Tin bất động sản ngày 23/10: Đồng Nai sắp có thêm khu công nghiệp rộng hơn 200 ha
Tin bất động sản tuần qua: Bình Định sắp đấu giá 2 khu đất làm dự án du lịch hơn 3.000 tỷ đồng Tin bất động sản ngày 21/10: Hơn 50 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng |
Đồng Nai sắp có thêm khu công nghiệp rộng hơn 200 ha
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi tiếp, làm việc với CTCP Tập đoàn Tân Mai. Cùng dự có Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng và đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Ảnh minh họa |
Tại buổi làm việc, Tập đoàn Tân Mai đã báo cáo một số nét tổng quan về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty trên địa bàn Đồng Nai và các địa phương khác.
Tập đoàn Tân Mai cho biết, công ty là đơn vị chuyên trồng rừng, chế biến, sản xuất giấy, gỗ với diện tích quản lý, khai thác, sản xuất ở Đồng Nai rất lớn. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng là một trong những ngành quan trọng của Đồng Nai nên các doanh nghiệp đơn lẻ mong muốn vào khu công nghiệp tập trung.
Do đó, Tập đoàn Tân Mai đề xuất cho phép công ty nghiên cứu, thành lập một khu công nghiệp quy mô hơn 200 ha, cho ngành sản xuất gỗ tại huyện Vĩnh Cửu.
Trước đề xuất trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định gỗ là ngành có giá trị sản xuất, xuất khẩu lớn. Hiện tỉnh Đồng Nai đang từng bước di dời cơ sở sản xuất trong đó có ngành gỗ ra khỏi khu dân cư, vào khu sản xuất tập trung nên việc xây dựng một khu vực sản xuất bài bản là rất cần thiết.
Tuy nhiên, đi vào những đề xuất cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai, các đơn vị liên quan cùng doanh nghiệp làm việc cụ thể để có cơ sở quyết định. Trong đó, cần đặc biệt xem xét kỹ lưỡng về tính pháp lý về quy hoạch, về đất đai, năng lực của nhà đầu tư, chiến lược phát triển của địa phương cũng như những vấn đề khác liên quan.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Tân Mai tiền thân là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam, thành lập năm 1958, thuộc sở hữu nhà nước, cổ phần hoá năm 2006. Tháng 12/2008, tập đoàn được thành lập trên cơ sở hợp nhất CTCP Giấy Tân Mai và CTCP Giấy Đồng Nai, với vốn điều lệ hơn 890 tỷ đồng.
Hiện tập đoàn này đang sở hữu nhiều đất đai làm nhà máy, khu trồng cây nguyên liệu tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Bình Định quy định khu vực được đầu tư nhà ở theo hình thức phân lô, bán nền
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương ban hành Quy định các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh theo như đề xuất của Sở Xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng lưu ý tỷ lệ tổng diện tích đất phải xây dựng nhà ở để kinh doanh trên tổng diện tích đất ở (trừ diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội nếu có) của mỗi dự án.
Theo đó, tại khu vực các phường thuộc thành phố Quy Nhơn, tỷ lệ tổng diện tích đất phải xây dựng nhà ở để kinh doanh trên tổng diện tích đất ở (trừ diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội nếu có) của mỗi dự án tối thiểu 50%. Tại khu vực các phường thuộc thị xã và thị trấn các huyện có tỷ lệ tối thiểu là 30% và tại các địa bàn còn lại thì tỷ lệ tối thiểu là 20%.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, chỉ được chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp khi xây dựng xong nhà ở để kinh doanh đạt tỷ lệ nêu trên. Bên cạnh đó, chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thứ cấp khi nhà đầu tư thứ cấp xây xong nhà ở theo đúng quy hoạch.
Đối với các dự án trước đây nhà đầu tư đăng ký đầu tư khu đô thị và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (không cho phép phân lô, bán nền), nay nhà đầu tư xin chuyển một phần sang cho nhà đầu tư thứ cấp tự xây dựng nhà ở thì phải rà soát lại tiền sử dụng đất đảm bảo theo quy định trước khi đề xuất quyết định khu vực cho phép phân lô, bán nền. Đồng thời đảm bảo tỷ lệ diện tích xây dựng nhà ở để kinh doanh không thấp hơn tỷ lệ quy định tối thiểu nêu trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn chỉnh Quy định, trình thẩm định, ban hành để tổ chức thực hiện theo quy định.
Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm rà soát, thực hiện các nội dung nêu trên theo quy định, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
Doanh nghiệp nào muốn làm dự án nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo 5.700 tỷ tại Quảng Trị?
Mới đây, Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị có chủ trương đầu tư dự án "Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo". UBND tỉnh Quảng Trị đã giao các đơn vị chuyên môn cùng huyện Vĩnh Linh nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh trước ngày 31/10/2023.
Trước đó, vào cuối tháng 8, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo của Công ty cổ phần Pacific Quảng Trị.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư.
Dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo được UBND tỉnh Quảng Trị cấp Quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 622/QĐ-UBND ngày 25/3/2019; Quyết định điều chỉnh chủ trương số 611/QĐ-UBND ngày 06/3/2020.
Theo đó, dự án có diện tích dự kiến sử dụng 198,89 ha, với tổng vốn đầu tư 5.750 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm tháng 3/2023, dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đã 48 tháng nhưng nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan để đưa dự án đi vào thi công...
Về Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP được thành lập vào tháng 6/2005 có trụ sở tại số 306 đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Trịnh Xuân Nghiệm. Tính đến thời điểm 9/2023, Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP có vốn điều lệ là 3.300 tỷ đồng.
Phú Thọ: Xây dựng cụm công nghiệp 69ha tại huyện Thanh Ba
Cụm công nghiệp (CCN) Quảng Yên có diện tích hơn 69,4 ha, thuộc các xã Quảng Yên và Đại An, huyện Thanh Ba, Phú Thọ với tổng mức đầu tư 510 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Theo quy hoạch, trong CCN, đất công nghiệp tại dự án sẽ được chia thành 26 lô với mật độ xây dựng 70%, chiều cao trung bình 4 tầng, hệ số sử dụng đất 2,8 lần, tổng diện tích sàn hơn 1,3 triệu m2. Các lô đất xây dựng được bố trí 1,5 - 2,75ha, có thể gộp nhiều lô thành khu lớn, phù hợp với nhu cầu thuê đất mới của nhà đầu tư.
Dự kiến chủ đầu tư sẽ khởi công xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trước ngày 31/3/2024; hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30/8/2024; hoàn thiện đầu tư hạ tầng trước 31/12/2025 và thu hút đầu tư thứ cấp lấp đầy 100% trước ngày 31/12/2027.
Cụm công nghiệp Quảng Yên huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ được UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định thành lập ngày 29/12/2022 tại Quyết định số 3515/QĐ-UBND. Quy mô diện tích: 69,42 ha. Ngành nghề hoạt động: Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh vào cụm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, cụ thể một số ngành như sau: Chế biến lâm sản; Chế biến nông sản, thực phẩm; Sản xuất hàng tiêu dùng; Sản xuất vật liệu xây dựng; Cơ khí, lắp ráp; Sản xuất linh kiện điện tử.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 23/10: Đồng Nai sắp có thêm khu công nghiệp rộng hơn 200 ha