Tin bất động sản tuần qua: Đà Nẵng “thúc” tiến độ 3 dự án bỏ hoang giữa trung tâm thành phố
Tin bất động sản ngày 9/9: Cần Thơ sắp mở bán gần 1.000 căn nhà ở xã hội Tin bất động sản ngày 8/9: TP HCM ủy quyền cho các địa phương quyết định giá đất |
Đà Nẵng “thúc” tiến độ 3 dự án bỏ hoang giữa trung tâm thành phố
UBND TP Đà Nẵng vừa có công văn yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương triển khai, có cam kết lộ trình thực hiện theo quy định pháp luật đối với 3 dự án tọa lạc trên đất vàng giữa trung tâm thành phố là Viễn Đông Meridian Tower, Vũ Châu Long và Golden Square.
Đà Nẵng “thúc” tiến độ 3 dự án bỏ hoang giữa trung tâm thành phố/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt cho các doanh nghiệp triển khai những dự án quan trọng này tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các dự án này đều chưa hoàn thành và tiếp tục bỏ hoang.
Dự án Golden Square nằm ở vị trí đắc địa với diện tích lớn hơn 10.600m2 tại trung tâm Đà Nẵng. Dự án bao gồm 3 tòa tháp cao, với 2 tầng hầm và dự kiến tổng vốn đầu tư là 1.000 tỷ đồng. Mặc dù đã cam kết hoàn thành trong vòng 3 năm khi bắt đầu thi công vào năm 2008, tiến độ của dự án này đã rất chậm trễ. Sau nhiều biến động, năm 2016, dự án được chuyển nhượng và đến năm 2019 mới tiến hành thi công lại, nhưng đến nay, tòa nhà vẫn chưa hoàn thành.
Dự án Viễn Đông Meridian Tower, tọa lạc ngay trung tâm thành phố, đã được khởi công từ năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 180 triệu USD. Dự án này dự kiến xây dựng căn hộ cao cấp, khu trung tâm thương mại, khách sạn 6 sao và đã cam kết hoàn thành vào quý 2/2011. Tuy nhiên, sau 15 năm, dự án này vẫn chưa được hoàn thành và chỉ là một bãi đất trống.
Dự án Đà Nẵng Center, nằm cách Viễn Đông Meridian Tower chỉ vài trăm mét, cũng đang trong tình trạng tương tự. Dự án này được khởi công từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 125 triệu USD và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2011. Tuy nhiên, dự án này chỉ có vài cọc bê tông và đã gây ra ô nhiễm môi trường và sự bất an cho cư dân xung quanh.
Một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Tĩnh bị đề nghị xử phạt gần 4 tỷ đồng
UBND huyện Hương Sơn đang có tờ trình UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xử phạt vi phạm hành chính gần 4 tỷ đồng đối với Công ty CP Bất động sản HANO-VID.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc giao kiểm tra, rà soát, xử lý các sai phạm tại dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1, UBND huyện Hương Sơn đã tổ chức kiểm tra, rà soát hành vi vi phạm của Công ty CP Bất động sản HANO-VID (Nhà đầu tư) trong thực hiện dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1.
Qua kiểm tra, sà soát, UBND huyện Hương Sơn khẳng định nhà đầu tư đã “sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật” nên được xác định là hành vi chiếm đất.
Cụ thể, diện tích đất bị chiếm là hơn 10,6 ha. Trong đó, ở địa bàn xã Sơn Trung hơn 5,2 ha, thị trấn Phố Châu hơn 5,4 ha với các loại đất bị chiếm gồm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất trồng lúa và đất phi nông nghiệp.
Với hành vi chiếm đất, UBND huyện Hương Sơn đề nghị xử phạt 1.744.000.000 đồng.
Không những thế, UBND huyện Hương Sơn cũng xác định, buộc nhà đầu tư phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 2.124.941.944 đồng.
Ngoài ra, đề nghị phạt 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư.
Do đó, tổng mức xử phạt mà UBND huyện Hương Sơn đề nghị là gần 4 tỉ đồng.
Được biết, từ tháng 10/2021, nhà đầu tư đã tiến hành khởi công Dự án khu dân cư độ thị Bắc Phố Châu 1 dù chưa hoàn thành thủ tục giao đất. Dự án có tổng mức đầu tư 800 tỉ đồng được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2019.
Riêng trong năm 2022, UBND huyện Hương Sơn đã phát hiện sai phạm và lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng 3 lần đối với Công ty CP Bất động sản HANO-VID vì chưa được giao đất đã san lấp mặt bằng, thi công dự án.
TP HCM yêu cầu rà soát 25 doanh nghiệp thành lập sàn giao dịch BĐS
Vừa qua, UBND TP HCM yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, cập nhật, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và doanh nghiệp thành lập sàn giao dịch bất động sản.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng tham mưu kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, Nghị định số 16/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng có nội dung phạt tiền từ 120-160 triệu đồng đối với hành vi: sàn giao dịch bất động sản không có quy chế hoạt động hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc hoạt động không có tên, địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Tuy nhiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành mẫu quy chế hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và chưa có quy định về tư cách pháp nhân đối với sàn giao dịch bất động sản.
UBND TP HCM giao Sở Xây chủ trì nghiên cứu, xây dựng cẩm nang về một số nội dung cần lưu ý khi thực hiện mua nhà ở hình thành trong tương lai để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp biết và thực hiện đúng quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng rà soát thông tin 25 doanh nghiệp thành lập sàn giao dịch bất động sản do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Đồng thời phối hợp tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản. Định kỳ cung cấp thông tin về hoạt động, việc thay đổi địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản theo danh sách Sở Xây dựng tổng hợp để quản lý.
Sở dĩ có chỉ đạo này bởi hiện nay có trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản thông báo giải thể doanh nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc gửi thông tin đóng mã số thuế doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế nhưng không gửi thông tin đến Sở Xây dựng.
Hà Nội: Gần 300 ha đất nông nghiệp tại Phúc Thọ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất
UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4278/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện Phúc Thọ.
Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ thu hồi 314,42 ha đất, trong đó đất nông nghiệp 288,55ha, đất phi nông nghiệp là 25,87ha.
Cũng theo Quyết định số 4278/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội sẽ chuyển mục đích sử dụng đối với 325,78ha đất. Trong đó, diện tích chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất phi nông nghiệp là 25,87ha, 299,91ha còn lại là đất nông nghiệp chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp; trong đó, đất trồng lúa là 270,81ha; đất trồng cây hàng năm khác là 23,76ha; đất trồng cây lâu năm là 3,04ha; đất nuôi trồng thuỷ sản là 2,29ha.
Trong quyết định lần này UBND thành phố không thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; đồng thời không chuyển đổi đất lâm nghiệp, đất làm muối và các loại đất nông nghiệp khác. Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất NN
Theo quy hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt trước đó, toàn huyện Phúc Thọ có gần 4.225ha đất nông nghiệp, hơn 7.533ha đất phi nông nghiệp và khoảng 91,5ha đất chưa sử dụng.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, huyện Phúc Thọ sẽ chuyển đổi hơn 2.733ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Diện tích chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp là 14,68ha. Sẽ có gần 51ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được huyện chuyển đổi sang đất ở.
Về việc quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Phúc Thọ, UBND TP Hà Nội đã đề nghị huyện tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả. Cân đối, xác định các nguồn vốn để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính khả thi.
Khởi động dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ
Ngày 9/9, tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, Liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC - Việt Nam và Sembcorp Development - Singapore (VSIP Group) tổ chức lễ khởi động dự án VSIP Cần Thơ. Đây cũng là VSIP đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Khởi động dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
VSIP Cần Thơ được quy hoạch với tổng diện tích 900 ha, dự kiến khi hoàn chỉnh sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động, thu hút 3,5 tỷ USD.
Giai đoạn 1, VSIP Cần Thơ có diện tích 293,7 ha, tạo việc làm cho từ 20.000 - 30.000 lao động. Dự án tọa lạc tại giao điểm chiến lược giữa các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long giáp ranh 3 tỉnh là Đồng Tháp, An Giang và Hậu Giang, dễ dàng kết nối với hệ thống cảng, sân bay và các dịch vụ tiện ích của trung tâm thành phố.
VSIP Cần Thơ được định hướng xây dựng theo mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững. VSIP Cần Thơ đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam, thiết lập mạng lưới logistics “từ trung tâm đến cảng” và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, VSIP Cần Thơ giai đoạn 1 là khu công nghiệp thứ 7 được thành lập trên địa bàn TP Cần Thơ. Thành phố hoàn toàn tin tưởng dự án sẽ sớm được triển khai và đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đề ra; hình thành môi trường thuận lợi phục vụ các nhà đầu tư tại TP Cần Thơ nói riêng và khu vực Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đóng góp tích cực vào sự hội nhập, phát triển toàn diện và bền vững của Việt Nam trong tương lai.
TP Cần Thơ cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình đầu tư, hoạt động kinh doanh tại địa phương.
Nguồn:Tin bất động sản tuần qua: Đà Nẵng “thúc” tiến độ 3 dự án bỏ hoang giữa trung tâm thành phố