Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: 6 tháng đầu năm, 90% số sàn giao dịch đã trở lại hoạt động
Tin bất động sản ngày 23/7: Giá biệt thự nghỉ dưỡng tại Quảng Nam vượt mức 131 tỷ đồng một căn Tin bất động sản ngày 22/7: Quảng Bình kiên quyết thu hồi đất đối với dự án chậm triển khai |
6 tháng đầu năm, 90% số sàn giao dịch BĐS đã trở lại hoạt động
Theo Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) đã dần sôi động, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng lên. Đến nay, có khoảng 90% số sàn giao dịch đã trở lại hoạt động, đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập.
6 tháng đầu năm, 90% số sàn giao dịch BĐS đã trở lại hoạt động |
Bên cạnh số sàn giao dịch BĐS đã trở lại hoạt động như trên, có thêm nhiều sàn mới được thành lập, hoạt động. Hoạt động của các sàn giao dịch BĐS đang từng bước hình thành môi trường minh bạch cho các nhà đầu tư BĐS và đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hóa BĐS nhất là nhà ở, là kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cho cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, việc quy định không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, điều kiện thành lập và điều hành sàn còn đơn giản, chưa quy định cụ thể mô hình, quy trình giao dịch dẫn đến hoạt động của các sàn mang tính tự phát, thiếu ổn định; chưa bảo đảm kiểm soát được thông tin giao dịch bất động sản. Cụ thể, hoạt động của các sàn mang tính tự phát, thiếu ổn định, chưa thành lập được hệ thống các sàn giao dịch.
Chưa đảm bảo kiểm soát được thông tin giao dịch BĐS đặc biệt là các BĐS của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Các sàn giao dịch BĐS hầu như chỉ đóng vai trò làm môi giới, trung gian giữa chủ đầu tư và khách hàng; thiếu vai trò kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý đối với các giao dịch BĐS qua sàn.
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bên cạnh sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để tạo khung pháp lý, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Hiện nay, hệ thống sàn giao dịch bất động sản đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm 2020, cả nước có hơn 1.600 sàn giao dịch bất động sản hoạt động. Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm chỉ còn 20% số sàn duy trì hoạt động. Đến cuối năm 2021, cùng với sự thích nghi, phục hồi, số sàn giao dịch bất động sản duy trì hoạt động đã tăng lên khoảng 40%.
Nửa đầu năm 2022, bất động sản tại TP HCM tăng trưởng âm
Báo cáo của HoREA cho biết, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng, nhất là trên thị trường bất động sản thứ cấp.
Về nguồn cung, thị trường liên tục chứng kiến sự suy giảm theo năm. Nếu lấy mốc năm 2017 - năm thị trường bất động sản bùng nổ nhất, thì những năm tiếp theo thị trường có nguồn cung ngày càng hạn chế.
Cụ thể, năm 2017, TP HCM có 42.991 căn nhà được đưa ra thị trường, đến năm 2018, nguồn cung chỉ có 28.316 căn nhà, bằng 65,8% so với năm 2017. Năm 2019 nguồn cung có 23.046 căn nhà, bằng 53,6% so với năm 2017. Năm 2020 nguồn cung có 16.895 căn nhà, bằng 39,2% so với năm 2017. Năm 2021 nguồn cung có 14.443 căn nhà, bằng 33,6% so với năm 2017. 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung có 9.456 căn nhà, bằng 44 % so với 06 tháng đầu năm 2017.
Về sản phẩm, thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng lệch pha phân khúc khi nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo trong khi nhà ở có giá vừa túi tiền ngày càng vắng bóng. Nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 năm 2020 chỉ chiếm 1%. Sang năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, chỉ có nhà ở cao cấp và nhà ở trung cấp, thị trường không còn nhà ở bình dân (0%).
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, phân khúc căn hộ cao cấp tăng 111,29%, phân khúc căn hộ trung cấp giảm 34,41%, phân khúc căn hộ bình dân bằng 0%
HoREA cho rằng, thị trường cũng đã xuất hiện tình trạng lệch pha phân khúc thị trường, lệch về phân khúc đất nền với số lượng giao dịch đất nền cao hơn 1,54 lần so với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Thanh Hóa lý giải thực trạng hơn 160 dự án chậm tiến độ
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.617 dự án được giao đất. Trong đó: 1.195 dự án được cho thuê đất, 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Hơn 160 dự án tại Thanh Hóa chậm tiến độ |
Qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án (trong đó, có 197 dự án được giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay) đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64, Luật Đất đai năm 2013, (trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay).
Đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng), chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án, có 9 dự án, chủ đầu tư đã khắc phục xong vi phạm.
Lý giải nguyên nhân tồn tại thực trạng trên, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVIII, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự án chậm tiến độ về khách quan là do quy định của pháp luật về việc các tổ chức kinh tế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đã gây rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng.
Về chủ quan, do chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư của các ban, sở, ngành đối với một số dự án còn hạn chế, chưa đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, lựa chọn nhiều nhà đầu tư không có kinh nghiệm, thiếu năng lực triển khai, có những nhà đầu tư không triển khai dự án hoặc còn chờ thời điểm.
Ông Giang khẳng định, tỉnh Thanh Hóa sẽ cương quyết thu hồi đất các dự án đã gia hạn nhiều lần vẫn không thực hiện. Để giải quyết những dự án chậm triển khai, quá hạn tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có việc thành lập tổ công tác rà soát lại các dự án không còn khả năng triển khai.
Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có công văn yêu cầu UBND các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án treo.
Hà Nội: Huyện Mê Linh sắp đấu giá 11.000 m2 đất, dự kiến thu hơn 500 tỷ đồng
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, đơn vị đang tham mưu UBND huyện hoàn thiện các thủ tục để đưa vào đấu giá 106 thửa đất, tại 4 dự án trong tháng 7 và tháng 8, bao gồm: Điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông; điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm; điểm nhỏ lẻ, xen kẹt tại thị trấn Chi Đông và điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm (đợt 2). Tổng diện tích quỹ đất đấu giá khoảng 11.085 m2, dự kiến số tiền thu về hơn 503 tỷ đồng.
Huyện Mê Linh cho biết cả 4 điểm đưa vào đấu giá trong đợt này đều có tiềm năng, bởi hạ tầng hoàn thiện, gần khu công nghiệp Quang Minh, cơ quan hành chính, trường học và nằm trên trục giao thông huyết mạch.
Tại điểm đấu giá X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông có 33 lô có tổng diện tích 3.413 m2, sẽ đưa vào đấu giá cuối tháng 7 này, với giá khởi điểm dao động 32 - 44 triệu đồng/m2; dự kiến giá trúng sẽ tăng khoảng 30%, ước thu ngân sách đạt 38,76 tỷ đồng.
Còn điểm đấu giá X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, gồm 43 thửa, có diện tích 4.023 m2, sẽ được đưa vào đấu giá đầu tháng 8 tới đây, dự kiến mang về nguồn thu ngân sách khoảng 36,86 tỷ đồng.
Năm 2022, UBND TP Hà Nội giao huyện Mê Linh chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất 280 tỷ đồng. Chỉ tiêu này do HĐND huyện giao là 800 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm phát triển quỹ đất được giao thu 720 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện chủ đầu tư một dự án tại điểm X7 Quang Minh để thu 80 tỷ đồng.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết địa phương đã thành lập Tổ đánh giá lựa chọn tổ chức đấu giá; rút ngắn thời gian nộp tiền sau khi trúng đấu giá xuống 60 ngày (giảm 1/3 thời gian so với năm trước).
6 tháng đầu năm 2022, huyện Mê Linh tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại 14 dự án với diện tích 21,3 ha, tương ứng với 746 ô đất.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã tổ chức đấu giá với số tiền trúng đấu giá là 273 tỷ đồng, (đạt 97,5 % chỉ tiêu cả năm 2022 HĐND thành phố giao và đạt 34,1% kế hoạch HĐND huyện giao).
Huyện Mê Linh đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu giá đối với 2,36 ha liên quan đến 139 hộ dân tại các xã Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng, Tiền Phong và thị trấn Quang Minh. Địa phương phấn đấu tổ chức thành công đấu giá 6 dự án với diện tích 3 ha, số tiền trúng đấu giá dự kiến khoảng 565 tỷ đồng.
Lâm Đồng điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Khu du lịch Lan Anh - Đà Lạt
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản số 5165/UBND - VX2 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, Ban quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm về việc chủ trương điều chỉnh tiến độ dự án Khu du lịch Lan Anh - Đà Lạt của Công ty CP đầu tư Lan Anh Đà Lạt.
Lâm Đồng điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Khu du lịch Lan Anh - Đà Lạt |
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Khu du lịch Lan Anh - Đà Lạt, của Công ty CP đầu tư Lan Anh Đà Lạt đến ngày 28/3/2024, để phù hợp với thời gian gia hạn đưa đất vào sử dụng theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản ngày 27/6.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Công ty CP đầu tư Lan Anh Đà Lạt ký quỹ thực hiện dự án, cam kết hoàn thành tiến độ dự án và rà soát, thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án theo đúng quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra việc nhà đầu tư chuyển nhượng một số căn biệt thự tại dự án cho các cá nhân khác; đối chiếu mục tiêu đầu tư của dự án và các quy định pháp luật có liên quan để xử lý theo quy định, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 10/8.
UBND tỉnh giao Cục Thuế tỉnh tiếp tục rà soát, yêu cầu Công ty CP đầu tư Lan Anh Đà Lạt hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.
Đối với Công ty CP đầu tư Lan Anh Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu có văn bản cam kết tiến độ triển khai dự án Khu du lịch Lan Anh Đà Lạt phù hợp với tiến độ đầu tư, điều chỉnh dự án, liên hệ cơ quan chức năng để thực hiện ký quỹ dự án trong vòng 30 ngày.
Công ty CP đầu tư Lan Anh Đà Lạt phải liên hệ cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục liên quan của dự án theo quy định, tập trung nguồn lực triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết và quy định của pháp luật hiện hành, đưa dự án vào hoạt động đúng mục tiêu, không hình thành đơn vị ở tại dự án, không chuyển nhượng dự án trong thời gian được gia hạn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Nguồn: Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: 6 tháng đầu năm, 90% số sàn giao dịch đã trở lại hoạt động