Tin bất động sản tuần qua: Khánh Hòa thống nhất chủ trương đầu tư 2 dự án khu đô thị tại Vân Phong
Tin bất động sản tuần qua: Lâm Đồng bác đề xuất dự án khu dân cư của Công ty Eco Grand Land Tin bất động sản tuần qua: Trà Vinh tìm chủ đầu tư cho khu đô thị hơn 3.000 tỷ đồng |
Khánh Hòa thống nhất chủ trương đầu tư 2 dự án khu đô thị tại Vân Phong
Ngày 5/4, tại Hội nghị lần thứ 18, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã thảo luận, thống nhất về chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới cao cấp Tu Bông và Khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn, huyện Vạn Ninh theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.
Ảnh minh họa |
Trước đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã thông qua hai nghị quyết liên quan đến việc thu hồi đất cho các dự án và danh sách dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong danh sách đó có cả hai dự án khu đô thị mới cao cấp Tu Bông và Đầm Môn, với tổng diện tích đất thu hồi là hơn 2.895 héc ta.
Khu đô thị mới cao cấp Tu Bông cần thu hồi hơn 1.567 héc ta đất từ 6 xã Vạn Thọ, Vạn Bình, Vạn Phước, Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Long. Trong khi đó, khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn cần thu hồi hơn 1.328 héc ta đất thuộc xã Vạn Thạnh.
Ngoài ra, khu đô thị mới cao cấp Tu Bông được dự kiến sẽ có diện tích lấn biển là 1.000 héc ta, và khu đô thị mới cao cấp Đầm Môn cũng có diện tích lấn biển dự kiến là hơn 113 héc ta. Cả hai dự án này đều thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Trước đó, vào tháng 4/2023, các công ty thuộc Tập đoàn Sun Group đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Khánh Hòa để đầu tư cho bốn dự án tại Khu kinh tế Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Trong số đó, tại phân khu 3, Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long đã đăng ký đầu tư xây dựng trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Sun Group mới chỉ mới ký biên bản ghi nhớ với tỉnh và hiện đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đang tập trung vào việc lập quy hoạch phân khu, và sau đó sẽ mời các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật để tham gia dự án.
Ông Tuân cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được ưu tiên cho những phân khu đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh về triển khai các dự án đô thị, cảng biển và sân bay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chiến lược sẽ được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ.
Bình Dương: Dự án Unico Thăng Long vẫn đang “dang dở”
Dự án khu nhà ở Unico Thăng Long hay dự án Unico Thăng Long Tower là những cái tên mỹ miều mà chủ đầu tư đặt cho dự án nhà ở xã hội Unico Thăng Long, toạ lạc mặt tiền Quốc lộ 13, phường Tân Định, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Dự án này được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2006.
Ban đầu, chủ đầu tư dự án là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ và Thương mại Hải Long (DNTN Hải Long). Tuy nhiên, thời điểm được chấp thuận đầu tư doanh nghiệp này lại không đủ năng lực thực hiện dự án.
Đến năm 2018, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho DNTN Hải Long liên kết với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương Mại Unico (Công ty Unico) để thực hiện dự án.
Liên doanh này ngay lập tức quảng cáo và rao bán rầm rộ dự án trên mạng xã hội và các nền tảng khác.
Từ đầu 2019, Công ty Unico cũng thu tiền từ khách hàng bằng các hợp đồng đặt cọc. Thời điểm thu cọc, Công ty Unico tự tin quảng cáo dự án có 3 block cao 19 tầng, với gần 1.100 căn hộ đầy đủ tiện nghi, hiện đại.
Thế nhưng theo quy hoạch, dự án chỉ được cấp phép xây dựng 2 block cao 15 tầng, với tổng số căn hộ dự kiến là gần 800.
Liên quan đến tiến độ dự án, ngày 27/3/2024, theo tìm hiểu của PV, dự án đã hoàn thành xây dựng phần thô đến tầng 15 thì dừng lại, không có dấu hiệu tiếp tục thi công.
Bên ngoài dự án được bao quanh bởi hàng rào dựng bằng tôn kiên cố. Cả hai lối vào dự án cũng ở trong tình trạng cửa đóng then cài. Phía bên trong dự án cỏ mọc um tùm, không có bất kỳ máy móc hay công nhân nào làm việc.
Một người dân sống cạnh dự án cho biết, dự án Unico Thăng Long đã ngừng thi công gần một năm nay. Kể từ đầu tháng 4/2023 dự án đã đóng cửa, từ đó không còn thấy công nhân hay máy móc tiếp tục thi công.
Lâm Đồng: Công ty Cổ phần Sandals bị phạt 110 triệu đồng do xây dựng sai phép
UBDN TP Bảo Lộc, Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 1009/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Sandals (số 148/22 Lê Hồng Phong, Phường 1, TP. Bảo Lộc số tiền 110 triệu đồng và yêu cầu khắc phục các sai phạm liên quan.
Công trình khách sạn du lịch Sandals Victory để xảy ra các sai phạm/Ảnh minh họa |
Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với Công ty CP Sandals (trụ sở tại Phường 1, TP Bảo Lộc), thông qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng TP Bảo Lộc phát hiện tại công trình xây dựng khách sạn du lịch Sandals Victory, Công ty CP Sandals đã có các hành vi xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp.
Cụ thể, công trình này không xây dựng tầng hầm; xây dựng sai vị trí công trình so với giấy phép đã cấp; diện tích xây dựng, tổng diện tích sàn thay đổi so với thiết kế được duyệt; thi công xây dựng bể chứa nước phòng cháy chữa cháy không đúng vị trí theo thiết kế được duyệt.
Các hành vi trên đã vi phạm điểm c, Khoản 3, Điều 4; điểm c, Khoản 6, Điều 16 của Nghị định 16/2022/NĐ- CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Với các vi phạm nêu trên, UBND TP Bảo Lộc xử phạt Công ty CP Sandals số tiền 110 triệu đồng.
Ngoài ra, UBND TP Bảo Lộc buộc Công ty Cổ phần Sandals phải dừng thi công công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp kể từ ngày 22/3/2024. Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Công ty Cổ phần Sandals phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng và có giấy phép xây dựng điều chỉnh.
Quá thời hạn trên mà Công ty Cổ phần Sandals không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền cấp thì phải tự phá dỡ công trình vi phạm hoặc tự phá dỡ phần xây dựng công trình vi phạm không phù hợp theo giấy phép xây dựng và thiết kế xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Khánh Hòa rà soát thêm 5 dự án của Tập đoàn Phúc Sơn
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản khẩn gửi các sở, ngành liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu về các dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) và các công ty thành viên của tập đoàn này, theo đề nghị của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham những, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an).
Ảnh minh họa |
UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, cung cấp chi tiết tổng vốn đầu tư (trong đó nêu rõ vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn Nhà đầu tư...), cùng các quyết định, văn bản liên quan kinh phí đầu tư đối với 5 dự án.
Cụ thể 5 dự án gồm: Hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh đến đầu Sông Tắc - Nha Trang; dự án Đường Nha Trang đi Đà Lạt giai đoạn 1; dự án Đường Nha Trang đi Đà Lạt giai đoạn 2; dự án Đường Phong Châu và dự án Cảng hàng không Quốc tế "sân bay Cam Ranh.
Tập đoàn Phúc Sơn có 11 đơn vị thành viên. Ở Khánh Hòa, từ tháng 10-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ký quyết định thu hồi 62,3 ha đất để giao cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (một phần diện tích sân bay Nha Trang cũ) gồm phân khu 2A, 2 và 3.
Năm 2017, tỉnh Khánh Hòa ủy quyền cho các ban quản lý dự án ký hợp đồng BT 3 dự án giao thông với Tập đoàn Phúc Sơn, gồm nút giao thông Ngọc Hội; đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội; các tuyến đường, các nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang. Tổng mức đầu tư 3 dự án là 3.562 tỉ đồng, nhà đầu tư được hoàn vốn hơn 20 ha đất thuộc dự án tại sân bay Nha Trang cũ. Cả 3 dự án BT đều không qua đấu giá mà được chỉ định giao cho Tập đoàn Phúc Sơn.
Tập đoàn Phúc Sơn còn có 2 dự án khu đô thị Phúc Khánh 1 (xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang) và khu đô thị Phúc Khánh 2 (xã Diên An, huyện Diên Khánh). Dự án khu đô thị Phúc Khánh 1 có diện tích gần 14 ha, còn khu đô thị Phúc Khánh 2 diện tích trên 49 ha, được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch 1/500 năm 2014 và dù đã triển khai từ năm 2014 nhưng đến nay, cả 2 dự án này vẫn chưa xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bạc Liêu phạt doanh nghiệp vi phạm đất đai hơn 500 triệu đồng
Ngày 5/4, thông tin từ UBND tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 550 triệu đồng đối với Công ty CP Thuận Phát Gành Hào (địa chỉ ở ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).
Công ty CP Thuận Phát Gành Hào bị phạt 550 triệu đồng |
Lý do Công ty CP Thuận Phát Gành Hào bị phạt vì đã để xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực đầu tư, đất đai và xây dựng.
Cụ thể, về đầu tư, công ty thực hiện một số hạng mục công trình chậm tiến độ theo chủ trương đầu tư như: Khu điều hành, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giữ xe; một số hạng mục khác (hàng rào, đường bộ, đường nội bộ chưa hoàn thiện) và thực hiện các hạng mục dự án chưa đảm bảo theo chủ trương đầu tư.
Về đất đai, công ty ký 8 hợp đồng cho thuê lại đất gồm: Một hợp đồng với Công ty Vũ Võ Bạc Liêu để sản xuất kinh doanh chế biến hải sản và sản xuất nước mắm truyền thống, với diện tích 1.100 m2; 7 hợp đồng hợp tác đầu tư với 7 tổ chức kinh tế xây dựng trụ bê tông cốt thép lắp đặt các pin năng lượng mặt trời mái nhà, với diện tích hơn 38.700 m2.
Theo giấy phép xây dựng số 17/GPXD ngày 20/5/2019 của Sở Xây dựng có 13 hạng mục công trình, tuy nhiên, công ty chỉ xây dựng có 3/13 hạng mục công trình, nhưng 3 hạng mục công trình này cũng chưa đúng với giấy phép xây dựng.
Với 3 hành vi sai phạm trên, công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 550 triệu đồng (công ty đã chấp hành nộp phạt xong).
Về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, Công ty CP Thuận Phát Gành Hào phải hoàn thành các hạng mục công trình theo dự án, và di dời các công trình liên quan đến điện mặt trời lên mái nhà công trình của dự án theo đúng theo quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Đối với cơ sở sản xuất nước mắm, thống nhất cập nhật vào quy hoạch chi tiết để tồn tại nhưng sẽ xem xét lại việc ưu đãi đầu tư, miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định.
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng giao Cục Thuế tỉnh xác định thu hồi số tiền thuê đất được miễn, giảm (nếu có) đối với diện tích đất sử dụng không đúng mục tiêu của dự án và vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng với diện tích là 39.821m2.
Nguồn: Tin bất động sản tuần qua: Khánh Hòa thống nhất chủ trương đầu tư 2 dự án khu đô thị tại Vân Phong