Tin bất động sản ngày 21/3: Hải Dương kiến nghị thu hồi hơn 200 ha đất
Tin bất động sản ngày 19/3: 40 doanh nghiệp khảo sát các khu công nghiệp tại Bình Phước Tin bất động sản ngày 18/3: CapitaLand chi 1,5 tỷ USD mua lại bất động sản từ Vinhomes? |
Hải Dương kiến nghị thu hồi hơn 200 ha đất
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra chiều 20/3, UBND tỉnh có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án, công trình phát sinh năm 2023 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đề nghị thu hồi 201,34 ha đất để thực hiện 57 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Một số dự án có diện tích đất thu hồi lớn như: Khu dân cư mới Đồng Sau Quán xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (98.500 m2); khu đô thị Quang Thành, thị xã Kinh Môn (99.700 m2); khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ (151.500 m2); đầu tư nhà máy sản xuất cấu kiện thép và gia công cơ khí ở cụm công nghiệp Nhân Quyền, huyện Bình Giang (12.603 m2)...
Tại tờ trình này, UBND tỉnh cũng đề nghị HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng 122,29 ha đất trồng lúa và 2,07 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 101 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Một số dự án có diện tích được đề nghị chuyển mục đích sử dụng lớn là: Khu dân cư mới phía Tây Bắc phường An Lưu, thị xã Kinh Môn (80.000 m2); khu dân cư mới thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn (37.000 m2); đường gom dọc quốc lộ 5 phải tuyến từ ngã tư Ghẽ đi ngã tư Lai Cách (km40+240-km43+870), các đoạn còn lại và từ khu đô thị thương mại Lai Cách đến hết Công ty CP Giầy Cẩm Bình bên trái tuyến (5.500 m2)...
Sau khi xem xét tính cần thiết, sự phù hợp quy hoạch và bảo đảm tính khả thi, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhất trí chấp thuận thu hồi đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án, công trình phát sinh trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Do trong danh mục dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa có nhiều dự án đầu tư mở rộng trụ sở công an cấp xã và một số công trình phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, Ban đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương cân đối bố trí vốn đầu tư công để triển khai thực hiện các công trình ngay trong năm 2023; hạn chế thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp.
Hơn 40 dự án đổ về Bắc bán đảo Cam Ranh, vốn đăng ký gần 30.000 tỷ đồng
Mới đây, lãnh đạo Khánh Hòa cho biết, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã thu hút được 40 dự án với tổng số vốn đã đăng ký 29.341 tỷ đồng. Hiện đã có 16 khách sạn quy mô lớn, cao cấp đưa vào hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí với 9.525 phòng.
Chia sẻ trên báo Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cho biết, trong những năm qua tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các khu vực trọng điểm phát triển du lịch.
Cụ thể, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã thu hút được 40 dự án với tổng số vốn đã đăng ký 29.341 tỷ đồng. Hiện đã có 16 khách sạn quy mô lớn, cao cấp đưa vào hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí với 9.525 phòng.
Một số dự án đã đi vào hoạt động có thể kể đến như Vinpearl Long Beach Villas (tên mới là Melia Vinpearl Cam Ranh Beach Resort); Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Duyên Hà; Fusion Resort Cam Ranh; Movenpick Resort Cam Ranh và Radisson Blu Resort; Alma Resort Cam Ranh; Khu đô thị Golden Bay; The Arena...
Theo hồ sơ quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Cam Ranh được định hướng trở thành đô thị du lịch - logistics. Trong thời gian tới, khu vực này sẽ còn có thêm những dự án lớn được đầu tư.
Bên cạnh đó, khu vực thành phố Nha Trang thu hút đầu tư đưa vào khai thác 64 khách sạn nghỉ dưỡng 4-5 sao, với 16.865 phòng và nhiều khu vui chơi giải trí cao cấp, quy mô lớn như Vinwonder Nha Trang, Hòn Tằm, các khu tắm bùn khoáng…
Tại khu vực Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh đang triển khai đầu tư hạ tầng để thu hút phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, sân golf cao cấp, các loại hình du lịch biệt lập ven biển kết hợp các hoạt động tham quan, du lịch trải nghiệm, khu du lịch cao cấp gắn với cảng du lịch đẳng cấp quốc tế, các khu đô thị phục vụ du lịch, dịch vụ.
Duyệt Quy hoạch vùng huyện Bắc Tân Uyên với 40.000ha
Cụ thể, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Bắc Tân Uyên, với diện tích là 40.030,8 ha bao gồm 10 đơn vị hành chính là: Thị trấn Tân Thành; các xã Tân Bình, Tân Lập, Đất Cuốc, Tân Định, Hiếu Liêm, Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ, Bình Mỹ.
Mục tiêu của Quy hoạch là cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch Bắc Tân Uyên theo các tiêu chí của huyện nông thôn mới nhằm xác định thực trạng và mục tiêu phấn đấu từng bước hoàn thiện các tiêu chí theo quy định.
Tính chất đến năm 2030 là nông nghiệp - công nghiệp, đến năm 2040 là nông nghiệp - công nghiệp - đô thị.
Vùng huyện Bắc Tân Uyên là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của tỉnh, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ đóng vai trò chủ lực; Vùng sản xuất công nghiệp mới của khu vực phía Bắc tỉnh với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu vực sản xuất dọc theo các tuyến đường cấp vùng; Vùng bảo đảm an ninh quốc phòng cho khu vực phía Đông tỉnh Bình Dương.
Định hướng hệ thống công trình hạ tầng xã hội gồm: Trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, thể dục thể thao cấp huyện, cấp xã; khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và bảo tồn các di tích văn hóa - lịch sử có giá trị. Nghiên cứu mô hình đối với các trục động lực phát triển vùng dọc các tuyến đường: vành đai 4, vành đai 5, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng...
Đối với vùng trung tâm huyện là đô thị Tân Thành và Tân Bình: Làm rõ quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí cho các giải pháp định hướng phát triển không gian vùng đô thị trung tâm, làm tiền đề cho các nghiên cứu quy hoạch sau này.
Thời gian lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên không quá 12 tháng kể từ ngày phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 3907/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070.
Công an Đồng Nai điều tra dự án khu dân cư Long Phước
Vừa qua, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị này đã vào cuộc điều tra, xác minh dấu hiệu sai phạm tại dự án khu dân cư Long Phước, huyện Long Thành do Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng An Hưng Phát làm chủ đầu tư.
Công an Đồng Nai điều tra dự án khu dân cư Long Phước/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, để phục vụ công tác điều tra, xác minh theo quy định pháp luật, PC03 Đồng Nai yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan cung cấp bằng văn bản thủ tục pháp lý đất đai, xây dựng của dự án khu dân cư Long Phước. Trong đó trọng tâm là việc điều tra, xác minh trình tự thủ tục giao đất sử dụng cho Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng An Hưng Phát có đúng với quy định pháp luật hay không.
Đây là dự án có quy mô hơn 46ha, được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, đầu tư xây dựng mới khu dân cư theo tiêu chuẩn đô thị loại IV với các loại hình nhà ở.
Dự án khu dân cư Long Phước được xem là một trong những dự án nằm ở vị trí đắc địa ở huyện Long Thành, khi nằm gần khu vực đường, kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với Quốc lộ 51, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Được biết, tại Đồng Nai, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng An Hưng Phát còn là chủ đầu tư của dự án Khu dân cư và tái định cư phường Phước Tân, TP Biên Hòa với quy mô 48ha, đang gây bức xúc với nhiều hộ bị thu hồi đất để thực hiện dự án này.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng An Hưng Phát hiện là chủ đầu tư của dự án khu dân cư và tái định cư phường Phước Tân, TP Biên Hòa.
Dự án này có quy mô 48 ha và trong quá trình thực hiện dự án, nhiều người dân đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và Trung ương tố cáo chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân liên quan, vì cho rằng đã gây thất thoát số lượng tiền rất lớn cho Nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.
Cụ thể việc thu hồi đất được thực hiện với 181 hộ dân và 1 tổ chức. Trong số 130 hộ thường trú tại địa phương có 51 hộ sống từ trước năm 1975, sau đó tách hộ cho con cái và 79 hộ mua đất sinh sống ổn định tại đây sau năm 1975. Tuy vậy, trong khi những người dân thuộc diện tái định cư hoặc được mua chung cư là nhà ở xã hội ngay tại dự án này còn chưa được hưởng lợi, thì chủ đầu tư đã hoàn thành được khoảng 700 nền đất và đã bán phần lớn số lượng đất nền kinh doanh. Số nền đất được sử dụng vào mục đích tái định cư khá ít.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 21/3: Hải Dương kiến nghị thu hồi hơn 200 ha đất