Tin bất động sản ngày 5/7: Hà Nội sẽ giải quyết 712 dự án chậm triển khai
Tin bất động sản ngày 4/7: Phú Yên lên kế hoạch triển khai gần 20.000 căn nhà ở xã hội Tin bất động sản ngày 3/7: Bắc Giang sắp có "siêu dự án" đô thị sân golf hơn 6.000 tỷ đồng |
Hà Nội sẽ giải quyết 712 dự án chậm triển khai
Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2023, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, việc xử lý các dự án chậm triển khai đã được thành phố thực hiện từ năm 2011, đã “vắt qua” 3 nhiệm kỳ và tới nhiệm này thành phố chỉ đạo rất sát sao.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Sau 1 năm triển khai, số liệu xử lý các dự án chậm triển khai cho thấy rất tích cực. Trong tổng số danh mục báo cáo rà soát có 712 dự án chậm triển khai, đến nay có 66 dự án UBND TP có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc Sở KH&ĐT đã chấm dứt, dừng thực hiện dự án; 60 dự án đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến hoàn thiện trong tháng 7. Còn 293 dự án tiếp tục phương án xử lý trong năm 2023.
“Như vậy, chúng ta đã giảm 419 dự án so với danh sách ban đầu đã có rà soát, xử lý, thúc đẩy, hỗ trợ. Như vậy chỉ còn khoảng 41,2% dự án so với tổng số dự án ban đầu”, ông Dũng nhấn mạnh.
UBND thành phố tiếp tục tập trung thực hiện theo hai hướng. Một là tập trung hỗ trợ thủ tục đầu tư cho các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai. Hai là kiên quyết thu hồi, dừng các dự án không đủ điều kiện hoặc vi phạm quy định.
Trước đó, tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì và quận Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tới đây, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thành phố cũng sẽ quyết liệt rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai; tiếp tục kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm.
Đà Nẵng công bố các dự án nhà ở xã hội có nhu cầu vay gói 120.000 tỷ đồng
UBND thành phố Đà Nẵng vừa phát đi Thông báo số 45/TB-UBND về việc thông báo danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhu cầu vay vốn theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Theo đó, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hai dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và một dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân có nhu cầu vay vốn theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án chung cư cho người thu nhập thấp tại khu dân cư An Trung 2 tại đường Ngô Quyền, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.
Dự án này do Liên danh Công ty Cổ phần Đức Mạnh - Công ty Cổ phần ĐT&XD 579 làm chủ đầu với, với quy mô 957 căn hộ và có tổng vốn đầu tư 661 tỷ đồng.
Dự án chung cư cho người thu nhập thấp tại khu dân cư An Trung 2 hiện đã hoàn thành khối nhà C và đang triển khai hai khối nhà A, B và các hạng mục phụ trợ.
Một dự án ở xã hội khác là chung cư cho người có thu nhập thấp tại khu tái định cư Đại Địa Bảo tại đường Dương Lâm, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.
Dự án này do Liên danh Công ty Cổ phần Đức Mạnh - Công ty Cổ phần ĐT&XD 579 làm chủ đầu với, với quy mô 739 căn hộ và có tổng vốn đầu tư 367 tỷ đồng.
Dự án chung cư cho người có thu nhập thấp tại khu tái định cư Đại Địa Bảo hiện đã hoàn thành khối nhà A, B và đang triển khai khối nhà C.
Đối với nhà ở xã hội dành cho công nhân có nhu cầu vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có dự án khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh.
Dự án này do Công ty cổ phần Địa ốc Xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư, với quy mô 1.760 căn hộ và tổng vốn đầu tư 1.018 tỷ đồng.
Dự án khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh hiện đang triển khai các khối nhà E3, E4, B2, khối dịch vụ thể thao.
Nhiều đại gia bất động sản đầu tư dự án nghìn tỷ tại Phú Yên
Những năm gần đây, việc hầm Đèo Cả và hầm đèo Cù Mông thông xe, sân bay Tuy Hòa được nâng cấp, các tuyến đường liên kết với vùng Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng… đã tạo ra cú hích lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Phú Yên.
Gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đã đến tỉnh Phú Yên tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đáng chú ý, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư 4 dự án tại KKT Nam Phú Yên như: dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm; dự án cảng Bãi Gốc; khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại khu công nghiệp Hòa Tâm và dự án Khu thương mại - Dịch vụ.
Tiến độ đầu tư thực hiện dự án là 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất. Riêng dự án Khu thương mại - Dịch vụ triển khai đồng bộ với đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại khu công nghiệp Hòa Tâm và các dự án thứ cấp khác.
Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án trên dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng. Nhu cầu sử dụng lao động (đối với nhà máy thép) khoảng 12.000 người, trong đó lao động địa phương chiếm 80-90%.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, đơn vị sẽ đầu tư các dự án tại Phú Yên bằng 50% vốn tự có và 50% còn lại là vốn vay từ các tổ chức tài chính khác.
"Tập đoàn Hòa Phát mong muốn tỉnh Phú Yên cập nhật đề xuất các dự án của Tập đoàn vào Quy hoạch chung KKT Nam Phú Yên, Quy hoạch tỉnh Phú Yên để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án", lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát nói thêm.
Mới đây, Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) đề xuất với tỉnh Phú Yên xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại với công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm gồm các sản phẩm chủ yếu như polypropylen, benzen, xăng RON 92, xăng RON 95...
Tổng mức đầu tư thực hiện dự án này dự kiến khoảng 5 tỷ USD. Diện tích sử dụng đất là 500ha và diện tích mặt nước khoảng 500ha.
Trong giai đoạn vận hành, dự án tổ hợp lọc hóa dầu sẽ cần khoảng 1.200 lao động trực tiếp và tạo công ăn việc làm gián tiếp cho khoảng 5.000 người và hàng trăm dịch vụ phân phối sản phẩm. Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ nộp ngân sách cho địa phương khoảng 20.000 tỷ đồng…
Vĩnh Phúc cưỡng chế thực hiện dự án xây dựng Khu công nghiệp Bình Xuyên
Sáng 4/7/2023, lực lượng chức năng huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã tiến hành cưỡng chế quyết định thu hồi đất của 4 hộ gia đình tại xã Sơn Lôi để thực hiện dự án xây dựng Khu công nghiệp Bình Xuyên (đợt 21).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể: Ngày 19/6/2023, UBND huyện Bình Xuyên đã ban hành Quyết định số 1656/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất với ông Nguyễn Văn Lười và bà Nguyễn Thị Nhàn đang sử dụng thửa đất số 2302, diện tích 341,1m2; thửa đất số 2772, diện tích 588,6m2; thửa đất số 2811, diện tích số 450,1m2.
Quyết định số 1657/QĐ-UBND, ngày 19/6/2023 của UBND huyện Bình Xuyên về việc cưỡng chế thu hồi đất với hộ ông Nguyễn Văn Đường và bà Nguyễn Thị Bảy đang sử dụng thửa đất số 2206, diện tích 283,9m2; thửa đất số 2216, diện tích 120,1m2; thửa đất số 2643 -1, diện tích 148m2, diện tích thu hồi 38,3m2; thửa đất số 471, diện tích 217,6m2.
Quyết định số 1658/QĐ-UBND, ngày 19/6/2023 của UBND huyện Bình Xuyên về việc cưỡng chế thu hồi đất với hộ ông Nguyễn Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Hòa đang sử dụng thửa đất số 2898, diện tích 202,7m2; thửa đất số 2704 -3, diện tích 108,5m2; thửa đất số 1172, diện tích 347,6m2.
Quyết định số 1655/QĐ-UBND, ngày 19/6/2023 của UBND huyện Bình Xuyên về việc cưỡng chế thu hồi đất với hộ ông Nguyễn Văn Mão và bà Phan Thị Minh, đang sử dụng các thửa đất số 214, diện tích 125m2; thửa đất số 238, diện tích 353m2; thửa đất số 675, diện tích 254,8m2.
Khu công nghiệp Bình Xuyên là dự án Nhà nước thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng. Năm 2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép huyện Bình Xuyên triển khai thực hiện dự án có diện tích 286,98ha, trong đó đất công nghiệp chiếm 211,64ha, còn lại là hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng phục vụ các doanh nghiệp.
Ngay sau khi đọc Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 4 hộ gia đình, Ban thực hiện cưỡng chế của huyện Bình Xuyên cùng chủ đầu tư đã huy động máy móc tiến hành san gạt, giải phóng mặt bằng và thi công dự án. Quá trình cưỡng chế diễn ra theo đúng trình tự và đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 5/7: Hà Nội sẽ giải quyết 712 dự án chậm triển khai