Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tín dụng bất động sản tăng trưởng trên 24%
Tin bất động sản ngày 10/2: Môi giới kiểu “chụp giật”, đầu cơ diễn ra phổ biến Tin bất động sản ngày 8/2: Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng Luật Thuế bất động sản |
Năm 2022, tín dụng bất động sản tăng trưởng trên 24%
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không có chỉ đạo siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, mà là kiểm soát chặt chẽ rủi ro ở một số phân khúc có tỷ lệ rủi ro cao trong bất động sản, doanh nghiệp có tính chất đầu cơ, có thể gây ra tình trạng bong bóng hay đóng băng thị trường bất động sản.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, tín dụng bất động sản đã tăng trưởng cao trong năm 2022, trên 24,2%. Đến cuối 2022, dư nợ cho vay đạt 2,58 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 5 năm qua.
Tỷ lệ nợ xấu là 1,81%, tăng so với mức 1,67% của năm 2021, do đó cần kiểm soát để đảm bảo an toàn hệ thống. Còn đối với những phân khúc bất động sản ít rủi ro, như bất động sản khu công nghiệp phục vụ mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất, hay dự án phục vụ nhu cầu mua nhà thật đều được các ngân hàng cho biết sẽ cấp vốn như những lĩnh vực khác.
Cũng tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đang thời điểm đầu năm nên không thiếu hạn mức cho vay; lựa chọn cho vay, chính sách tiền tệ linh hoạt, hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi, trong đó có vốn cho bất động sản.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất quan tâm tới việc hướng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở giá rẻ. Mong rằng các doanh nghiệp tích cực tham gia triển khai. Về phía ngân hàng, chúng tôi cũng có giải pháp để khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia vào những lĩnh vực này", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định.
Riêng với đề xuất giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, nhưng khẳng định nếu điều kiện cho phép sẽ cố gắng giảm, không chỉ cho bất động sản mà cả các lĩnh vực khác.
Tập đoàn Xuân Thiện đề xuất đầu tư dự án quy mô 2.500ha ở Ninh Bình
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, đã nhận được văn bản của Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện về việc đề nghị đầu tư dự án tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn và dự án nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long.
Về việc này, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; UBND các huyện: Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện; xem xét, tham mưu đề xuất báo cáo UBND tỉnh.
Theo văn bản của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện gửi UBND tỉnh Ninh Bình, Tập đoàn đề nghị được khảo sát đầu tư dự án tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn với 3 giai đoạn từ năm 2025 - 2040, công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm.
Vị trí khảo sát đầu tư tại vùng ven biển và khu vực biển huyện Kim Sơn. Diện tích khảo sát là 1.500 ha đất liền và 1.000 ha mặt nước; Tổng mức đầu tư dự án được tính toán cụ thể sau khi có kết quả khảo sát. Giá trị khảo sát dự kiến là 300 tỷ đồng.
Qua nghiên cứu, Tập đoàn nhận thấy khu vực biển Kim Sơn đang có quỹ đất phát triển công nghiệp, có vị trí kết nối thuận Lợi với khu vực biển Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (đã được quy hoạch xây dựng KKT Ninh Cơ), nơi có cảng nước sâu và các nhà máy công nghiệp lớn, phù hợp để phát triển ngành công nghiệp dầu khí.
Tập đoàn Xuân Thiện mong muốn được đầu tư Tổ hợp Lọc hóa dầu tại huyện Kim Sơn để tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín phục vụ cho Tổ hợp thép xanh đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước và xuất khẩu.
Phía tập đoàn này cam kết, mọi chi phí khảo sát do Tập đoàn chịu trách nhiệm và không có bất kỳ khiếu nại gì nếu trong trường hợp sau này dự án không được chấp thuận chủ trương đầu tư…
Tập đoàn Xuân Thiện cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình đưa dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Kim Sơn vào quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ để triển khai các bước tiếp theo.
Bình Định: Đất ở đô thị, thương mại và dịch vụ tại Quy Nhơn tăng thêm 2.795ha
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định thông tin, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất TP Quy Nhơn thời kỳ 2021-2030.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, TP Quy Nhơn hiện có tổng diện tích tự nhiên khoảng 28.605 ha. Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 16.036 ha (chiếm 56%); đất phi nông nghiệp khoảng 10.398 ha (chiếm 36,35%); phần còn lại là đất chưa sử dụng khoảng 2.170 ha (chiếm 7,59%).
Theo quy hoạch, đất nông nghiệp tại TP Quy Nhơn chỉ còn 13.855 ha (chiếm 48,44%), giảm khoảng 2.181 ha so với hiện trạng năm 2020. Trong đó, đất lúa giảm 532 ha; đất trồng cây hàng năm khác giảm 345 ha; đất rừng phòng hộ giảm 533 ha đất rừng sản xuất giảm 269 ha; đất nuôi trồng thủy sản giảm 132 ha. Riêng đất nông nghiệp khác tăng nhẹ từ 38 ha lên 68 ha.
Cùng với đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng cũng giảm khoảng 809 ha. Riêng đất phi nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 sẽ tăng 2.991 ha, tức tăng gần 10% so với hiện trạng năm 2020.
Trong khi đó, đất thương mại, dịch vụ và đất ở đô thị ở TP Quy Nhơn sẽ tăng thêm 2.795 ha. Cụ thể, đất thương mại, dịch vụ tăng từ 1.441 ha lên 2.605 ha; đất ở đô thị tăng từ 1.046 ha lên 2.677 ha. Đáng chú ý, đất quốc phòng và đất khu công nghiệp tại TP Quy Nhơn đến năm 2030 lần lượt giảm 74 ha và 315 ha.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư nhiều dự án lớn vào TP Quy Nhơn, tập trung chủ yếu vào lãnh vực thương mại, dịch vụ và bất động sản.
Bình Dương duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023
UBND tỉnh Bình Dương vừa duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho tất cả các nhóm dân cư, đặc biệt là các đối tượng chính sách; phát triển nhà ở theo hướng công trình xanh, hiện đại, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến phát triển đô thị thông minh…
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Bình Dương, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến nay đạt trên 84%, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 31m2 sàn/người, nông thôn đạt 25,6 m2 sàn/người.
Năm 2023, dự kiến diện tích sàn nhà ở thương mại trên địa bàn Bình Dương hoàn thành gần 1,3 triệu m2 sàn nhà ở từ các dự án đang xây dựng, tương đương khoảng 13.537 căn. Nhà ở xã hội phát triển tăng thêm 600.000m2 sàn tương đương 18.000 căn, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển thiết chế công đoàn đang triển khai, đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng. Đồng thời, rà soát quỹ đất nhà ở xã hội tại 33 dự án nhà ở thương mại khoảng 100ha để đôn đốc chủ đầu tư triển khai thực hiện.
Cũng theo mục tiêu của kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10m2 sàn/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh lên 65%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố xuống còn 0,5%. Qua đó, phấn đấu trong năm 2023 đạt 9,2m2 sàn/người; nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ 99,3%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ còn 0,7%.
Khởi công xây dựng Trung tâm thương mại AEON tại Huế
Sáng 11/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự Lễ khởi công xây dựng Trung tâm thương mại AEON tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (thứ 7 từ trái qua) tham dự lễ khởi công sáng 11/2. Ảnh: Võ Thạnh/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đây là Trung tâm thương mại AEON thứ 7 tại Việt Nam và là Trung tâm thương mại AEON đầu tiên tại khu vực miền Trung, góp phần đa dạng hóa các trung tâm mua sắm hàng hoá, dịch vụ của người dân và đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước đến với TP. Huế.
Dự án Trung tâm thương mại nằm trong Khu đô thị mới An Vân Dương, phường An Đông, TP. Huế, khu đô thị mới có tổng diện tích khoảng 1700 ha được quy hoạch để phát triển trung tâm hành chính, dịch vụ thương mại, khu dân cư.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 169,67 triệu USD (tương đương 3,916 nghìn tỷ đồng), dự kiến đi vào hoạt động cuối năm tài chính 2024.
Theo tìm hiểu, đến nay, tại Thừa Thiên Huế có 16 dự án FDI từ Nhật Bản với tổng vốn đăng ký hơn 222,67 triệu USD. Đặc biệt, Dự án Trung tâm thương mại AEON MALL Huế của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam là dự án lớn nhất của Nhật Bản đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Thừa Thiên Huế, với 6 dự án ODA có tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, trong đó, dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế do JICA tài trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD là dự án ODA lớn nhất của Nhật Bản từ trước đến nay.
Nguồn:Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Tín dụng bất động sản tăng trưởng trên 24%