Tin bất động sản ngày 27/4: Lâm Đồng triển khai loạt đồ án quy hoạch quan trọng
Tin ngân hàng ngày 27/4: Quý I/2024, NCB đạt lợi nhuận hơn 221,6 tỷ đồng Tin bất động sản ngày 26/4: Long An kiểm tra, giám sát gần 170 dự án chậm tiến độ |
Lâm Đồng triển khai loạt đồ án quy hoạch quan trọng trên địa bàn
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo kết quả công tác tháng 4 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2024. Trong báo cáo, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã cho biết tiến độ triển khai các đồ án quy hoạch quan trọng trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Theo đó, đối với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2045, Sở Xây dựng đã tổ chức báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng 3 lần; tổ chức thành công Hội thảo khoa học trong tháng 01/2024; hoàn thiện đồ án theo chỉ đạo của UBND tỉnh và các ý kiến góp ý của các sở, ngành.
Cùng với đó, đã báo cáo UBND tỉnh về tình hình, tiến độ thực hiện và đăng ký báo cáo UBND tỉnh lần 4; báo cáo tại Hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức và báo cáo kết quả tiếp thu ý kiến phản biện xã hội.
Sở Xây dựng đã hoàn thành tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư. Hiện nay, Sở đang tổng hợp, rà soát các nội dung sau khi tổ chức lấy ý kiến.
Đối với các đồ án quy hoạch vùng huyện, Sở Xây dựng đã báo cáo đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy hoạch vùng huyện.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn hiện có 06 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đã được phê duyệt gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh.
Riêng quy hoạch vùng huyện Đơn Dương, Lạc Dương và Bảo Lâm đang tiếp tục rà soát theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ngoài các đồ án quy hoạch nói trên, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và Thiết kế đô thị Khu vực Trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.
Trong tháng 5/2024, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; hoàn thiện thẩm định Quy chế quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn tỉnh.
Sở cũng đôn đốc, hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch theo Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt và quy hoạch chung xây dựng xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, triển khai rà soát, đề xuất điều chỉnh Kế hoạch lập quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế.
Bình Định phê duyệt loạt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 51 lô đất ở tại các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Đây là những lô đất được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất vào ngày 7/4 vừa qua.
Cụ thể, tại Công ty Đấu giá Hợp danh Đông Dương, nhiều khách hàng trúng đấu giá 20 lô đất ở diện tích 3.747 m2, với tổng giá trúng đấu giá là 42,9 tỷ đồng.
20 lô đất trúng đấu giá thuộc các dự án gồm: Khu đô thị mới Long Vân (Khu A1); Khu dân cư tại mặt bằng Công ty 508, phường Bùi Thị Xuân; Khu tái định cư phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1D tại khu HH1 và HH2 thuộc Khu quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 KV1 và KV9, phường Trần Quang Diệu;
Khu Dải cây xanh thuộc Khu tái định cư phục vụ dự án xây dựng Khu đô thị - Thương mại phía Bắc sông Hà Thanh, phường Đống Đa; Khu dân cư sau Trường tiểu học số 1 thuộc thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước.
Bên cạnh đó, tại Công ty Đấu giá Hợp danh Bình Định, nhiều khách hàng đã trúng đấu giá 26 lô đất ở diện tích 2.642,6 m2, với tổng giá trúng đấu giá khoảng 46,8 tỷ đồng.
26 lô đất ở trúng đấu giá nói trên có địa chỉ tại Khu đô thị mới Long Vân (Khu A2) phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn.
Cũng trong ngày 7/4, tại Công ty Đấu giá Hợp danh Kiểu Việt, nhiều khách hàng đã trúng đấu giá 5 lô đất ở tại Khu tái định cư phường Hoài Thanh Tây thuộc dự án Tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn.
5 lô đất ở này có diện tích 470 m2, với tổng giá trúng đấu giá khoảng 4,2 tỷ đồng.
Trước đó, vào năm 2023, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định thực hiện đấu giá 356 lô đất ở. Theo đó, đã tổ chức đấu giá thành công 120 lô đất ở với tổng giá trị trúng đấu giá là 304,343 tỷ đồng, đạt 33,70%.
Đồng thời, Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh thực hiện đấu giá 339 lô đất ở. Theo đó, đã tổ chức đấu giá thành công 49 lô với tổng giá trị trúng đấu giá là 73,4 tỷ đồng, đạt 14,45%.
Trong năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, có rất nhiều lô đất ở trúng đấu giá với mức giá chênh lệch không nhiều so với giá khởi điểm, thậm chí có nhiều lô đất trúng đấu giá với mức giá bằng với giá khởi điểm.
Ninh Bình: Thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có Quyết định thành lập Tổ công tác rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn; 5 Tổ phó là Phó Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh; các thành viên là các đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, Cục Thuế, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh nắm bắt, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp và giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Rà soát, đôn đốc, hướng dẫn về quy trình, thủ tục liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án bất động sản, đảm bảo tiến độ, chất lượng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan.
Tổ công tác có quyền hạn yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai có khó khăn, vướng mắc.
Nhiều khu công nghiệp tại TP HCM thiếu diện tích cây xanh
UBND TP HCM vừa có báo cáo kết quả thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng. Một số tồn tại, hạn chế phát sinh qua thanh tra đã được nêu ra, trong đó có vấn đề cây xanh.
Ảnh minh họa |
Tại Ban quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố có tình trạng sau khi điều chỉnh đồ án quy hoạch có tăng thêm diện tích đất công nghiệp, thiếu diện tích cây xanh. Cụ thể như khu công nghiệp Đông Nam, khu công nghiệp Hiệp Phước, khu công nghiệp Tân Bình, khu công nghiệp Tân Bình mở rộng; khu chế xuất Linh Trung 1, khu chế xuất Linh Trung 2.
Vì vậy, theo Ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất, các chủ đầu tư khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng cần phương án bổ sung phần diện tích đất cây xanh, đất giao thông đã thực hiện mà còn thiếu theo quy hoạch được duyệt; giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn đơn vị thực hiện.
Hiện nay, rất nhiều Khu công nghiệp trên địa bàn trên cả nước được quy hoạch không bảo đảm diện tích cây xanh và xử lý chất thải nên môi trường bị phá hoại và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Nhiều địa phương đã bị coi là "bê tông hóa” và khiến cho đất trở nên khô cằn và nhiễm độc chất thải.
Các kiến trúc sư cảnh quan chia sẻ, KCN là khu vực dành cho phát triển công nghiệp theo một quy hoạch cụ thể. Với đặc thù các loại hình sản xuất đang hoạt động trong các KCN hiện nay như : luyện cán thép, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thép, bê tông, gia công cơ khí, dịch vụ và các ngành công nghiệp nặng khác, thì trong quá trình hoạt động, việc phát sinh các nguồn chất thải như khói bụi, khí thải, nước thải, rác thải không thể tránh khỏi.
Vì vậy, phát triển mảng xanh KCN để làm sạch môi trường, giảm thiểu khí độc hại, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu do tăng nhiệt độ tại các KCN là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ môi trường, tăng cường cảnh quan sinh thái phục vụ cho mục đích phát triển bền vững.
Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp phải dành tối thiểu 10% diện tích đất trồng cây xanh, doanh nghiệp hoạt động trong KCN phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh.
Quy định này nhằm làm giảm diện tích bê tông, giảm hiệu ứng nhà kính và hướng đến tạo cảnh quan sinh thái phục vụ mục đích phát triển công nghiệp bền vững.
Mặc dù chưa đạt được tỷ lệ tuyệt đối, nhưng các chủ đầu tư phát triển hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN đã quan tâm đến việc phát triển mảng xanh.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 27/4: Lâm Đồng triển khai loạt đồ án quy hoạch quan trọng