Tin bất động sản ngày 5/5: TP HCM đề xuất thí điểm đổi đất nông nghiệp lấy đất ở
Tin bất động sản ngày 4/5: Thu hồi dự án King Palace của Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt Tin bất động sản ngày 3/5: Công trình condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu |
TP HCM đề xuất thí điểm đổi đất nông nghiệp lấy đất ở
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đề xuất thí điểm đổi đất nông nghiệp lấy đất ở tại dự thảo đề án thí điểm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bằng phương thức hoán đổi đất ở hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội TP HCM. Sở cũng đã có công văn xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đề án, TP HCM xin trung ương cho phép thực hiện thí điểm trước 3 dự án lớn tại TP Thủ Đức gồm: dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, dự án Công viên khoa học và công nghệ TP HCM và dự án Khu công viên - hồ điều tiết - khu dân cư Tam Phú.
Cả 3 dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường đều đề xuất tỷ lệ hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng là 10%, 12% và 15%, nghĩa là 1.000 m2 đất nông nghiệp, người dân được hoán đổi 100 - 150 m2 đất ở đã hoàn chỉnh hạ tầng. Các tỷ lệ quy đổi này sẽ tương ứng với diện tích xây dựng khu tái định cư của 3 dự án lần lượt là hơn 32 ha, 38 ha và 46 ha.
Nếu được chấp thuận, trước mắt thành phố sẽ áp dụng thí điểm tại các dự án trọng điểm như: thu hồi đất dọc hai bên các tuyến đường vành đai, cao tốc, tạo quỹ đất đấu giá phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, TP HCM đã áp dụng thành công phương thức hoán đổi tỷ lệ bồi thường 7 - 15% ở hàng loạt dự án.
Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, việc hoán đổi này đã được thành phố thực hiện 15 năm về trước, khó áp dụng ở thời điểm hiện tại, do đó cần nâng tỷ lệ hoán đổi lên 25 - 26% và người dân không phải bù lại tiền đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp
Quảng Ngãi tìm nhà đầu tư Khu dịch vụ đô thị và du lịch biển hơn 400 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Quyết định số 340/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dịch vụ đô thị và du lịch biển Hàng Dương, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi.
Mục tiêu của dự án nhằm đầu tư xây dựng khu hỗn hợp đô thị - thương mại dịch vụ - du lịch đa chức năng với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; kết nối hệ thống hạ tầng cho khu vực và tạo cảnh quan kiến trúc, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững với các quy hoạch; làm cơ sở cho việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở thương mại, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Dự án Khu dịch vụ đô thị và du lịch biển Hàng Dương có diện tích khoảng 22.481 m2. Trong đó, có 4.376 m2 đất xây dựng nhà ở thương mại liền kề để bán; 4.257 m2 đất xây dựng biệt thự du lịch để cho thuê; 4.041 m2 đất khu khách sạn (cao 20 tầng);…
Dự án Khu dịch vụ đô thị và du lịch biển Hàng Dương có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 439 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư ít nhất chiếm tỷ lệ 20% vốn đầu tư dự án.
UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Khánh Hòa chuyển hơn 3.500 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp
Mới đây, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký văn bản phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh và huyện Cam Lâm.
Theo quyết định được phê duyệt, tổng diện tích tự nhiên của huyện Cam Lâm là 54.708 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 46.000 ha, đất phi nông nghiệp trên 7.140 ha.
Theo kế hoạch thu hồi đất của huyện Cam Lâm sẽ có khoảng 249 ha đất nông nghiệp và 15 ha đất phi nông nghiệp trong năm 2023 được thu hồi. Huyện này cũng có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp năm 2023 là 559 ha. Đồng thời đưa 48,32 ha đất nông nghiệp và 22,34 ha đất phi nông nghiệp chưa sử dụng vào sử dụng trong năm 2023.
Huyện Cam Lâm hiện nay vẫn đang đợi Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Phía Bắc Khánh Hòa, thị xã Ninh Hòa (khu vực Nam Vân Phong) có tổng diện tích 116.512 ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 92.668 ha; đất phi nông nghiệp 18.352 ha và 5.491 ha đất chưa sử dụng.
Thị xã Ninh Hòa có 40.000 ha thuộc đất khu kinh tế (8.941 ha đất liền và hơn 31.058 ha mặt biển), đất đô thị 8.941 ha, đất khu thị 868 ha, khu phát triển công nghiệp 301 ha, khu dân cư nông thôn 2.382 ha, khu đô thị - thương mại - dịch vụ 173 ha… Ninh Hòa sẽ chuyển đổi 2.633 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện Vạn Ninh (khu vực Bắc Vân Phong) có khoảng 56.207 ha; trong đó, đất nông nghiệp hơn 45.673ha, đất phi nông nghiệp hơn 5.074ha, đất chưa sử dụng khoảng 5.460ha.
Trong năm này, huyện Vạn Ninh có khoảng hơn 303 ha bị thu hồi; chuyển mục đích sử dụng đất trong năm là 429 ha đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp; đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng trong năm gần 12,48ha đất phi nông nghiệp.
Quảng Nam đầu tư khu tái định cư cho dự án Liên kết vùng miền Trung
Vừa qua, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang có văn bản yêu cầu huyện Tiên Phước và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp để đầu tư xây dựng các Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án Liên kết vùng miền Trung.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, tỉnh Quảng Nam giao huyện Tiên Phước chủ động làm việc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông để bố trí kinh phí từ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án Liên kết vùng miền Trung. Đồng thời, thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng các khu tái định cư, điểm tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án đoạn qua huyện Tiên Phước.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông có trách nhiệm chuyển nguồn kinh phí cho huyện Tiên Phước thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo tiến độ.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Liên kết vùng miền Trung, với tổng mức đầu tư quy đổi 768,074 tỷ đồng.
Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam sử dụng vốn vay ODA do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 32,924 triệu USD.
Tuy nhiên, do phát sinh chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, thay đổi cách xác định chi phí, điều chỉnh lại độ dài các đoạn tuyến, UBND tỉnh đã trình các bộ, ngành thẩm định, tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 06/10/2017 với tổng mức đầu tư 34,514 triệu USD. Quy mô đầu tư 31,854 km đường giao thông, gồm 2 hợp phần.
Việc đầu tư dự án sẽ tạo trục đường ngang kết nối liên vùng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 5/5: TP HCM đề xuất thí điểm đổi đất nông nghiệp lấy đất ở