử dụng đất đối với phần đất thương mại dịch vụ thuộc dự án Khu đô thị Cát Tường Western Pearl, diện tích 9.785 m2 thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 42 tại phường V, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
"Khi hết thời hạn được gia hạn mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường không đưa đất vào sử dụng, triển khai thực hiện dự án không đảm bảo tiến độ và xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì địa phương sẽ ra Quyết định thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013", quyết định của UBND tỉnh Hậu Giang nêu rõ.
UBND tỉnh Hậu Giang cũng giao Sở TM&MT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế phối hợp với các ngành có liên quan xác định nghĩa vụ tài chính và thông báo Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường thực hiện theo đúng quy định; theo dõi quá trình sử dụng đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường. Trường hợp quá 24 tháng gia hạn mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường không đưa đất vào sử dụng thì tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, để địa phương ban hành quyết định thu hồi đất theo đúng quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường là chủ đầu tư 2 khu đô thị tại TP. Vị Thanh. Trong đó là khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1 với quy mô gần 17,80 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 910 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 3/2019 - 6/2022;
Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 2 có quy mô 59,5 ha, tổng mức đầu tư dự kiến trên 844 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 1/2019 - 12/2022.
Đà Nẵng yêu cầu rà soát gỡ vướng pháp lý các dự án bất động sản
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Trung tâm Phát triển Quỹ đất triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Hòa Vang và các cơ quan đơn vị liên quan nghiên cứu và triển khai thực hiện các nội dung liên quan về việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đường bộ cao tốc.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có trách nhiệm triển khai thực hiện ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án trên địa bàn thành phố và các dự án đường bộ cao tốc đi qua thành phố (nếu có).
Liên quan đến việc xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Chính quyền TP Đà Nẵng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, không đùn đẩy để giải quyết, tháo gỡ; tham mưu UBND thành phố có báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ hàng quý, bắt đầu từ quý II/2023.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định giá định giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 20/4: Yêu cầu kiểm tra các dự án lớn tại Đồng Nai