Tin bất động sản ngày 2/4: Khu công nghiệp hơn 6.300 tỷ đồng tại Hà Nội sẽ khởi công vào năm 2025
Tin bất động sản ngày 1/4: Một dự án nhà ở xã hội dở dang hơn chục năm giữa TP Thanh Hóa Tin bất động sản tuần qua: Lâm Đồng bác đề xuất dự án khu dân cư của Công ty Eco Grand Land |
Khu công nghiệp hơn 6.300 tỷ đồng tại Hà Nội sẽ được khởi công vào năm 2025
Chiều 1/4, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị công bố quyết định chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh.
Ảnh minh họa |
Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45ha gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai trên diện tích 179,1ha và giai đoạn 2 có quy mô 120,35ha.
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là chủ đầu tư dự án.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 1.268 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
Vinaconex cam kết tập trung nguồn lực, bảo đảm dự án Khu công nghiệp Đông Anh về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Thành phố giao Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội rà soát hiện trạng các khu công nghiệp đang hoạt động; đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình, đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cũng như người lao động, để tạo sự phát triển bền vững, gắn bó doanh nghiệp với khu công nghiệp…
Các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi, trực tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án. Huyện Đông Anh rà soát các vấn đề hạ tầng đấu nối ngoài hàng rào, đẩy nhanh tiến trình giải phóng mặt bằng, kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường, tuyên truyền đến mỗi người dân chung tay, hưởng ứng với chủ trương của thành phố.
Chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực, cùng huyện và các ban, ngành thành phố, chậm nhất trong quý I/2025 khởi công dự án quan trọng này.
Đông Bắc Land muốn đầu tư dự án gần 900 tỷ tại Hải Dương
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư giáp sông Thủy Nông và Quốc lộ 18 (Khu đô thị Văn An, TP Chí Linh).
Theo đó, Công ty CP Đầu tư Đông Bắc Land là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ.
Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư giáp sông Thủy Nông và Quốc lộ 18 (Khu đô thị Văn An, TP Chí Linh) được chấp thuận chủ trương đầu tư vào đầu tháng 2.2024. Dự án có diện tích sử dụng đất là 36ha, trong đó có hơn 10,1 ha đất nhà ở, hơn 16,6 ha đất giao thông, hơn 4,9 ha đất công trình hạ tầng xã hội, còn lại là diện tích đất cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật...
Nhà đầu tư sẽ thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng 70 công trình nhà ở (xây thô và hoàn thiện mặt ngoài); trường mầm non, công trình thương mại, dịch vụ...
Tổng mức đầu tư hơn 895 tỷ đồng, trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 686 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 209 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện tại phường Văn An, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Mục tiêu đầu tư là xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu đô thị theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND TP Chí Linh phê duyệt nhằm hình thành khu đô thị mới đáp ứng nhu cầu nhà ở, khớp nối đồng bộ với khu vực lân cận, tạo nguồn thu cho ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quy mô đầu tư Dự án gồm: các công trình hạ tầng kỹ thuật (san nền, hệ thống đường giao thông và bãi đỗ xe, hệ thống thoát nước mưa...); xây dựng 70 công trình nhà ở (xây thô và hoàn thiện mặt ngoài); xây dựng công trình giáo dục (trường mầm non)...
Về nhà đầu tư, Công ty CP Đầu tư Đông Bắc Land được thành lập năm 2022, địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Hải Dương với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Bình Thuận quy hoạch 3 khu du lịch ven biển hơn 5.000ha
Mới đây,HĐND tỉnh Bình Thuận đã thông qua các Nghị quyết nhiệm vụ quy hoạch xây dựng thêm 3 khu du lịch ven biển, có tổng diện tích hơn 5.000 ha, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cụ thể, khu du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh (huyện Tuy Phong) có quy mô hơn 1.000 ha; khu Tân Thuận - Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) hơn 1.600 ha và khu Tân Thắng - Thắng Hải (huyện Hàm Tân) hơn 2.400 ha.
Cả 3 khu được quy hoạch theo hướng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, dân cư với trọng tâm là du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong đó, khu quy hoạch du lịch Cổ Thạch - Bình Thạnh, huyện Tuy Phong có bờ biển dài khoảng 17 km, bãi biển sạch và hoang sơ.
Với vị trí địa lý nằm trong xã Bình Thạnh, giữa thị trấn Liên Hương và xã Chí Công là vùng động lực phát triển kinh tế biển của huyện Tuy Phong, là trung tâm tuyến du lịch ven biển Phan Thiết - Nha Trang.
Khu vực biển Tân Thuận - Tân Thành (Hàm Thuận Nam) có bờ biển khá dài với hình thù kỳ lạ xen kẽ những bãi cát trắng mịn. Vị thế nơi đây cũng có rất nhiều lợi thế khi hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được triển khai như: Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết qua Hàm Thuận Nam.
Cùng với đó là 2 tuyến đường ven biển được triển khai để phục vụ phát triển du lịch vùng ven biển phía nam Bình Thuận. Đặc biệt là khu du lịch này có mũi Kê Gà với rất nhiều dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng lớn và chuyên sâu về giải trí, thể thao trải nghiệm trên biển và phục vụ các giải thi đấu lớn.
Còn Khu du lịch Tân Thắng - Thắng Hải (huyện Hàm Tân) lại có lợi thế cách Sài Gòn chỉ hơn 100 km và rất gần với các trung tâm du lịch lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hội tụ nhiều yếu tố tiềm năng để phát triển khu công nghiệp, cảng biển, đặc biệt là du lịch.
Đến nay, tỉnh Bình Thuận có tổng cộng 5 khu du lịch được quy hoạch gồm 3 khu vừa được thông qua còn có Khu du lịch quốc gia Mũi Né và Khu du lịch đảo Phú Quý đã được phê duyệt quy hoạch trước đó.
Kỳ vọng các khu du lịch ven biển này hình thành và phát triển sẽ tăng thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Khánh Hòa dự kiến thu hồi gần 3.000 ha đất để xây hai khu đô thị
Mới đây, HĐND tỉnh Khánh đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án KĐT cao cấp Tu Bông và Đầm Môn, với tổng diện tích 2.895ha.
Ảnh minh họa |
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình về việc đề nghị thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
Trong đó, có 2 dự án là khu đô thị mới cao cấp Tu Bông và khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn với tổng diện tích đất thu hồi là 2.895ha.
Khu đô thị mới cao cấp Tu Bông cần thu hồi 1.567,21 ha đất thuộc 6 xã Vạn Thọ, Vạn Bình, Vạn Phước, Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Long. Còn khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn cần thu hồi 1.328,67ha đất thuộc xã Vạn Thạnh.
Dự án khu đô thị mới cao cấp Tu Bông có tổng diện tích hơn 2.581ha, trong đó phần đất liền 1.567ha, phần diện tích dự kiến lấn biển là 1.013,98ha.
Đối với dự án khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn có tổng diện tích hơn 1.441ha, trong đó phần đất liền 1.328,67ha và diện tích dự kiến lấn biển khoảng 113,24ha.
Theo tỉnh Khánh Hòa, 2 dự án khu đô thị mới cao cấp nói trên thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ (khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên).
Hiện 2 dự án khu đô thị cao cấp này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định của các bộ, ngành và tỉnh Khánh Hòa về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Do đó, việc HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua các dự án khu đô thị trên, làm cơ sở để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận dự án đầu tư theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 2/4: Khu công nghiệp hơn 6.300 tỷ đồng tại Hà Nội sẽ khởi công vào năm 2025