Tin bất động sản ngày 27/5: Phú Quốc sắp cưỡng chế tòa nhà cao tầng xây dựng trái phép
Tin bất động sản ngày 26/5: Khởi công dự án nhà ở xã hội gần 1.300 tỉ đồng tại Hà Nội Tin bất động sản ngày 25/5: Thanh Hóa phê duyệt dự án Khu du lịch khoáng nóng gần 200ha |
Phú Quốc sắp cưỡng chế tòa nhà cao tầng xây dựng trái phép
Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vừa ký quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với tòa nhà 12 tầng xây dựng trái phép, sai quy hoạch ở xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.
Tòa nhà xây dựng trái phép |
Theo đó, buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình xây dựng tòa nhà 12 tầng không đúng quy hoạch xây dựng được duyệt với diện tích 2.746m2; đồng thời khôi phục lại hiện trạng ban đầu diện tích đất 473m2 do tự ý chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Thời gian thực hiện 90 ngày, kể từ ngày nhận quyết định.
Công trình này được xây dựng từ trước dịch COVID-19, thời điểm đó bị cơ quan chức năng phát hiện và buộc ngừng thi công thì công trình này đã xây được 6 tầng. Sau dịch COVID-19, công trình này đã lên 12 tầng.
Tháng 8/2022, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đã ban hành quyết định xử phạt chủ đầu tư là ông Vũ Mạnh Hùng (SN 1969, ngụ quận Hoàng Kiếm, TP Hà Nội) 61,5 triệu đồng về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng được duyệt và chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn.
Biện pháp khắc phục đi kèm quyết định trong 10 ngày, người vi phạm phải tháo dỡ công trình xây dựng và khôi phục tình trạng ban đầu của đất.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2023, chủ đầu tư đã nộp phạt tiền nhưng chưa khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt của UBND TP Phú Quốc. Do đó, ngày 14/4 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang ra văn bản yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND TP Phú Quốc khẩn trương xử lý dứt điểm vụ việc này. Đồng thời, giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND TP Phú Quốc giải quyết theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh nếu để kéo dài làm phát sinh hậu quả phức tạp.
Thái Nguyên tìm chủ cho dự án hơn 3.600 tỉ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên mới ban hành Thông báo số 1660 mời các Nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị Nam sông Cầu.
Theo đó, dự án được thực hiện tại phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên, có diện tích hơn 45,5ha. Hiện trạng khu đất thực hiện dự án là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do các tổ chức và hộ gia đình cá nhân đang quản lý, sử dụng; chưa bồi thường giải phóng mặt bằng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án trên 3.682,2 tỉ đồng. Trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.600 tỉ đồng. Sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.081 tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án quý II/2023 - quý III/2028.
Cùng ngày, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cũng mời gọi đầu tư thực hiện Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1. Dự án được thực hiện tại xã Bình Thuận, huyện Đại Từ. Tổng diện tích khu đất thực hiện dự án là trên 7,69ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án: 169,88 tỉ đồng.
Hà Tĩnh chấp thuận chủ đầu tư dự án Khu đô thị gần 2.000 tỉ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 13/10/2022 của UBND tỉnh.
Dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà có tổng vốn đầu tư 1.985 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 300 tỉ đồng.
Dự án có tiến độ hoàn thành và đi vào hoạt động trong 48 tháng kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư.
Nhà đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu, số liệu trong hồ sơ đề nghị chấp thuận nhà đầu tư và các văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chính sách hiện hành của nhà nước và của tỉnh Hà Tĩnh.
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ đã cam kết và các quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án; tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đê điều, môi trường, lao động, đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư và pháp luật có liên quan;…
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh đã phát đi thông báo mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) và thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà), tỉnh Hà Tĩnh, với sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.958 tỉ đồng.
Theo đó, dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) và thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà) có tổng diện tích sử dụng khoảng 297.921 m2.
Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội Khu đô thị với tổng diện tích khoảng 297.921m2 để xây dựng nhà ở thương mại và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân đầu tư xây dựng nhà ở theo quy hoạch.
Dự án còn có mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng; trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở và sinh hoạt cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị tại địa phương.
Lâm Đồng: Kiến nghị thu hồi dự án gia hạn nhiều lần nhưng vẫn “trùm mền”
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) có 2 dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của Công ty cổ phần Trúc Phương (Công ty Trúc Phương) và Khu du lịch Văn hóa và nghỉ dưỡng cao cấp Ruby - Madagui của Công ty Cổ phần Bất động sản Ruby (dự án Công ty Ruby) có nhiều vi phạm.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đến nay, UBND huyện Đạ Huoai kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án của Công ty Trúc Phương; đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án của Công ty Ruby do chậm tiến độ và chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính.
Theo tìm hiểu, dự án Công ty Trúc Phương được cấp Giấy chứng nhận đầu tháng 7/2007, được tỉnh Lâm Đồng cho thuê 23.154 m2 đất vào tháng 9/2007, cấp giấy phép xây dựng sau đó một tháng và tiến độ thực hiện từ 2007-2011.
Từ khi bắt đầu dự án đến năm 2009, chủ đầu tư chỉ xây dựng được một số hạng mục trên diện tích khoảng 1.000 m2 với vốn đầu tư khoảng 3 tỉ đồng nhưng không hoàn thiện đưa vào sử dụng. Toàn bộ dự án sau đó "trùm mền" đến hết tiến độ đầu tư.
Dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho gia hạn thời gian sử dụng đất 3 lần. Lần 1 gia hạn từ tháng 5/2015 đến 5/2017; Lần 2 gia hạn từ tháng 5/2017 đến 5/2019; Lần 3 gia hạn từ tháng 11/2021 đến 11/2022.
Được gia hạn, nhưng nhà đầu tư chỉ thực hiện thêm được một hạng mục xây bờ kè dọc bờ suối vào năm 2017, các hạng mục chính của dự án đều... nằm trên giấy. Tính đến thời điểm hiện nay, dự án đã chậm tiến độ hơn 11 năm và hết thời gian gia hạn lần cuối.
Đầu năm 2018, Công ty Trúc Phương thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án để vay 22 tỉ đồng.
Ngoài việc chậm tiến độ và mang đất đi thế chấp, chủ đầu tư này còn không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định khi được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ dự án.
Với các vấn đề trên, UBND huyện Đạ Huoai kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án của Công ty Cổ phần Trúc Phương, kiến nghị các sở ngành liên quan xem xét nghiên cứu hướng dẫn xử lý về đất đai khi thu hồi dự án vì đất đã thế chấp tại ngân hàng và bị kê biên phát mãi.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 27/5: Phú Quốc sắp cưỡng chế tòa nhà cao tầng xây dựng trái phép