Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Đề xuất bỏ quy định phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội
Đề xuất bỏ quy định phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội
Trả lời cử tri kiến nghị liên quan đến quỹ đất 20% nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, hiện đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển loại hình nhà ở này.
Đề xuất bỏ quy định phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thay vào đó, Bộ yêu cầu bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Theo các chuyên gia, các dự án nhà ở thương mại (khu đô thị, khu nhà ở) rất đa dạng về phân khúc thị trường từ cao cấp đến bình dân; về quy mô diện tích từ dưới 1ha đến vài chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha. Do vậy, cần có cơ chế phù hợp để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ dành một phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến vấn đề quỹ đất 20% nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều kiến nghị liên quan đến mô hình dự án nhà ở xã hội tập trung (dự án nhà ở xã hội độc lập, quy mô lớn) sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình Dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án, nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp.
Theo đó, HoREA kiến nghị, nếu có cơ chế chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20% sẽ vừa sát với thực tiễn, vừa có được quỹ nhà ở xã hội nhiều hơn với giá thành hợp lý hơn, phù hợp hơn với khả năng tài chính của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Xem xét việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại Phiên họp thứ 18 sắp diễn ra sẽ xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan…
Theo dự kiến, Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 13/12/2022. Tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung quan trọng. Theo đó:
Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến và xem xét thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; Xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Liên quan đến các vấn đề quan trọng khác, tại Phiên họp, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; Xem xét, quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Xem xét, thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; Xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Ngoài ra, tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022).
Hải Phòng sắp đấu giá khu đất hơn 9.000m2 gần sân bay Cát Bi
Theo đó, Khu đất đấu giá làm Dự án đầu tư xây dựng toà nhà đa chức năng tại lô 4/10A khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng có diện tích hơn 9.000m2.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hải Phòng vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hải Phòng.
Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng toà nhà đa chức năng (chung cư và thương mại dịch vụ) tại lô 4/10A khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng.
Tổng diện tích mảnh đất là 9.165m2. Giá khởi điểm của cả khu đất là hơn 629,84 tỉ đồng; tiền đặt trước hơn 125,96 tỉ đồng.
Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ tham gia đấu giá từ ngày 5/12 đến hết ngày 7/12/2022 (trong giờ hành chính) tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hải Phòng.
Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá từ 8h30 ngày 29/12 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hải Phòng.
Đề xuất cho vay ưu đãi người mua nhà ở giá dưới 1,8 tỷ đồng
Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) vừa đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách cho người mua nhà dưới 1,8 tỷ đồng để ở được vay với lãi suất hợp lý.
Cụ thể, văn bản này của HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung nội dung giải quyết một số khó khăn cấp bách của thị trường BĐS tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ II.
Theo đó, để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án BĐS, nhà ở (M&A) và để xử lý các dự án BĐS, nhà ở bị "đắp chiếu" do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai xem xét, cho phép các doanh nghiệp BĐS chuyển nhượng dự án BĐS được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội khóa 14 "Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng" cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS khi dự án đã "có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn.
Theo HoREA, trong các năm qua, hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.
Về giải pháp trung hạn, dài hạn, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tập trung nỗ lực thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW với mục tiêu cụ thể, đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
VSIP muốn đầu tư khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ 325 triệu USD tại Hà Tĩnh
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán nước Cộng hòa Singapore tại Việt Nam về lĩnh vực đầu tư và các hoạt động hợp tác.
VSIP muốn đầu tư khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ 325 triệu USD tại Hà Tĩnh/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đến nay, Hà Tĩnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án của Singapore để thực hiện dự án bến cảng số 5, 6 - thuộc hệ thống quy hoạch cảng Vũng Áng, vốn đầu tư khoảng 93,9 triệu USD.
Ngoài ra, Tập đoàn VSIP đang nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại huyện Thạch Hà với tổng diện tích khoảng 603 ha, tổng mức đầu tư khoảng 325 triệu USD.
Singapore mong muốn nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh trong việc đầu tư khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP tại Hà Tĩnh.
Về phía tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị phía đại sứ quán quan tâm, hỗ trợ, kết nối để Tập đoàn VSIP sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Hà Tĩnh hiện nay có hai khu kinh tế trọng điểm quốc gia là Vũng Áng và Cầu Treo, ba khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp; KKT Vũng Áng từng bước phát triển trở thành trung tâm động lực tăng trưởng.
Trong năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án, trong đó 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 5.000 tỉ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 278 triệu USD.
Đến nay, tỉnh đã thu hút được gần 1.400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 137.000 tỷ đồng; 68 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD cùng loạt các nhà đầu tư lớn vào khảo sát, tìm kiếm cơ hội và đề xuất đầu tư như Vingroup, Sun Group, T&T, Ecopark, VSIP...
Hiện nay, VSIP đã xây dựng 11 khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương (có ba khu công nghiệp), Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi...
Tổng diện tích các khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam trên 10.000 ha, thu hút được 880 nhà đầu tư đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nguồn: Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Đề xuất bỏ quy định phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội