Tin bất động sản ngày 24/8: Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec-Huế "xây chui" rồi bỏ hoang hơn 10 năm
Tin bất động sản ngày 23/8: TP HCM đền bù hơn 800 triệu đồng/m2 khi thu hồi đất ở Tin bất động sản ngày 22/8: NovaGroup đề xuất phát triển đô thị sinh thái, thông minh tại Thái Bình |
Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec-Huế "xây chui" rồi bỏ hoang hơn 10 năm
Mới đây, Sở KH&ĐT tỉnh TT-Huế cho biết, dự án Vinconstec - Huế đến nay vẫn chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đưa dự án vào diện cần giám sát đặc biệt ban hành theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND kể từ tháng 7/2017.
|
Theo tìm hiểu, dự án Vinconstec - Huế tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế), được UBND tỉnh TT-Huế cấp phép năm 2008, với phạm vi nghiên cứu trên tổng diện tích hơn 70ha, giá trị đầu tư trên 600 tỉ đồng. Dự án nghỉ dưỡng kết hợp với khu đô thị cao cấp Cồn Sơn ở xã Phú Thuận mặc dù chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng đã tổ chức thi công "chui" 10 khung nhà mẫu cao tầng tại khu vực cạnh đầm phá thuộc xã Phú Thuận, gần Quốc lộ 49B. Công trình làm “lấy lệ”, chưa xong phần tô trát (trong tổng số 54 khung nhà) đã dừng thi công vô thời hạn kể từ năm 2012.
Từ đó đến nay, công trình dự án rơi vào tình trạng bất động. Người của chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam cũng vắng bóng tại công trình.
Ông Trần Trung (người dân trú thôn Hòa Duân, Phú Thuận) băn khoăn: “Công trình đã ngưng xây dựng và rơi vào tình trạng dang dở cả chục năm nay, để lại những ngôi nhà rêu mốc đen sì, phản cảm và hoang tàn”.
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy cũng ngán ngẩm: “Công trình thuộc dự án Vinconstec - Huế thi công dang dở, bỏ hoang nhiều năm ngay cạnh không gian chỉnh trang, phát triển du lịch, dịch vụ bãi tắm Phú Thuận đã phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương”. Ông Tùy cho biết thêm, nơi đây trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.
Theo Sở KH&ĐT TT-Huế, do vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch điều chỉnh Quốc lộ 49B, nhà đầu tư chưa quyết liệt trong việc thực hiện các thủ tục đất đai, quy hoạch… nên doanh nghiệp đã kiến nghị tỉnh TT-Huế điều chỉnh giảm quy mô dự án từ hơn 70ha xuống còn 30ha. Thông tin từ UBND huyện Phú Vang, chủ đầu tư do thiếu năng lực tài chính khi triển khai dự án chỉ đền bù tiền một phần nhỏ đối với các kiến trúc, lăng mộ và hồ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Dự án giậm chân tại chỗ qua nhiều năm. Diện tích giải phóng mặt bằng chỉ đạt khoảng 1,83ha, giá trị đền bù mới hơn 3,7 tỉ đồng.
Bình Thuận: Phê duyệt chủ trương đầu tư chung cư gần 800 tỉ tại Phan Thiết
Dự án bao gồm 06 khối chung cư cao 8 tầng và các hạng mục phụ trợ khác có liên quan như vườn hoa - cây xanh, đường nội bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp nước, thoát nước tổng thể, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện tổng thể, cổng tường rào...
Bên cạnh đó là công viên cây xanh, dường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan. Đầu tư đoạn kè bảo vệ dọc bờ sông và khóa kè, tổng chiều dài khoảng 460 m và khu đất ở đô thị phân lô…
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 798 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án 04 năm trong giai đoạn 2021 - 2025, bằng hình thức đầu tư mới.
Được biết, dự án chung cư sông Cà Ty nhằm phục vụ cho nhu cầu tái định cư các hộ dân thuộc diện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm) và tái định cư cho các dự án khác trên địa bàn thành phố Phan Thiết để thực hiện cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị.
Dự án được đầu tư từ nguồn vốn vượt thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết năm 2019 và năm 2020 của ngân sách tỉnh, nguồn dự phòng trong cân đối ngân sách tỉnh trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn dự phòng xổ số kiến thiết trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài dự án nói trên, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và danh mục dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thực hiện bổ sung năm 2022 đối với dự án Hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội tại xã Tiến Lợi, Phan Thiết.
Theo đó, HĐND tỉnh nhất trí danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và danh mục dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thực hiện bổ sung năm 2022 đối với dự án hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở xã hội tại xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết.
Theo đó, chuyển mục đích đất trồng lúa với diện tích là 821m². thu hồi đất với diện tích 45.050m2.
Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở xã hội tại xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết thuộc danh mục dự án nhóm B, được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Việc đầu tư dự án để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc đầu tư nhà ở xã hội.
Vĩnh Long dành 7.200 tỉ đồng đầu tư 4 dự án trên địa bàn tỉnh
Mới đây, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã gửi văn bản lên Bộ GTVT, kiến nghị Bộ sớm phân bổ đầu tư kinh phí để nâng cấp, mở rộng, sửa chữa Quốc lộ 54 đoạn đường đi qua tỉnh Vĩnh Long. Hiện nay tuyến đường đang xuống cấp, có nhiều đoạn bị ổ gà, tuy có sửa chữa nhưng chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, lưu thông và vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Tiếp nhận phản ánh của cử tri tỉnh Vĩnh Long, Bộ GTVT cho biết, Chính phủ đã ưu tiên bố trí 7.187 tỉ đồng để đầu tư 4 dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến tre và Vĩnh Long; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh: Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và Dự án đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 54, hiện Bộ GTVT chưa thể cân đối bố trí cho dự án này do do Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ.
Bộ GTVT ghi nhận ý kiến, cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn. Trước mắt, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Quốc lộ 54 đoạn đi qua tỉnh Vĩnh Long dài 49 km, quy mô quy hoạch cấp III, 2 - 4 làn xe. Hiện trạng cơ bản đạt cấp IV, 2 làn xe.
Quốc lộ 54 được Bộ GTVT xác định là tuyến đường bộ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ GTVT từng chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư mở rộng quốc lộ 54 đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Long theo hình thức BOT. Tuy nhiên do lưu lượng giao thông trên tuyến thấp nên dự án không khả thi về phương án tài chính.
Hòa Bình chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị gần 550 tỉ đồng
UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận Công ty cổ phần Đô thị Phúc Tiến là công ty thực hiện dự án Khu đô thị Phúc Tiến tại xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình.
|
Theo UBND tỉnh Hòa Bình, từ tháng 12/2021 tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận Liên danh CTCP Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội và CTCP Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong - C.O.N.I.C là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Phúc Tiến. Sau đó, liên danh nhà đầu tư nêu trên thành lập doanh nghiệp là CTCP Đô thị Phúc Tiến để thực hiện thực hiện dự án trên.
Dự án có tổng vốn đầu tư trên 546 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 165 tỉ đồng, chiếm khoảng 30,18% tổng vốn đầu tư. Cụ thể, CTCP Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội góp 132 tỉ đồng (chiếm 80% tổng vốn góp), CTCP Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong - C.O.N.I.C góp 33 tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 20%). UBND tỉnh cho biết phần còn lại là vốn vay.
Về tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành, dự kiến đến hết quý IV/2023 dự án sẽ hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đất đai, môi trường, xây dựng. Từ quý I/2024 đến quý IV/2025 dự án bước sang giai đoạn thực hiện san nền, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng, xây thô các căn liền kề, biệt thự. Dự án đi vào hoạt động, thực hiện kinh doanh và bàn giao công trình trong quý I- quý II/2026.
UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và luật kinh doanh bất động sản và các luật khác có liên quan. Trong thời gian 3 tháng (kể từ ngày UBND tỉnh có văn bản chấp thuận nhà đầu tư), nhà đầu tư nộp tối thiểu 1/3 giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được tạm tính theo Quyết định chủ trương đầu tư, phần còn lại sẽ được nộp theo tiến độ tại phương án đền bù giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành giải phóng mặt khu đất thực hiện dự án đầu tư.
Ngoài ra, chủ đầu tư cần làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Sau khi đầu tư xong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư có trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng trong dự án cho đến khi bàn giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 24/8: Khu đô thị nghỉ dưỡng Vinconstec-Huế "xây chui" rồi bỏ hoang hơn 10 năm