Tin bất động sản ngày 7/4: Thái Bình mời đầu tư Khu đô thị mới gần 8.000 tỷ đồng
Tin bất động sản ngày 6/4: Đà Nẵng hủy kết quả trúng đấu giá khu đất hơn 2.900m2 Tin bất động sản ngày 5/4: Lâm Đồng gia hạn tiến độ cho loạt dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng |
Thái Bình mời đầu tư Khu đô thị mới gần 8.000 tỷ đồng
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình đã phát thông báo mời gọi đầu tư đối với dự án Khu đô thị mới tại xã Tân Bình và phường Tiền Phong, TP Thái Bình.
Ảnh minh họa |
Dự án thuộc xã Tân Bình và phường Tiền Phong, TP Thái Bình với ranh giới như sau: Phía Bắc giáp tuyến tránh S1, phía Nam giáp đất dân cư hiện có, phía Đông giáp đường Trần Quang Khải, phía Tây giáp sông Bạch và nghĩa trang phường Tiền Phong.
Dự án có diện tích khoảng 125,4 ha. Hiện trạng chủ yếu là đất nông nghiệp, đất giao thông, thủy lợi nội đồng và một số loại đất khác chưa giải phóng mặt bằng. Quy mô dân số 11.480 người. Mật độ xây dựng toàn khu là 26%.
Về số lượng các loại nhà ở, công trình nhà ở thấp tầng là 1.543 căn, trong đó có 245 căn nhà biệt thự, 1.298 căn nhà ở liên kế. Công trình chung cư nhà ở xã hội có tổng diện tích đất gần 5,2 ha, chiều cao 5 tầng, mật độ xây dựng 40- 60%.
Còn lại là nhà ở tại công trình hỗn hợp, chiếm tổng diện tích đất gần 21 ha, chiều cao 5 tầng, mật độ xây dựng 40 - 60%, chiều cao 5 tầng, trong đó tầng 3- 5 là căn hộ để ở.
Sơ bộ tổng đầu tư dự án là hơn 7.960 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng công trình hỗn hợp là hơn 3.100 tỷ đồng, chi phí xây dựng công trình thương mại hơn 1.400 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính 887 tỷ đồng... Nguồn vốn đầu tư từ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác của nhà đầu tư.
Kể từ ngày UBND có quyết định giao đất, doanh nghiệp sẽ có 48 tháng để xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật; 72 tháng để xây dựng công trình nhà ở thấp tầng, nhà ở xã hội, nhà ở cao tầng và công trình thương mại dịch vụ; 72 tháng để đưa công trình thương mại dịch vụ đi vào hoạt động.
Thời gian kinh doanh và hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà và tài sản khác, gắn liền với đất cho người mua được kéo dài thêm 18 tháng so với tiến độ xây dựng các công trình.
Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có diện tích hơn 1.250 héc ta, khi hoàn thành sẽ làm thay đổi bộ mặt của thành phố Cam Ranh.
Được biết, dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa rộng 1.254 héc ta, hơn 230 ngàn người, thuộc địa phận 10 xã, phường nằm ven vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh. Dự án gồm 8.500 căn nhà liền kề, hơn 10.000 biệt thự, gần 20.000 căn nhà ở xã hội.
Tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027. Mục tiêu của Dự án là xây dựng khu đô thị mới đồng bộ, gồm khu nhà ở, công trình công cộng, trường học, y tế, chợ, trung tâm thương mại, công trình nghỉ dưỡng, sân golf, công viên chuyên đề.
Dự án hoàn thành góp phần đưa quỹ đất khu vực này vào khai thác có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực vịnh Cam Ranh phát triển. Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm về các nội dung, thông tin số liệu của dự án; tổ chức đấu thầu; chọn nhà đầu tư đủ năng lực, điều kiện thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án kéo dài 25km dọc bờ Tây vịnh Cam Ranh. Tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch, triển khai các thủ tục để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
“Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh mới được phê duyệt. Yêu cầu phải chọn được nhà thầu để bắt tay vào triển khai. Dự tính cuối năm 2023 phải khởi công, 4 năm nữa, bộ mặt thành phố Cam Ranh sẽ rất khác. 1.200 héc ta không phải là nhỏ, chiều dài lên đến 25km, đây là dải đô thị giúp cho Khánh Hòa phát triển trong thời gian ngắn nhất” - ông Tuân nhấn mạnh./.
TP HCM: Đề xuất xây dựng 5 nhà vệ sinh công cộng tại quận 1
Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP HCM vừa có văn bản gửi UBND thành phố về đề xuất đầu tư khu nhà vệ sinh công cộng tạm thời trên các khu đất trống chưa thực hiện dự án của UBND quận 1.
Theo văn bản, vào tháng 3/2023, UBND quận 1 có đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục, phát triển nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận và cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh mới để Sở TNMT xem xét, trình UBND thành phố.
Qua rà soát, Sở TNMT ủng hộ đề xuất của UBND quận 1 trong việc sử dụng các khu đất trống chưa thực hiện dự án trên địa bàn quận để đầu tư xây dựng các khu nhà vệ sinh công cộng tạm thời, phục vụ người dân và khách du lịch.
Cụ thể, các khu đất được đề xuất xây dựng nhà vệ sinh gồm: Khu đất dự án Thương xá Tax tại số 135 Nguyễn Huệ, khu đất dự án mở rộng khách sạn Majestic tại số 2-4-6 Nguyễn Huệ, đất dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, khu đất dự án tại số 8 Nguyễn Trung Trực và khu đất dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
“ Hiện tại, khu đất số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé và số 2-4-6 Hai Bà Trưng do Trung tâm phát triển quỹ đất (đơn vị trực thuộc Sở TNMT quản lý) có thể bàn giao ngay cho UBND quận 1 để thực hiện đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng tạm thời. Đối với các vị trí còn lại, đề nghị UBND quận 1 chủ động làm việc với chủ dự án để xác định vị trí cụ thể thực hiện đầu tư, xây mới”, văn bản của Sở TNMT nêu rõ.
TP HCM có dân số hơn 13 triệu người, tuy nhiên toàn thành phố chỉ có hơn 250 nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, quận 1 chỉ có vỏn vẹn 18 khu vệ sinh công cộng đang hoạt động tại các công viên, chợ, trạm xe buýt và khu dân cư. Nhiều nhà vệ sinh công cộng được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM cũng đã đề nghị các đơn vị liên quan triển khai và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng tại thành phố. Các khu vực trung tâm, công viên được lãnh đạo TP HCM yêu cầu xây dựng nhà vệ sinh công cộng ngay. Nhiều mẫu nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng đã được các đơn vị liên quan đề xuất.
Vĩnh Phúc sắp có khu công nghiệp gần 2.000 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vừa có thông báo mời gọi các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Yên.
Ảnh minh họa |
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư hơn 530 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, Dự án Khu công nghiệp Phúc Yên có tổng diện tích hơn 100 ha nằm trên địa bàn phường Phúc Thắng và phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm, kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư.
Tiến độ đầu tư không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất, cho thuê đất. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trước 16h30, ngày 25/4/2023.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Yên được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 124, ngày 24/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức xây dựng phương án và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư, đất đai và các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm để dự án được triển khai hiệu quả.
Vĩnh Phúc đang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển các khu công nghiệp. Với vị thế thuận lợi cùng nguồn nhân lực dồi dào, các khu công nghiệp Vĩnh Phúc thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 16 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký: Hơn 17.500 tỷ đồng và hơn 210 triệu USD. Tổng diện tích đất quy hoạch là hơn 3.000 ha trong đó diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch hơn 2.200 ha; diện tích đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê là gần 1.900 ha...
Nguồn: Tin bất động sản ngày 7/4: Thái Bình mời đầu tư Khu đô thị mới gần 8.000 tỷ đồng