Tin bất động sản ngày 28/6: Giao dịch qua sàn là cơ sở để xác định giá đất đúng
Tin bất động sản ngày 26/6: Hơn 120 dự án đã được gỡ vướng Tin bất động sản ngày 24/6: Giao dịch qua sàn không gia tăng chi phí bất hợp lý |
Giao dịch qua sàn là cơ sở để xác định giá đất đúng
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, để định giá đất một cách chính xác và phù hợp, cần phải có dữ liệu thông tin về giá đất từ các giao dịch thực tế trên thị trường. Do đó, yêu cầu giao dịch qua sàn BĐS trở thành một điều bắt buộc để cung cấp thông tin số liệu về giá chính xác nhất.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Việc giao dịch qua sàn BĐS mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên, nó đảm bảo tính minh bạch và công khai trong việc ghi nhận thông tin giao dịch. Khi mọi thông tin được niêm yết và công khai, việc xác định giá trị của bất động sản dễ dàng hơn và không gian cho khai hai giá sẽ được loại bỏ. Điều này giúp tránh tình trạng thất thu ngân sách Nhà do việc khai thác đất không đúng giá trị thực.
Thứ hai, thông qua sàn giao dịch, tất cả các giao dịch mua bán bất động sản có thể trả qua ngân hàng. Điều này giúp tăng tính an toàn và giảm rủi ro cho cả người mua và người bán. Thanh toán qua ngân hàng đảm bảo tính minh bạch và chặt chẽ trong quá trình giao dịch, từ đó tạo ra dữ liệu đáng tin cậy về giá trị bất động sản.
VARs cũng nhấn mạnh, để xác định giá đất chính xác và tiệm cận với giá trị thị trường, cần có dữ liệu từ lịch sử chuyển nhượng thực tế và các giao dịch mua bán khác để so sánh và chứng thực. Việc yêu cầu giao dịch chuyển nhượng bất động sản qua sàn giao dịch, đồng thời áp dụng thanh toán qua ngân hàng và kiểm soát hợp đồng mua bán đất sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu niêm yết, công khai và minh bạch về các giao dịch. Điều này giúp đảm bảo thông tin về giá trị bất động sản là chính xác nhất.
Một thị trường bất động sản hoạt động tốt sẽ tự điều tiết cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo rằng tài sản được giao dịch với giá trị thực, không gây lãng phí nguồn lực từ đất đai và tránh các rủi ro cho cán bộ thực hiện.
Đồng thời, việc yêu cầu giao dịch qua sàn cũng giúp Nhà nước có công cụ quản lý thông tin về thị trường bất động sản, từ đó đưa ra các chính sách nhằm điều tiết thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh và ổn định.
Khánh Hòa: Khánh thành bệnh viện đa khoa Yersin Nha Trang hơn 350 tỷ đồng
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang có quy mô 200 giường bệnh, tổng vốn đầu tư 355 tỷ đồng đã được khánh thành, bện viện đi vào hoạt động sẽ bổ sung thêm số lượng cơ sở y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân TP Nha Trang.
Được biết, dự án Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang được khởi công xây dựng từ năm 2020 trên khuôn viên đất 15.309m2 tại Khu đô thị Mỹ Gia, xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang, tổng mức đầu tư hơn 355 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Đây là bệnh viện đa khoa hạng II có quy mô 200 giường. Cơ cấu tổ chức của bệnh viện gồm 5 phòng chức năng, 14 khoa, gồm: Khám - cấp cứu; hồi sức tích cực - chống độc; nội tổng hợp; y học cổ truyền - vật lý trị liệu - phục hồi chức năng; nhi; ngoại tổng hợp; phẫu thuật gây mê hồi sức; phụ sản; xét nghiệm; chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng - giải phẫu bệnh...
Thời gian đầu, bệnh viện sẽ triển khai khám ngoại trú, sau khoảng 2 - 3 tháng, bệnh viện sẽ tiếp nhận khám và điều trị nội trú.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng lớn của người dân, UBND tỉnh Khánh Hòa đang nâng cấp cấp, mở rộng, xây mới nhiều cơ sở y tế trên địa bàn. Trong đó, có kế hoạch xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa với số vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.
Được biết, bệnh viện mới dự kiến sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích từ 8-11ha, quy mô lên đến 1.500 giường bệnh. Đây sẽ là bệnh viện tuyến cuối của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Viglacera đề xuất đầu tư xây dựng khu công nghiệp 500ha tại Bình Thuận
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận, Tổng Công ty Viglacera đã đề xuất đầu tư kết cấu hạ tầng một khu công nghiệp (KCN) quy mô khoảng 500 ha trên địa bàn tỉnh.
Đây là một trong những động thái đầu tiên của Viglacera trong kế hoạch mở rộng quỹ đất với mục tiêu có thêm 10 KCN mới vào năm 2025.
Hiện tại, Viglacera đã đầu tư và kinh doanh 12 KCN tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình… với tổng diện tích 4.210 ha. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn đầu tư 16 dự án khu đô thị và nhà ở với tổng diện tích 240 ha, một khu nghỉ dưỡng 5 sao diện tích 35,7 ha.
Trong chuyến khảo sát tại Bình Thuận lần này, lãnh đạo Viglacera bày tỏ mong muốn đầu tư kết cấu hạ tầng một KCN có quy mô diện tích khoảng 500 ha, vị trí ở khu vực phía Nam tỉnh này.
Trước đề xuất của Viglacera, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh rà soát lại quy hoạch và khả năng mở rộng các KCN. Đồng thời, nghiên cứu vị trí phù hợp để giới thiệu và tạo điều kiện cho Viglacera xúc tiến khảo sát nhằm tiến tới thực hiện đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 hồi tháng 5, Viglacera cho biết sẽ tiếp tục đặt trọng tâm phát triển mảng bất động sản và vật liệu xây dựng. Trong đó, mảng bất động sản được công ty hướng đến mở rộng quỹ đất và phát triển mới 3.000 ha quỹ đất.
Thời gian tới, Viglacera sẽ khảo sát, lập dự án và triển khai đầu tư hàng loạt KCN mới tại các địa phương có vị trí có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp này sẽ thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai dự án KCN tại Thái Nguyên, Hưng Yên.
Bên cạnh đó, sẽ triển khai 10 dự án dịch vụ hạ tầng; dự án KCN ViMariel (giai đoạn 1 diện tích 86 ha) tại Cuba.
Dự kiến đến năm 2025, Viglacera sẽ nâng tổng số các KCN mang thương hiệu Viglacera lên con số 20 với trên 10 KCN mới có tổng diện tích tăng thêm khoảng từ 2.000-3.000 ha để phát triển quỹ đất KCN, dự trữ tối thiểu gấp đôi đất cho thuê hàng năm.
Đến năm 2025, Đồng Nai xây dựng trên 10 nghìn nhà ở xã hội
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 9 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, diện tích hơn 52ha và quy mô khoảng 10,2 nghìn căn hộ. Tổng nguồn vốn thực hiện các dự án hơn 10,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn của Nhà nước (Quỹ Phát triển nhà ở của tỉnh, các nguồn khác), các doanh nghiệp và huy động khác.
Theo kế hoạch, hàng năm 4 địa phương có nhiều khu công nghiệp là TP Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom lựa chọn chủ đầu tư cho từ 2-3 dự án nhà ở. Các huyện, thành phố còn lại thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư từ 1-2 dự án nhà ở để lựa chọn chủ đầu tư.
Tuy nhiên, theo các địa phương, thủ tục pháp lý là vướng mắc lớn nhất của các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, TP Biên Hòa có 2 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng vướng thi tuyển thiết kế do Sở Xây dựng thực hiện, vướng thẩm định năng lực nhà đầu tư do Sở KH-ĐT thực hiện; huyện Nhơn Trạch có 2 dự án đủ điều kiện hồ sơ nhưng phát sinh yêu cầu kiểm tra tiền bồi thường dự án.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, nhu cầu của nhà đầu tư và người mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhưng các dự án triển khai chậm. Ông Đức yêu cầu các sở Xây dựng, KH-ĐT, TN-MT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa; có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn địa phương hoàn thành các thủ tục pháp lý để trong năm nay khởi công ít nhất 3 đến 5 dự án. Các dự án ưu tiên là 2 dự án tại TP Biên Hòa và dự án của các công ty Long Thành Riverside, D2D, Kim Oanh, An Hưng Phát.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 28/6: Giao dịch qua sàn là cơ sở để xác định giá đất đúng