Tin bất động sản ngày 28/2: Khánh Hòa chính thức tháo dỡ Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara chắn biển
Tin bất động sản ngày 27/2: Lâm Đồng siết chặt điều kiện tách thửa khiến người dân gặp khó Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Không thêm điều kiện với chủ đầu tư xây nhà ở xã hội |
Khánh Hòa: Chính thức tháo dỡ Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara chắn biển
Sau những chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh Khánh Hòa, Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara đang được chủ đầu tư tháo dỡ, di dời trả lại đất bãi biển để phục vụ cộng đồng.
Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Được biết, Khu nghỉ Ana Mandara của Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa được xây dựng từ năm 1995 và đi vào hoạt động vào năm 1997 với nhiều hạng mục gồm các bungalow, nhà hàng, hồ bơi, spa... nằm trải dài trên 400m mặt tiền đường Trần Phú, TP Nha Trang. Đến năm 2010, tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương thu lại trên 28ha diện tích đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và 1ha mặt nước biển của dự án Ana Mandara để trả lại mặt biển phục vụ cộng đồng.
Để thực hiện việc này, tỉnh Khánh Hòa đã giao cho chủ đầu tư resort trên 29ha đất tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh để xây dựng một khu phức hợp nghỉ dưỡng khác. Tuy nhiên, với lý do dự án mới chưa xây dựng xong, Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara, gây bức xúc dư luận.
Tháng 6/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa dừng hoạt động lưu trú tại khu nghỉ dưỡng này, đồng thời tháo dỡ các công trình tại đây để trả lại không gian thông thoáng bờ biển phục vụ người dân, du khách.
Tháng 11/2022, chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa các nội dung liên quan và cam kết công tác tháo dỡ sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022, sau đó sẽ bàn giao cho TP Nha Trang quản lý.
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản giao UBND TP Nha Trang chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị tập trung, đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các đồ án quy hoạch tại khu vực phía Đông đường Trần Phú và xử lý dứt điểm việc sắp xếp, chỉnh trang các công trình, không để tồn tại kéo dài gây mất mỹ quan đô thị.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Khánh Hoà đến nay chủ đầu tư mới thực hiện việc tháo dỡ Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara.
Hòa Bình chấp thuận thêm 16 dự án đầu tư, tổng vốn hơn 2 tỷ USD
Vừa qua, tại hội nghị xúc tiến đầu tư trong năm 2023. Tại Hội nghị, tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 nhà đầu tư đại diện thực hiện 16 dự án vào tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 49.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD).
Ngoài các chính sách ưu đãi chung, Hòa Bình còn có một số cơ chế chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu...
Tỉnh này cũng ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 210 ngày 19/12/2013 của Chính phủ, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Lãnh đạo tỉnh khẳng định, Hòa Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện nhất quán quan điểm "chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư". Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, để Hòa Bình thực sự là điểm đến đầu tư bền vững của các nhà đầu tư.
Năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%.
Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động, trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng.
HoREA đề xuất cho phép nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất để tránh khiếu kiện
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý một số điều của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Trong văn bản, HoREA đề xuất bổ sung quy định dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng vừa có thể thực phương thức Nhà nước thu hồi đất, vừa có thể do nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất với người sử dụng đất.
Theo HoREA, một số trường hợp dự án mà nhà đầu tư có thể có hai giải pháp để lựa chọn như dự án nhà ở xã hội hội; dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng… thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 78 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên thực tế trong các năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân tự thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm thực hiện các dự án nhà ở xã hội hoặc dự án để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoặc dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng (công viên nghĩa trang)…
"Việc cho phép nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất có thể tăng sự đồng thuận trong xã hội và hạn chế bớt các trường hợp Nhà nước thu hồi đất có thể dẫn đến khiếu kiện gay gắt, khiếu kiện đông người", HoREA cho biết.
Nhưng Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định các trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận về quyền sử dụng đất để thực hiện các loại dự án nêu trên.
Vì vậy, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 78, theo đó khuyến khích nhà đầu tư các dự án, công trình quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 được thực hiện theo quy định tại Điều 121 và Điều 128 của Luật này.
Dự án tòa nhà làm việc của Tập đoàn VNPT xây dựng ì ạch trên khu “đất vàng” tại TP Huế
Theo tìm hiểu dự án Tổ hợp toà nhà làm việc mặc dù toạ lạc trên khu đất vàng với 2 mặt tiền đường Hà Nội và Lý Thường Kiệt nhưng đã "đắp chiếu" suốt một thời gian dài.
Dự án tòa nhà làm việc của VNPT "đắp chiếu" nhiều năm/ Ảnh: VTCNews /https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Được biết, dự án do Tập đoàn VNPT trúng đấu giá khu đất và ủy quyền VNPT Thừa Thiên Huế thực hiện, được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/4/2012 với tổng vốn đầu tư 58,6 tỷ đồng.
Theo bản cam kết của đơn vị được ủy quyền thực hiện, dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng quý I/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, dự án xây dựng cơ bản xong phần thô 7 tầng nổi và 1 tầng hầm nhưng chậm tiến độ đáng kể so với cam kết.
Hiện nay, dự án Toà nhà làm việc gần như trong tình trạng "đắp chiếu". Nhiều hạng mục làm xong bị bỏ lâu ngày xuất hiện hư hỏng, xuống cấp.
Lý giải về nguyên nhân dự án bị ì ạch, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, nguyên nhân chính khiến dự án Toà nhà làm việc (số 4 Hà Nội, TP Huế) bị chậm tiến độ là do chênh lệch khối lượng, hạng mục giữa hợp đồng EC đã ký và thực tế triển khai, cộng thêm việc trượt giá của nguyên vật liệu do dự án kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chi phí thực hiện công tác thi công xây dựng giai đoạn 1 của dự án vượt giá trị hợp đồng đã ký.
Do đó, trong thời gian qua nhà thầu thi công cầm chừng và nhiều lần có văn bản gửi chủ đầu tư để đề xuất giải quyết liên quan đến việc chênh lệch khối lượng và trượt giá nguyên vật liệu thi công. Qua tổ chức kiểm tra nhà đầu tư cam kết hoàn thành quý IV/2022. Thế nhưng đến đầu năm 2023 dự án Toà nhà làm việc (số 4 đường Hà Nội) vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ.
Trong gian đoạn từ năm 2016 đến nay, Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế tham mưu UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hoạt động 62 dự án. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 28/2: Khánh Hòa chính thức tháo dỡ Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara chắn biển