Tin bất động sản tuần qua: 62 dự án ở TP HCM không đủ điều kiện làm nhà ở thương mại
Tin bất động sản tuần qua: Phú Yên thu hồi dự án khu đô thị cao cấp hơn nghìn tỷ Tin bất động sản tuần qua: Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội |
62 dự án ở TP HCM không đủ điều kiện làm nhà ở thương mại
Theo tìm hiểu, 62 dự án mà Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM vừa công bố không đáp úng điều kiện làm nhà ở thương mại, chủ yếu do dự án không có đất ở hoặc không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất ở theo quy định tại khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong danh sách dự án nêu trên, có hàng loạt dự án của “đại gia” tên tuổi trong làng bất động sản phía Nam, như Khu nhà ở thấp tầng Nam Khang, diện tích 6,5 ha, do Công ty Bất động sản Nam Khang làm chủ đầu tư; Khu căn hộ để bán Sila Thảo Điền do Công ty cổ phần I Con làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Thới An, diện tích 7,12 ha, do Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh phát triển nhà Sang Anh làm chủ đầu tư; Chung cư sông Sài Gòn (Saigon River Apartment), diện tích 2,83 ha, do Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc làm chủ đầu tư; Khu dân cư Linh Trung, diện tích 2,71 ha, do Công ty cổ phần Minh Long Đông Sài Gòn làm chủ đầu tư; Khu phức hợp Trường Phước Lộc, diện tích 7,1 ha, do Công ty cổ phần Bất động sản Trường Phát Lộc làm chủ đầu tư;
Dự án khu nhà ở An Phú, diện tích 6,1 ha, do Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư; Khu nhà ở tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, diện tích 2,5 ha, do Công ty cổ phần Phát triển Hoa Lâm làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư CityLand do Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố làm chủ đầu tư;
Khu nhà ở Doxaco do Công ty TNHH Xây dựng Đô Thị Mới làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng Khu căn hộ NewSun do Công ty cổ phần Kim Tây Nam làm chủ đầu tư; Dự án Khu biệt thự nhà vườn Sài Gòn Riverside do Công ty cổ phần Bất động sản nghỉ dưỡng Sài Gòn Garden làm chủ đầu tư; Dự án Khu thương mại dịch vụ và nhà ở cao tầng (Sao Mai Skyline Plaza) do Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư; Khu nhà ở Thế kỷ 21 do Công ty cổ phần Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư NBB Garden III do Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy là chủ đầu tư…
Quảng Ngãi duyệt quy hoạch đô thị mới Sơn Tịnh quy mô 2.018 ha
Vừa qua, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký quyết định số 580/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung.
Theo đó, quy hoạch chung đô thị mới Sơn Tịnh có diện tích khoảng 2.018 ha, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tịnh Hà (khoảng 1.981ha) và một phần diện tích tự nhiên của xã Tịnh Sơn (khoảng 37ha), huyện Sơn Tịnh.
Ranh giới cụ thể có phía Đông giáp xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi; Phía Tây giáp suối Bà Mẹo, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh; Phía Nam giáp sông Trà Khúc; Phía Bắc giáp xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh.
Quy hoạch chung đô thị mới Sơn Tịnh có tính chất là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Sơn Tịnh. Đây cũng là đầu mối giao thông quan trọng giữa các xã trong huyện và giữa huyện Sơn Tịnh với thành phố Quảng Ngãi, Khu Kinh tế Dung Quất và các huyện lân cận.
Quy hoạch chung đô thị mới Sơn Tịnh còn có tính chất là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho các khu vực lân cận trên địa bàn huyện và tỉnh.
Về quy hoạch sử dụng đất, đô thị mới Sơn Tịnh có 372 ha đất dân dụng, 281 ha đất ngoài dân dụng và 1.365 ha đất khác.
Tại đô thị mới Sơn Tịnh sẽ có khu đô thị trung tâm huyện; khu đô thị mới phía Đông Nam; các khu ở mật độ thấp và vùng sản xuất nông - lâm nghiệp.
Trong đó, khu đô thị trung tâm huyện là trung tâm hành chính tập trung của huyện, trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm giáo dục, trung tâm thương mại - dịch vụ, công cộng, công viên, các khu ở hiện trạng và xây dựng mới.
Khu đô thị mới phía Đông Nam là khu đô thị mới phát triển trên nền tảng khu trung tâm xã Tịnh Hà, với các trung tâm thương mại - dịch vụ hỗn hợp, công trình công cộng, công viên cây xanh, các khu ở hiện trạng chỉnh trang và xây dựng mới.
Riêng các khu ở mật độ thấp và vùng sản xuất nông - lâm nghiệp là khu vực sản xuất nông - lâm nghiệp tập trung phía Bắc đô thị, các khu ở mật độ thấp hiện hữu phân tán trong khu vực sản xuất nông lâm nghiệp, là quỹ đất dự trữ phát triển cho tương lai.
Bắc Giang phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới Ngọc Thiên
Quyết định vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị mới Ngọc Thiên (Bỉ) trong huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040 với tỷ lệ 1/5.000.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích xã Ngọc Thiên, huyện Tân Yên. Đô thị mới Ngọc Thiên sẽ trở thành trung tâm kinh tế đa ngành phía Nam huyện Tân Yên, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nông nghiệp, và là khu vực phát triển công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Dự kiến dân số sẽ đạt khoảng 24.700 người vào năm 2030 và khoảng 32.000 người vào năm 2040.
Theo quy hoạch, đô thị Ngọc Thiên sẽ được chia thành 4 khu vực phát triển chính:
Khu số 1: Khu đô thị trung tâm hiện có sẽ được cải tạo và trở thành trung tâm hành chính của đô thị. Khu vực này sẽ phát triển hệ thống trung tâm thương mại dịch vụ, công viên cây xanh và mặt nước.
Khu số 2: Khu đô thị phức hợp công nghiệp dịch vụ ở cửa ngõ phía Bắc sẽ tập trung vào cải tạo khu vực dân cư hiện có và phát triển các khu đô thị mới. Khu vực này cũng sẽ phát triển các khu dịch vụ hỗ trợ cho cụm công nghiệp và du lịch văn hóa.
Khu số 3: Khu đô thị dịch vụ công nghiệp ở cửa ngõ phía Nam sẽ phát triển khu thương mại dịch vụ và kết nối với Đường ĐT 398B. Khu này cũng bao gồm khu công nghiệp Ngọc Thiên và khu vực dự trữ phát triển đô thị trong tương lai.
Khu số 4: Khu đô thị dịch vụ công nghiệp kết hợp du lịch sinh thái ở phía Tây sẽ liên kết với khu công nghiệp Ngọc Thiên và phát triển khu dân cư mới. Khu vực này cũng sẽ phát triển dịch vụ du lịch gắn liền với cảnh quan và sinh thái của mặt nước.
Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đầu (đến năm 2027) bao gồm: Cụm công nghiệp Kim Tràng, cơ sở y tế tại thôn Ngọc Trai, tuyến đường vành đai V, tuyến đường ĐT.398B, trường trung học cơ sở và trường tiểu học, công viên cây xanh, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước chống ngập úng, và trạm xử lý nước thải.
TP HCM: Cả tháng chỉ bán được 12 căn nhà liền thổ
Công ty JLL Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023. Theo đó, trong 3 tháng qua, chỉ có 36 căn nhà liền thổ ở TPHCM được giao dịch thành công. Theo JLL Việt Nam, các sản phẩm trên thị trường sơ cấp chủ yếu là hàng tồn kho có giá trị giao dịch lớn 1 triệu USD/căn nên giao dịch càng hạn chế trong bối cảnh tâm lý thị trường thận trọng.
Tại Hà Nội, nhà ở liền thổ bán được trong quý II/2023 là 105 căn, đến từ một dự án có giá dưới 10 tỷ đồng/căn ở khu vực ngoại thành. Trong khi đó, tốc độ bán hàng ở các dự án giá 20 - 30 tỷ đồng ở các quận nội thành vẫn ở mức thấp, chỉ 5 - 10 căn trong 3 tháng qua do tâm lý thị trường yếu.
Ở phân khúc căn hộ cao cấp và siêu sang cũng chỉ có 1.090 căn được bán tại TP HCM. Dù có nhiều tín hiệu tích cực về nguồn cung, nhưng tỷ lệ bán được ở căn hộ phân khúc này vẫn giảm xuống gần 40% so với cùng kỳ, phản ánh xu hướng lượng giao dịch đang chậm lại.
Các chủ đầu tư tiếp tục áp dụng nhiều phương thức thanh toán linh hoạt như chiết khấu giá bán, gia hạn thời gian thanh toán hay hỗ trợ lãi suất để thu hút người mua. Khu đô thị mới Thủ Thiêm là nguồn cung chủ yếu cho thị trường nhà ở TP HCM trong quý này với 1.123 căn, từ 3 dự án được mở bán chính thức.
Giá bán sơ cấp căn hộ cao cấp TP HCM đạt 5.183 USD/m2, giảm nhẹ 2% so với quý trước. Sự sụt giảm trong giá sơ cấp chủ yếu đến từ chính sách chiết khấu lớn của chủ đầu tư. Đối với thị trường thứ cấp, giá tăng 1,5% so với quý trước.
Trong khi đó, có tới 777 căn hộ phân khúc cao cấp được bán ra tại Hà Nội. Các dự án có nhiều ưu đãi và đang bán với mức giá dưới 3.000 USD/m2 là những sản phẩm thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Riêng các dự án có giá từ 3.100 USD/m2 trở lên ghi nhận tỷ lệ bán hàng rất thấp.
JLL Việt Nam dự báo, trong 6 tháng cuối năm, nguồn cung ở TP HCM vẫn còn chịu áp lực. Thị trường căn hộ cao cấp dự kiến sẽ chào đón thêm khoảng 1.900 căn, thấp hơn 53% so với lượng mở bán mới trong 6 tháng đầu năm. Phân khúc nhà liền thổ dự kiến chào đón khoảng 300 căn đến từ hai dự án mở bán mới ở TP Thủ Đức và quận Bình Tân.
Khánh Hòa phê bình chủ đầu tư dự án 72 triệu USD ở Nha Trang
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê bình Ban quản lý dự án (QLDA) Phát triển tỉnh này vì chậm thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án 72 triệu USD ở TP Nha Trang.
Một góc dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang. Ảnh: C.T |
Ngày 1/7, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân về việc triển khai dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang, có tổng vốn đầu tư 72 triệu USD và được giao cho Ban Quản lý dự án (QLDA) Phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê bình, yêu cầu Ban QLDA Phát triển tỉnh, UBND TP Nha Trang, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, xử lý và triển khai liên quan đến Tiểu dự án Nha Trang. Cụ thể, vào năm 2021, Tiểu dự án Nha Trang đã giải ngân 193 tỉ đồng (đạt 100% kế hoạch), nhưng công tác giải phóng mặt bằng của dự án còn chậm.
Theo cam kết với Ngân hàng thế giới (World Bank - đơn vị tài trợ dự án), Tiểu dự án Nha Trang phải kết thúc trước ngày 31/12/2022. Dự án trên đã được gia hạn nhiều lần, nhưng vẫn liên tục chậm tiến độ. Nguyên nhân là chủ đầu tư và địa phương chậm giải phóng mặt bằng, liên tục vấp phải các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện từ phía người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của BQLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa, đến nay World Bank đã có ý kiến góp ý đối với 160 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hội đồng bồi thường của dự án đã tiến hành rà soát, thông qua 37 phương án trong tổng số 81 phương án đề nghị rà soát, chỉnh sửa trước khi thực hiện niêm yết công khai theo quy định.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Hồ Tấn Quang - Giám đốc BQLDA phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Việc chậm ban hành tiêu chí tái định cư dẫn đến chưa thể tổ chức lựa chọn lô tái định cư và chậm xác định giá trị lô tái định cư tối thiểu để có cơ sở tính toán số tiền bù khoảng chênh lệch cho các hộ dân đủ điều kiện.
Nguồn: Tin bất động sản tuần qua: 62 dự án ở TP HCM không đủ điều kiện làm nhà ở thương mại