Tin bất động sản ngày 2/8: Sắp đấu giá hàng trăm lô đất tại huyện ven đô
Tin bất động sản ngày 1/8: Ngày càng nhiều người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam Tin bất động sản ngày 31/7: Hà Nội xem xét ban hành nghị quyết về cải tạo phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ |
Sắp đấu giá hàng trăm lô đất tại huyện ven đô
Hàng trăm lô đất vùng ven Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục được tổ chức đấu giá vào tháng 8 với mức giá khởi điểm cao nhất khoảng hơn 7 tỷ đồng/lô. Trước đó, vào tháng 7, một lô đất ở Long Biên cũng được đem ra đấu giá với giá khởi điểm gần 9,5 tỷ đồng/lô.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, tháng 8, tại huyện Ứng Hòa, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ứng Hòa phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức đấu giá quyền sử dụng 30 lô đất ở khu Sông Mới, xã Hòa Xá.
Theo đó, 30 lô đất đấu giá có tổng diện tích là 2.536,7 m2. Các lô đất có diện tích từ 67,5 - 90 m2/lô đất. Giá khởi điểm từ 12 - 16 triệu đồng/m2, tương đương từng lô đất từ 810 triệu đồng đến 1,44 tỷ đồng. Tổng giá khởi điểm 30 lô đất là 31,132 tỷ đồng.
Tại huyện Chương Mỹ, sáng 12/8, ở hội trường UBND huyện Chương Mỹ dự kiến diễn ra buổi đấu giá 20 lô đất do Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ. Trong đó, 11 lô đất nằm tại khu Miễu 3, Miễu 4, thôn Trung Vực Trong và Trung Vực Ngoài và 9 lô đất nằm ở khu Miễu 2 thuộc thôn Trung Vực Ngoài, đều thuộc xã Thượng Vực.
Diện tích các lô đất từ 77,9 - 104,8 m2. Giá khởi điểm từ 23,2 triệu đến 25,5 triệu đồng/m2.
Trong buổi sáng cùng ngày 12/8, 2 thửa đất thuộc khu đất dịch vụ thị trấn Chúc Sơn cũng được đem ra đấu giá. Cụ thể, giá khởi điểm thửa đất có diện tích 138,5m2 là 35 triệu đồng/m2 và thửa đất có diện tích 163,3 m2 có giá khởi điểm là 44,2 triệu đồng/m2 tương đương với giá 7,2 tỷ đồng/lô.
Sáng ngày 19/8, Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp cùng Công ty đấu giá hợp danh Goldsun sẽ tổ chức đấu giá 28 thửa đất. Cụ thể, đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Khu Mái Sau, thôn Quyết Tiến, xã Hữu Văn, gồm 28 thửa đất chia thành 2 ô quy hoạch là ĐG-01 có 17 thửa và ĐG-02 có 11 thửa. Diện tích các thửa đất đấu giá từ hơn 104 - 208,6 m2/thửa. Giá khởi điểm từ 18,2 triệu đến 31 triệu đồng/m2; tương đương khoảng trên 1,9 tỷ đồng đến hơn 5,8 tỷ đồng/thửa.
Hơn 750 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 7 tháng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước có 89.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834.300 tỷ đồng. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,2% nhưng lại sụt giảm tới 17,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, lĩnh vực bất động sản dẫn đầu về sự tụt giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, trong 7 tháng qua, bất động sản có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm tới 56,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản giải thể trong 7 tháng qua là 756 doanh nghiệp, cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, số liệu trên phản ánh đúng tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay. Thị trường bất động sản vẫn khó khăn do chịu ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh và chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm...
Bên cạnh đó là hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để.
Lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm 2022 và đã giảm nhẹ từ đầu đầu năm đến nay nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Áp lực chi phí tài chính tăng cao trong khi dòng tiền "khan hiếm" vì không bán được hàng, không huy động được vốn từ trái phiếu, không đủ tiêu chuẩn vay vốn tín dụng... khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản ngày càng tụt dốc.
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến quý 4 năm 2023 chỉ ghi nhận thêm một số dự án mới bổ sung, nguồn cung ít ỏi so với lực cầu vốn rất lớn. Chỉ khi những rào cản được tháo bỏ hoàn toàn thì thị trường bất động sản mới bớt khó khăn, dần phục hồi để lấy đà tăng trưởng.
Tập đoàn Hòa Bình nhận chuyển nhượng 88 bất động sản từ Novaland, Sun Group
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã ck: HBC) đã công bố báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, trong thời gian này doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng nhiều bất động sản từ các chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 23/3/2023, HĐQT đã ban hành nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐQT.HBC về việc thông qua nhận chuyển nhượng bất động sản từ Sun Group 30 lô đất nền tại Đà Nẵng.
Tiếp đó, ngày 3/4/2023, HĐQT đã thông qua Nghị quyết số 17 và 18 về việc nhận chuyển nhượng bất động sản từ Novaland Group, cụ thể 38 sản phẩm thuộc dự án Nova Phan Thiết và 20 căn sản phẩm thuộc dự án Nova Hồ Tràm.
Trong thông báo hồi tháng 5, Xây dựng Hòa Bình cho biết, doanh nghiệp này đã và đang là đối tác của Novaland tại cụm dự án NovaWorld Hồ Tràm và NovaWorld Phan Thiết trong vai trò tổng thầu thi công nhiều gói thầu khác nhau.
Về kết quả kinh doanh, quý 2/2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.297 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sự đột biến này tạo ra mức lợi nhuận gộp tăng gấp đôi lên 423 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 68 tỷ đồng.
Nguyên nhân đến từ việc doanh thu tài chính giảm và chi phí quản lý bán hàng tăng mạnh do trích lập dự phòng phải thu khó đòi 317 tỷ đồng.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý này của Xây dựng Hòa Bình là khoản lợi nhuận khác 653 tỷ đồng, phần lớn đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, vật tư trong kỳ. Nhờ sự đột biến từ lợi nhuận thanh lý tài sản, Xây dựng Hòa Bình lãi ròng 547 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, “ông lớn” xây dựng này báo lãi hơn 103 tỷ đồng, tăng 80%. So với kế hoạch lãi sau thuế 125 tỷ đồng đề ra cho năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đã thực hiện được hơn 81% chỉ tiêu
Khánh Hòa thu hồi 128 tỷ đồng thất thoát từ dự án sai phạm
Ngày 1/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo kết quả khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát theo Thông báo số 680 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận số 250 của Thanh tra Chính phủ.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, tính đến hết tháng 6, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 128 tỷ đồng gồm 9,9 tỷ đồng theo Thông báo 1919/TB-TTCP ngày 11/9/2020 của Thanh tra Chính phủ, 118 tỷ đồng theo Thông báo 680 ngày 30/8/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trong kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa ngày 21/7 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã trả lời các vấn đề mà cử tri quan tâm về nội dung khắc phục sai phạm, thu hồi tiền thất thoát mà các cơ quan trung ương đã chỉ ra. Tại kỳ họp, các đại biểu đều ý kiến về việc địa phương khắc phục các sai phạm, trong đó có thu hồi tài sản thất thoát còn chậm so với yêu cầu.
Lý giải vấn đề này, ông Tuân cho biết các hội đồng thẩm định giá của tỉnh hiện rất “neo người”. Hội đồng thẩm định vừa thẩm định các dự án mới, vừa thẩm định dự án cũ để tính toán lại việc gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Nhưng khi tính xong số tiền thất thoát từ các dự án sai phạm thì hiện tỉnh vẫn chưa thu lại được.
Theo ông Tuân, vừa qua lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với các doanh nghiệp có dự án sai phạm được nêu trong kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra Trung ương.
“Sắp tới, chúng tôi cũng phải trao đổi thẳng với các doanh nghiệp, bây giờ phải đóng tiền thất thoát vì Hội đồng thẩm định giá đất mới, xác định được dự án thất thoát bao nhiêu. Quan điểm của tỉnh là các doanh nghiệp phải đóng tiền thất thoát mới được tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư mới”, ông Tuân nêu rõ.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 2/8: Sắp đấu giá hàng trăm lô đất tại huyện ven đô