Tin bất động sản ngày 22/6: Bắc Ninh thu hồi lô đất xây nhà ở của Dabaco
Tin bất động sản ngày 21/6: TP HCM kêu gọi đầu tư nhiều dự án tái định cư quy mô lớn Tin bất động sản ngày 20/6: Đồng Tháp lập kế hoạch thực hiện dự án Flower World Sa Đéc |
Bắc Ninh thu hồi lô đất xây nhà ở của Dabaco
Khu đất giao cho Dabaco từ năm 2019 để làm dự án nhà ở vừa bị UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định thu hồi.
Bắc Ninh thu hồi lô đất xây nhà ở của Dabaco |
Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh thu hồi 1.424m2 đất đã giao cho Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam và giao khu đất thu hồi này cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống thuê để xây dựng Trụ sở cụm thủy nông Hồ tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành theo báo cáo kinh tế kỹ thuật được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt.
Liên quan đến khu đất này, trước đó, ngày 22.11.2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định về việc giao đất cho Tập đoàn Dabaco (giai đoạn 2) và phê duyệt mục đích sử dụng đất dự án khu nhà ở phía Tây thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành.
Đến ngày 30.7.2020, UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định phê duyệt bổ sung danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phía Tây thị trấn Hồ (giai đoạn 2).
Được biết, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng từng thu hồi hơn 9,8ha đất đã giao cho Tập đoàn Dabaco thuê ngày 22.11.2018 và giao khu đất thu hồi này cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cụm Công nghiệp Khúc Xuyên thuê để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp và Dịch vụ làng nghề Khúc Xuyên tại phường Vạn An và phường Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh, theo quyết định ban hành vào tháng 2.2019.
Thái Nguyên điều chỉnh kế hoạch nhà ở 2022, tăng hàng chục ha đất NƠXH và tái định cư
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vị trí/khu vực, số lượng và diện tích sử dụng đất trong Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 của tỉnh .
Theo quyết định này, số lượng các dự án sẽ tăng, đồng thời diện tích đất cho các dự án nhà ở xã hội, dự án khu nhà ở tái định cư cũng tăng thêm hàng chục ha.
Trước đó, ngày 31/12/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 4288/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên với các mục đích: Cụ thể hóa các mục tiêu phát triển nhà ở của tỉnh theo Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030 và tầm đến năm 2040 đã được phê duyệt; Trên cơ sở Kế hoạch phát triển nhà ở kỳ 05 năm 2021-2025 và năm đầu kỳ (năm 2021) của tỉnh Thái Nguyên đã được phê duyệt tại Quyết định 2222/QĐ-UBND ngày 30/6/2021, xác định cụ thể tỷ lệ các loại nhà ở đầu tư phát triển trong năm 2022.
Tại Quyết định 4288/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt: Vị trí/ khu vực, số lượng dự án Khu nhà ở, khu đô thị dự kiến thực hiện năm 2022 là 279 dự án, với tổng diện tích đất là 7.203,09ha; Vị trí/ khu vực, số lượng dự án nhà ở xã hội dự kiến thực hiện năm 2022 là 16 dự án, với tổng diện tích đất là 114,98ha; vị trí/ khu vực, số lượng dự án khu nhà ở tái định cư dự kiến thực hiện năm 2022 là 19 dự án, với tổng diện tích đất là 201,87ha.
Nay điều chỉnh như sau: Vị trí/ khu vực, số lượng dự án Khu nhà ở, khu đô thị dự kiến thực hiện năm 2022 là 290 dự án, với tổng diện tích đất là 6.680,16ha; vị trí/ khu vực, số lượng dự án nhà ở xã hội dự kiến thực hiện năm 2022 là 17 dự án, với tổng diện tích đất là 115,551ha; vị trí/ khu vực, số lượng dự án Khu nhà ở tái định cư dự kiến thực hiện năm 2022 là 24 dự án, với tổng diện tích đất là 250,134ha.
Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 2222 ngày 30/6/2021 và Quyết định số 4288 ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Cũng tại Quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, số liệu trong hồ sơ trình phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh năm 2022 đảm bảo đúng quy định.
Dự báo nguồn cung bất động sản vẫn khan hiếm nửa cuối năm 2022
Trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm, giao dịch tăng dần, giá cả các sản phẩm cũng tăng theo.
Đơn cử, tại dự án căn hộ Akari City (Võ Văn kiệt, Bình Tân) của Tập đoàn Nam Long đã tăng giá bán ở cả nguồn hàng sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, trong tháng 12/2021, khi giai đoạn I hoàn thiện, chủ đầu tư đã bàn giao 1.800 căn và lập tức thiết lập mặt bằng giá mới, từ 35-38 triệu đồng/m2, lên 40-43 triệu đồng/m2. Trong giai đoạn mở bán đợt 2 của dự án, mức giá dự kiến tiếp tục tăng khi mặt bằng giá chung của khu Tây TP.HCM đã chạm mức 45-50 triệu đồng/m2, riêng khu vực Bình Tân, Bình Chánh vào khoảng 55-58 triệu đồng/m2.
Một số dự án lân cận như Picity High Park (quận 12), do Tập đoàn Pi Group làm chủ đầu tư, giá mở bán đầu năm 2020 ở mức 38-40 triệu đồng/m2, hiện tại, chủ đầu tư chuẩn bị chào bán block 1 và 2 với giá dự kiến 46-57 triệu đồng/m2, tức tăng thêm 8-17 triệu đồng/m2.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, giá đất 2 năm qua ở nhiều nơi tăng gấp đôi, gấp ba, chi phí đầu vào cũng rất cao. Bên cạnh đó, tiền thuế sử dụng đất rất khó đóng, vì chưa tính, nên doanh nghiệp phải bán giá cao để “trừ hao” trong trường hợp phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung. Bên cạnh đó, việc siết dòng tiền vào bất động sản khiến các doanh nghiệp càng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản có những biến động mạnh, trạng thái thăng trầm liên tục thay đổi trên cả nước. Tình trạng chung của thị trường hiện nay là nguồn cung sản phẩm khan hiếm, nhất là phân khúc nhà ở bình dân.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ không có gì thay đổi, nguồn cung thiếu, giá bán duy trì mức cao, tính thanh khoản chậm.
Tuy nhiên, theo ông Khương, việc nguồn cung hạn chế sẽ tạo điều kiện cho các đô thị xung quanh Hà Nội và TP HCM phát triển. Bởi đây là những khu vực có quỹ đất còn nhiều, giá mềm dẻo hơn, từ đó cải thiện tính thanh khoản
Đề xuất khu đô thị biển và sân golf 18 lỗ tại Quảng Trị
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa có văn bản 2716/UBND-KGVX giao Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh làm đầu mối, phối hợp với các sở ban ngành, địa phương hướng dẫn CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long và CTCP Dịch vụ Du lịch và Thương mại Cửa Tùng (công ty thành viên liên kết của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long) thực hiện các thủ tục liên quan; và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định đối với đề nghị chấp thuận địa điểm nghiên cứu, khảo sát, lập dự án tổ hợp khu đô thị biển và sân golf của 2 doanh nghiệp này.
Đề xuất khu đô thị biển và sân golf 18 lỗ tại Quảng Trị |
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Trị cho phép nhà đầu tư được khảo sát, nghiên cứu dự án trong vòng 3 tháng, kể từ ngày 15/6/2022. Quá thời hạn nghiên cứu, nếu doanh nghiệp không trình được dự án thì văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh hết hiệu lực.
Trước đó, trong tháng 5 vừa qua, CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long và CTCP Dịch vụ Du lịch và Thương mại Cửa Tùng đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị chấp thuận địa điểm cho nghiên cứu, khảo sát, lập dự án tổ hợp khu đô thị biển và sân golf 18 hố tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh.
Theo đề xuất, dự án có diện tích khoảng 145ha, trong đó, phía Đông và Đông Bắc giáp khu đất cây xanh phòng hộ ven biển; phía Bắc giáp với tuyến đường giao thông của thôn Thuỷ Bạn; phía Tây và Tây Nam giáp khu đất nông lâm nghiệp xã Trung Giang; và phía Nam giáp khu dân cư thôn 10, xã Trung Giang.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng sân golf 18 hố; khu đô thị biển gồm nhà ở liền kề, biệt thự; hệ thống các công trình thương mại dịch vụ, công trình công cộng, giáo dục, công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội bộ.
Nhà đầu tư cam kết thực hiện đầy đủ các thủ tục dự án theo quy định và thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư nếu được chấp thuận địa điểm đầu tư.
Được biết, khu đất mà 2 doanh nghiệp đề xuất thuộc khu vực dự án Khu du lịch - dịch vụ Resort Cửa Tùng trước đây (dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 và đã bị thu hồi vào năm 2018).
Nguồn: Tin bất động sản ngày 22/6: Bắc Ninh thu hồi lô đất xây nhà ở của Dabaco