Tin bất động sản ngày 25/4: Dự án Tập đoàn TH đề xuất tại Lâm Đồng ảnh hưởng đến đất rừng và lâm nghiệp
Tin bất động sản ngày 24/4: Đà Nẵng thu hồi dự án không triển khai Tin bất động sản tuần qua: Đà Nẵng chấm dứt hoạt động dự án Golden Square |
Dự án Tập đoàn TH đề xuất tại Lâm Đồng ảnh hưởng đến đất rừng và lâm nghiệp
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa nhận được Văn bản số 818/SCT-KTAT ngày 11/4/2023 của Sở Công Thương về việc ý kiến đối với các vị trí khu vực do Công ty Cổ phần Tập đoàn TH đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp nhà máy tuyển Bauxit và chế biến Alumin, sản xuất nhôm.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Qua nghiên cứu, xem xét hồ sơ gửi kèm, đồng thời đối chiếu với các tài liệu có liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án có tổng diện tích dự kiến sử dụng khoảng 40.728 ha.
Vị trí đề xuất dự án thuộc một phần các xã B’Lá, Lộc Bảo, Lộc Bắc, Lộc Lâm, Lộc Phú, Lộc Quảng, Lộc Tân, Lộc Đức, Lộc Ngãi và thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm; các xã Đạ M’ri, Lộc Châu, phường 2, phường Lộc Phát, phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, khu vực đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp nhà máy tuyển Bauxit và chế biến Alumin, sản xuất nhôm của Công ty Cổ phần Tập đoàn TH có một phần thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp đối tượng rừng đặc dụng (khoảng 8,96 ha), đất quy hoạch lâm nghiệp đối tượng rừng phòng hộ (khoảng 68,82 ha), đất quy hoạch lâm nghiệp đối tượng rừng sản xuất (khoảng 19.660,14 ha) và phần còn lại là đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Về hiện trạng rừng, khu vực đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp nhà máy tuyển Bauxit và chế biến Alumin, sản xuất nhôm của Công ty Cổ phần Tập đoàn TH sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất có rừng khoảng 19.360,6 ha (trong đó rừng tự nhiên là 12.501,71 ha).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng, khu vực đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp nhà máy tuyển Bauxit và chế biến Alumin, sản xuất nhôm của Công ty Cổ phần Tập đoàn TH có ảnh hưởng đến diện tích khoảng 19.737,92 ha đất quy hoạch lâm nghiệp.
Trong đó, diện tích đất rừng đặc dụng khoảng 8,96 ha, rừng phòng hộ khoảng 68,82 ha, rừng sản xuất khoảng 19.660,14 ha. Bên cạnh đó là diện tích đất có rừng khoảng 19.360,6 ha.
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở Công Thương hướng dẫn Công ty Cổ phần Tập đoàn TH điều chỉnh khu vực đề xuất đầu tư xây dựng Tổ hợp nhà máy tuyển Bauxit và chế biến Alumin, sản xuất nhôm phải đảm bảo không tác động đến rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bệnh viện đa khoa hơn 430 tỷ đồng
UBND thành phố Đà Nẵng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Bệnh viện đa khoa tại khu đất số 522B Nguyễn Lương Bằng, nằm ở phía Bắc thành phố, thuộc quận Liên Chiểu, tổng kinh phí đầu tư hơn 430 tỷ đồng.
Theo đó, Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 6.000 m2, quy mô 9 tầng. Mục tiêu dự án nhằm xây dựng bệnh viện đảm bảo đủ điều kiện về hạ tầng cơ sở, trang thiết bị kỹ thuật, năng lực cán bộ và tổ chức bộ máy để đáp ứng các chức năng, nhiệm vụ quản lý và tổ chức thực hiện toàn diện công tác y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dự án Bệnh viện này nhằm khám và chữa bệnh theo yêu cầu của bệnh nhân, đặc biệt tập trung lĩnh vực khám, chữa bệnh chất lượng cao cho khách du lịch.
UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu UBND thành phố tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về Đấu giá tài sản và các quy định có liên quan, nhằm sớm lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng cũng đang triển khai 2 dự án y tế trọng điểm là Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình, tổng mức đầu tư hơn 470 tỷ đồng và Dự án Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng, tổng mức đầu tư 495 tỷ đồng, quy mô hơn 400 giường bệnh. Khi hoàn thành, các dự án này góp phần đưa Đà Nẵng thành Trung tâm Y tế chất lượng cao của khu vực theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Sắp có khu tái định cư 300 tỷ đồng ở Vĩnh Long
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình khu tái định cư Khu công nghiệp Bình Tân (Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long), huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - giai đoạn 1.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Tân làm chủ đầu tư, nhằm phục vụ bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long và một số dự án khác có liên quan trên địa bàn huyện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo tìm hiểu, dự án tọa lạc tại thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân, thực hiện thu hồi phần diện tích đất theo quy hoạch khoảng 98.500m2, đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để đảm bảo phục vụ cho khoảng 317 hộ dân bị ảnh hưởng phải tái định cư .
Tổng mức đầu tư dự án gần 300 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng gần 120 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 137 tỷ đồng… Thời gian thực hiện năm 2023 - 2025.
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1050/QĐ-TTg ngày 7/9/2022, thực hiện tại thị trấn Tân Quới và xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long làm chủ đầu tư.
Sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Long đã quyết định đổi tên Khu công nghiệp Bình Tân thành Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long và chấp thuận phương án phân kỳ đầu tư của dự án làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 là 255ha tại xã Thành Lợi; giai đoạn 2 là 165ha nằm trên phần diện tích còn lại của xã Thành Lợi và thị trấn Tân Quới).
Trên các cơ sở đó và hồ sơ đề nghị của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long, Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty thực hiện dự án ở giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.571 tỷ đồng, diện tích đất thực hiện dự án là 255ha.
Hải Dương sắp có dự án quy mô gần1.200 lô đất liền kề, shophouse tại huyện Nam Sách
Ngày 24/4, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND huyện Nam Sách khóa XX, các đại biểu HĐND huyện đã biểu quyết thông qua Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị Nam Sách Central Park tại thị trấn Nam Sách và xã Đồng Lạc, tỷ lệ 1/500 do UBND huyện Nam Sách tổ chức lập quy hoạch.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Khu đô thị Nam Sách Central Park thuộc thị trấn Nam Sách và xã Đồng Lạc. Phía bắc giáp khu dân cư mới khu C thị trấn Nam Sách; phía đông giáp quốc lộ 37, trường học và Trạm Y tế xã Đồng Lạc; phía nam giáp dân cư thôn Cẩm La, xã Đồng Lạc; phía tây giáp đường nhựa liên xã, dân cư thôn La Xuyên (thị trấn Nam Sách).
Quy mô tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là hơn 446.000 m2. Thị trấn Nam Sách có 209.500 m2, xã Đồng Lạc có hơn 236.500 m2. Trong đó, có 1.196 lô đất ở gồm đất liền kề, shophouse, nhà vườn, nhà ở xã hội. Khu đô thị này còn có chợ, trung tâm thương mại, trường học... Quy mô dân số khoảng 4.500 người.
Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Sách đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung của thị trấn Nam Sách và xã Đồng Lạc; tạo sự hài hòa về kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các khu dân cư hiện có và trong tương lai để phục vụ người dân đô thị; giải quyết nhu cầu về quỹ nhà ở cho nhân dân địa phương, kết nối hạ tầng kỹ thuật với khu vực lân cận...
Theo tổng hợp của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nam Sách, giai đoạn 2015 - 2020, huyện có 20 dự án khu, điểm dân cư, khu đô thị mới đã có chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép lập quy hoạch, thực hiện dự án với tổng diện tích quy hoạch hơn 746 ha. Huyện tổ chức thực hiện lập quy hoạch, thực hiện 28 dự án khu, điểm dân cư, khu đô thị mới với tổng diện tích hơn 584 ha. Một số dự án có diện tích lớn như các KDC: phía tây, phía đông thị trấn Nam Sách hơn 68 ha, phía bắc cầu Hàn hơn 408 ha, khu đô thị Central Park ở thị trấn Nam Sách và xã Đồng Lạc hơn 44ha..
Nguồn:Tin bất động sản ngày 25/4: Dự án Tập đoàn TH đề xuất tại Lâm Đồng ảnh hưởng đến đất rừng và lâm nghiệp