Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Sẽ đánh thuế dự án bỏ hoang
Bộ trưởng Bộ TN&MT: Sẽ đánh thuế dự án bỏ hoang
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đất đai hiện nay bỏ hoang hóa rất nhiều do dự án treo, đất nông nghiệp không đưa vào sử dụng, thậm chí đất khu biệt thự, bất động sản mua nhưng dưới dạng là đầu tư vào đấy như một tài sản để chờ thị trường giá tăng lên.
|
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm: “Chúng tôi sẽ không đánh thuế vào nhiều nhà, nhưng đánh vào hạn mức sử dụng và nhiều đất đai nhưng không sử dụng. Như ở Mỹ, nếu có 5 nhà, cho thuê cả 5 và đều đóng thuế kinh doanh thì không đóng thuế chồng thuế nữa. Còn nếu nhà bỏ hoang thì sẽ bị đánh thuế rất cao là thuế không sử dụng. Như ở Anh, nếu nhà không phát sinh tiền điện nước, không có đóng góp gì cho Nhà nước, được gọi là lãng phí, thì phải đánh thuế cao. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ học tập các nước như vậy. Về các loại đất, thì đất nào không sử dụng cũng lãng phí. Về đất nông nghiệp hiện nay thuế bằng không, theo quy định của Quốc hội, nhưng nếu không sử dụng sẽ bị cộng hệ số”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, việc “ôm đất” bỏ hoang chính là có những doanh nghiệp xí phần các dự án có quy mô diện tích lớn nhưng không triển khai. Điều này đã dẫn đến lãng phí nguồn lực, đất đai không thể trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo quy định, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.
Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Dự báo thị trường bất động sản có khoảng 800 ngàn tỷ đồng từ nay đến cuối năm
Chia sẻ tại “Diễn đàn bất động sản: Những vùng đất tiềm năng", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng nếu như từ nay đến cuối năm thuận lợi thì tổng lượng vốn tung ra cho thị trường bất động sản sẽ rơi vào khoảng 800.000 tỷ đồng.
Theo ông Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản đang bị điều chỉnh giảm và đây cũng là thời điểm vàng để chấn chỉnh thị trường. Bởi trong hai năm vừa qua có hiện tượng, nhà nhà người người đầu tư đất đai, điều này rất nguy hiểm cho nền kinh tế.
Theo chuyên gia, thời gian vừa qua, có ít nhất 4 dòng vốn vào bất động sản. Thứ nhất, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái, cao hơn mức tăng tín dụng 9,35% chung toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản hiện chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%). Còn lại là tín dụng cho vay mua nhà ở.
Thứ hai là vốn tư nhân (vốn góp) với khoảng 60.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2022).
Thứ ba là vốn FDI với hơn 3,21 tỷ USD tính đến ngày 20/7.
Và cuối cùng là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng lượng phát hành 7 tháng qua.
“Theo thống kê của chúng tôi, tổng lượng vốn tung ra cho thị trường bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 420.000 tỷ đồng và nếu như từ nay đến cuối năm thuận lợi thì con số cả năm sẽ rơi vào khoảng 800.000 tỷ. Đây là một con số không hề nhỏ so với toàn bộ lượng vốn đầu tư cho nền kinh tế”, vị này cho biết.
Ông Lực cho biết thêm, dòng vốn đang tồn đọng trong thị trường bất động sản hiện nay tương đối lớn, tức là doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau. Cụ thể, có khoảng 30 - 40% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau. Trước đây họ gia hạn cho nhau 45 ngày nhưng hiện nay đã lên tới 90 ngày. Do đó, vòng quay tiền chậm đi và đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.
Hà Nội: Nhiều dự án bỏ hoang nhưng vẫn chưa bị thu hồi
Cụ thể trên địa bàn TP Hà Nội: Dự án khu nhà ở Văn La, tại phường Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội) của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị & KCN Sông Đà (Sudico). Dự án được giao đất từ năm 2007 dự kiến trở thành khu nhà ở Văn La, gồm 2 toà chung cư cao tầng, khu biệt thự, liền kề và khu công trình công cộng khác. Điều đáng nói đến nay, sau khoảng 15 năm, vẫn chưa triển khai.
Dự án chợ Xuân La, nằm tại phường Xuân La, quận Tây Hồ vẫn đang quây tôn/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La (gọi tắt là Dự án chợ Xuân La, nằm tại phường Xuân La, quận Tây Hồ) chậm tiến độ hơn 10 năm. Dự án này thuộc quy hoạch phân khu A6 của TP Hà Nội, phía đông tiếp giáp ngõ 28 Xuân La, phía Tây Nam giáp mặt đường Xuân La. Dự án có diện tích 2.065m2, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 380 tỷ đồng.
Năm 2008, Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng trúng thầu để trở thành nhà đầu tư dự án này. Giá trúng thầu dự án là 16 triệu đồng/m2; tổng giá trị trúng thầu là 46,04 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị trúng thầu phải nộp tiền sử dụng đất tạm tính theo diện tích 2.065m2 là 33,04 tỷ đồng; hoàn trả ngân sách đầu tư xây dựng chợ Xuân La là 2 tỷ đồng và cam kết hỗ trợ ngân sách địa phương là 11 tỷ đồng.
Đến nay, sau hàng chục năm, dự án vẫn "treo" chưa thực hiện, hiện trạng khu đất được rào tôn.
Tại một báo cáo mới đây, UBND Tp.Hà Nội cho biết, hiện Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng mới nộp 2 tỷ đồng tiền hoàn trả ngân sách và 11 tỷ đồng hỗ trợ ngân sách địa phương.
Trong khi đó, tại khu đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Long Giang cùng chung cảnh ngộ, không khá hơn mặc dù máy móc đã được bố trí sẵn. Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2, thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) được UBND Thành phố Hà Nội giao đất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Long Giang (Tập đoàn Long Giang) vào ngày 8/11/2011.
Dự án này chậm tiến độ tới 66 tháng, tức hơn 5 năm. Năm 2019, dự án này đã được Hà Nội gia hạn 24 tháng (theo Quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 9/8/2019). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
Bình Dương tăng cường kiểm tra, quản lý, xử lý các dự án BĐS “bán lúa non”
Sở Xây dựng Bình Dương đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phối hợp kiểm tra, rà soát xử lý các hành vi vi phạm.
Trước thực trạng nhiều dự án BĐS ở Bình Dương “bán lúa non” khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, Sở Xây dựng Bình Dương đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phối hợp kiểm tra, rà soát xử lý các hành vi vi phạm.
Sở Xây dựng Bình Dương giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra hoạt động môi giới BĐS trên địa bàn, kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý ngay từ đầu các tổ chức, cá nhân có hành vi chuyển nhượng, rao bán, quảng bá sản phẩm các dự án khi chưa đủ điều kiện pháp luật về đất đai, kinh doanh BĐS cho phép.
Địa phương cập nhật các dự án BĐS đủ điều kiện huy động vốn, đủ điều kiện chuyển nhượng đã được Sở Xây dựng công bố, đăng tải trên website của Sở để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng nhằm tránh rủi ro, hệ lụy pháp lý về sau.
Với những phản ánh từ các cơ quan báo chí, người dân liên quan đến hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tụ tập rao bán nhà, đất, căn hộ đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn, địa phương phải kịp thời thu thập thông tin và có biện pháp can thiệp, ngăn chặn, tránh phát sinh các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, địa phương tổ chức cắm "biển báo" và bảo vệ "biển báo" tại vị trí khu đất dự án BĐS chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn để kịp thời cảnh báo người dân.
Sở Xây dựng cũng đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính rà soát, đánh giá hồ sơ pháp lí các dự án BĐS để đề xuất kiến nghị thu hồi các dự án nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, hoặc điều chỉnh quy mô diện tích của dự án do vướng đề bù giải tỏa và các giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án...
Trà Vinh có gần 1.000 căn nhà xã hội cho người thu nhập thấp
Sáng 20/8/2022, Tập đoàn Hoàng Quân đã khánh thành giai đoạn 1 khu đô thị nhà ở xã hội Trà Vinh tại số 50 Chu Văn An, Phường 4, TP Trà Vinh.
Dự án chợ Xuân La, nằm tại phường Xuân La, quận Tây Hồ vẫn đang quây tôn/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Dự án Khu đô thị mới Trà Vinh được thực hiện dựa theo Quyết định số 3071/QĐ-UBND của UBND tỷnh Trà Vinh ký ban hành ngày 03/08/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở xã hội tại Khu tái định cư, dân cư và dịch vụ thương mại phường 4, TP Trà Vinh, tỷnh Trà Vinh; Giấy phép xây dựng số 21/GPXD được cấp ngày 14/09/2017 bởi Sở Xây dựng tỷnh Trà Vinh; Quyết định số 1483/UBND-CNXD ngày 21/04/2017 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 14/06/2017 của UBND tỷnh Trà Vinh về việc giao 176.749,9 m2 đất thuộc Phường 4, Tp. Trà Vinh cho Công ty Cổ phần TV-TM-DV Địa ốc Hoàng Quân.
Quyết định số 3794/QĐ - UBND của UBND TP Trà Vinh ngày 19/9/2018 về phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 về số lượng NOXH và NOTM, đất công trình công cộng, dịch vụ.
Tại sự kiện khánh thành, Chủ đầu tư này cũng khởi công công trình trường mẫu giáo Hoàng Lan và mở bán Trung tâm thương mại chợ mới Trà Vinh.
Theo chiến lược phát triển Nhà ở xã hội và Nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững luôn là mục tiêu quan trọng. Hưởng ứng triển khai định hướng này của Chính phủ.
Mới đây, tại "Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp", nhiều "ông lớn" BĐS đã cam kết sẽ xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong những năm tới.
Nguồn: Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Sẽ đánh thuế dự án bỏ hoang